Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nỗi niềm sự học trẻ Đan Lai

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải ai cũng từng nghe về một dân tộc thiểu số có tên gọi Đan Lai. Dân tộc thiểu số này nay chỉ còn chừng hơn 3000 người cư trú chủ yếu ở các bản trong rừng sâu của xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Hôm chúng tôi theo đoàn của Ủy ban Biên giới quốc gia lên tặng quà và vui Tết Trung thu với thầy và trò Trường Tiểu học Môn Sơn 3 vào đúng ngày trời mưa như trút nước. Con đường đất vào trường càng khó khăn vì trơn và lầy lội. Ông Đỗ Văn Mai, Phó bí thư Đảng ủy Ủy ban Biên giới quốc gia, trưởng đoàn công tác, nói với anh em trong đoàn: “Có đi như thế này, mới biết các cháu tới được trường vất vả thế nào”.
Trẻ em Đan Lai tại Trường Tiểu học Môn Sơn 3 quây quần cùng các thầy cô giáo vui Tết Trung thu năm 2011 vừa qua
Ấn tượng đầu tiên của mọi người khi đến đây là đôi mắt của các em học sinh người dân tộc Đan Lai. Người các em nhỏ thó, da đen bóng nhưng đôi mắt thì to tròn và rất sáng. Được nhận bánh kẹo, đồ chơi từ các vị khách từ xa đến, đôi mắt các em ánh lên niềm vui, sung sướng. Tay mân mê món đồ chơi điện tử mô phỏng chiếc đèn kéo quân vừa được tặng, em La Thị Luông, học sinh lớp 5A, phấn khởi khoe: “Được nhà trường thông báo hôm nay có đoàn các bác từ Hà Nội vào tặng quà Trung thu, 5 giờ cháu đã từ bản ra đây để đón. Đồ chơi này cháu sẽ mang về để các em của cháu và các bạn trong bản chơi cùng”.
Nói về nỗi nhọc nhằn trong việc học hành của những đứa trẻ người dân tộc Đan Lai, thầy giáo Trần Xuân Hùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cuộc sống của người Đan Lai còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, chiếm 94,5%. Cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ và bằng xuồng máy, từ xã vào bản cũng phải 3 đến 4 giờ đồng hồ. Học sinh muốn tới trường phải đi qua 4, 5 khe suối trong nhiều giờ. Mặc dù vậy nhưng các em rất ham học, nhiều em học giỏi. Trong năm qua, trường có 7 em là học sinh giỏi cấp huyện, 88 em là học sinh giỏi cấp trường…”. Cũng theo thầy hiệu trưởng, để hạn chế những khó khăn do đường sá xa xôi, cách trở, Môn Sơn phải tổ chức thành 5 điểm trường, các giáo viên thay nhau bám bản, bám học sinh. Nhà trường đã cùng địa phương tham gia vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bút, sách vở cho các em học sinh người Đan Lai. Tuy nhiên, con đường đến trường của trẻ em người dân tộc thiểu số Đan Lai còn rất nhiều gian truân. “Người Đan Lai thường bảo: Con gái phổng phổng một tí là đẻ được rồi. Mà cứ đẻ thoải mái thì thôi, nên hầu hết các gia đình đều đông con, ít thì cũng 3, 4; nhiều có khi tới 13, 14 con. Đông con, cuộc sống khó khăn, vì thế việc học hành của các cháu rất dễ dở dang”, bà Chủ tịch UBND xã Môn Sơn trăn trở.
Chia sẻ những khó khăn của xã biên giới này, các cán bộ, chuyên viên, nhân viên của Ủy ban Biên giới quốc gia đã tổ chức phát động và quyên góp được trên 3 tạ quà gồm quần áo, sách vở, đồ chơi, bánh kẹo… tặng đồng bào dân tộc và các em học sinh của Trường Tiểu học Môn Sơn 3. Chị Kiều Thị Hằng Phúc, Chủ tịch Công đoàn Ủy ban Biên giới quốc gia nói rằng: “Món quà là thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người làm công tác biên giới với Môn Sơn, một xã vùng biên còn nhiều khó khăn, nhất là với các em học sinh người dân tộc thiểu số Đan Lai ở đây”.

Mong sao cho sự học của những đứa trẻ bớt nhọc nhằn, để có ngày đồng bào dân tộc Đan Lai từng bước “tiến kịp miền xuôi”. Chia tay Môn Sơn, mọi người lại bắt gặp những đôi mắt dễ thương của trẻ Đan Lai. Đôi mắt sáng rỡ, trong leo lẻo như nước sông Giăng… Ẩn sâu trong đôi mắt có niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho tộc người nhiều khốn khó này…
Theo Trần Hoàng – Xuân Hưng

QĐND

Bình luận (0)