Xe buýt liên tỉnh cần được trợ giá và khắc phục tình trạng trùng tuyến thì mới có thể tồn tại lâu dài
|
Không chỉ xe buýt có trợ giá mới gặp khó, các tuyến xe buýt liên tỉnh (không được trợ giá) còn khó khăn bội phần. Trùng tuyến – vắng khách trở thành nỗi ám ảnh của nhiều chủ xe, thậm chí đẩy họ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Tài xế nản chí
Ông Phan Văn Chiến, chủ xe buýt tuyến 604 (ngã 3 Vũng Tàu – Tam Hiệp – Amata – Hố Nai) cho hay, tình trạng trùng tuyến không chỉ gây khó khăn cho tài xế của những tuyến xe buýt có trợ giá ở TP.HCM, mà các tuyến xe buýt liên tỉnh cũng thêm khốn khổ. Trước kia xe ít, khách nhiều, gia đình ông Chiến đã mạnh tay bán ruộng rẫy để đầu tư xe buýt theo hình thức tự thu tự chi, hầu mong kiếm được kế sinh nhai vững bền để lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Mấy năm gần đây xe buýt nhiều nên xe ông Chiến bị các tuyến 602, tuyến 12 và tuyến 150 “đè” quanh năm, khiến cho nhiều chuyến chỉ lưa thưa vài hành khách. “Trùng tuyến khiến xe bị mất khách và phải đua chẳng khác gì “xe dù”, phải chụp giật rồi gây va quẹt hay tai nạn là những gì mà cánh xe buýt liên tỉnh chúng tôi phải đối diện mỗi ngày. Chưa kể chạy xe mà không có khách coi như thất nghiệp nhưng vẫn phải bỏ tiền túi ra bù chi phí nhiên liệu”, ông Chiến than thở. Không chỉ riêng ông Chiến mà các chủ xe khác cũng than thở, vì cùng chung cảnh ngộ.
Một tài xế tuyến Thủ Dầu Một – Bến xe Miền Đông lưng ướt đẫm mồ hôi, dưới cái nắng cháy da với tiết trời 400C ông nhiệt tình mời đón bất kỳ hành khách nào đang đi về khu xe buýt ở Bến xe Miền Đông hầu mong có một vài khách lên xe để “mở hàng” cho chuyến xe cuối trong ngày. Ông Năm Tịnh, tài xế tuyến số 604 cũng than phiền vì xe ế khách, lại thêm cảnh sát giao thông “làm gắt” nên nhà xe càng khốn khổ. Trước đây xe buýt tuyến Sài Gòn – Biên Hòa nhiều lắm, nhưng giờ nghỉ bớt rồi. Tình hình nếu cứ như bây giờ riết rồi nhà xe chắc cũng phải bỏ nghề hết thôi”.
Theo ông Tịnh, xe buýt liên tỉnh ra đời xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và học sinh, sinh viên, nhất là những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, nên vẫn cần duy trì một số tuyến căn bản. Ông Tịnh kiến nghị: “Để xe buýt có thể tồn tại được, xe buýt liên tỉnh cũng cần được Chính phủ quan tâm, giải cứu bằng việc trợ giá, khắc phục tình trạng trùng tuyến. Đó là nguyện vọng duy nhất của các nhà xe chúng tôi bao lâu nay”.
Cần những “hiến kế”
Ông Phan Thành, một cán bộ về hưu cho rằng các quy định quá cứng nhắc trong lĩnh vực hoạt động xe buýt có thể sẽ là nguyên nhân khiến nhiều tài xế xe buýt chán nản rồi bỏ nghề.
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn TP trong năm 2013 xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt, làm 4 người chết. Một trong những nguyên nhân khiến xe buýt giảm độ an toàn là mật độ xe máy và xe buýt lưu thông trên đường quá đông. Mỗi ngày TP có khoảng 17.000 lượt xe buýt lưu thông. Lượng xe máy ở TP.HCM cũng ngày một tăng, năm 2003 TP có khoảng 2,3 triệu xe máy nhưng nay đã tăng lên 6,3 triệu chiếc. |
Ông lưu ý: “Nghề lái xe luôn đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ. Thử hình dung mỗi ngày mới các tài xế lại bắt đầu công việc với tâm trạng căng thẳng, chán chường thì việc họ làm liệu có đạt được hiệu quả tốt nhất hay không? Thế nên theo tôi, Sở GTVT cần sớm có những thay đổi cho phù hợp để giữ chân những tài xế có tâm với nghề và có lòng nhân với những người xung quanh”.
Một cán bộ về hưu ngành thuế cũng cho rằng việc xử lý các vụ tai nạn giao thông giữa xe buýt và người dân cũng cần được phân định phải trái rạch ròi, không thể để cho bất kỳ ai phải chịu oan ức. Theo người đàn ông này: “Ai có lỗi thì phải chịu xử phạt. Không thể nào người không có lỗi thì bị kỷ luật và phải bồi thường. Một khi kẻ vi phạm mà lại được hưởng lợi, còn người oan ức thì chịu thiệt thòi, có khác nào chúng ta đang dung túng cho những cái sai”.
Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT nhận định rằng một khi đã xác định xe buýt là phương tiện vận tải công cộng thì phải có những chính sách ưu tiên và cần quy hoạch hạ tầng giao thông dành cho xe buýt. Trước mắt, cần tách cho xe buýt đi làn đường riêng ở những tuyến đường rộng và có nhiều làn xe. Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là cần xây dựng văn hóa giao thông cho cộng đồng thông qua việc khuyến khích người dân ý thức chủ động nhường đường, giữ khoảng cách an toàn với xe buýt, đặc biệt khi xe buýt ra vào trạm.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Dương Hồng Thanh – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay, hệ thống xe buýt ở TP.HCM mỗi ngày vận chuyển trên 1 triệu lượt hành khách. Một kết quả khảo sát cũng cho thấy khoảng 70% người dân TP mong muốn xe buýt chạy đúng giờ với một tốc độ hợp lý. Ông Thanh khẳng định rằng với điều kiện giao thông như hiện nay, việc này chỉ có thể thực hiện nếu có được làn dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt.
Theo đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP đã đề xuất bố trí đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Phan Đình Phùng và cho đến khi cầu Kiệu hoàn tất việc xây dựng, thì cung đường trên sẽ được đưa vào sử dụng với vai trò là đường ưu tiên.
Bài, ảnh: Bích Vân
Sẽ xóa bỏ những tuyến xe trùng lắp
Bàn về vấn đề khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực hoạt động xe buýt, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay từ nay đến hết tháng 6 năm 2014, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ rà soát tất cả các luồng tuyến để xóa bỏ những tuyến xe trùng lắp; đồng thời sở cũng xúc tiến sửa chữa bến bãi và chấn chỉnh việc lấn chiếm các trạm dừng, nhà chờ.
|
Bình luận (0)