Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nỗi niềm trường nhiều điểm lẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số trên 400 trường mầm non công lập của thành phố có tới 100 trường có từ 2 đến 9 điểm lẻ. Hầu hết các điểm lẻ là nhà phố tận dụng làm phòng học, vừa nhỏ vừa cũ nát. Điều đó đã gây rất nhiều thiệt thòi cho trẻ cũng như quá tải đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên…
Những trường có nhiều điểm lẻ được rải đều ở hầu hết các quận, huyện. Có những quận chất lượng giáo dục mầm non rất tốt với nhiều trường đạt chuẩn quốc gia nhưng song song đó cũng có không ít trường có tới 3-6 điểm lẻ. Những điểm lẻ này cần phải sửa chữa lớn, thậm chí là xây dựng mới thì mới đáp ứng được nhu cầu dạy và học của nhà trường.
Cô cực, cháu khổ
Với 8 lớp và 250 cháu nhưng tổng diện tích của Trường MN 10, Q.3 chưa đầy 540m2. Và điều đáng nói là diện tích khiêm tốn này lại nằm rải rác ở 6 điểm. Điểm lớn nhất nằm trong hẻm 358 đường Cách Mạng Tháng 8 chỉ rộng 218m2, riêng 2 điểm trong hẻm 378 đường Cách Mạng Tháng 8 vẻn vẹn 73m2. Theo đó nhà trường đã phải tận dụng gầm cầu thang, tầng lửng, sân thượng làm phòng Ban giám hiệu, phòng chức năng cho trẻ và vườn cây.
Không chỉ vậy, với định mức 100 cháu thì được 1 cấp dưỡng nên Trường MN 10 chỉ có 3 cấp dưỡng. Bếp được đặt ở điểm lớn nhất, sau khi nấu xong cấp dưỡng phải đẩy thức ăn tới 5 điểm còn lại. Tuy nhiên, “Bữa ăn sáng và bữa ăn trưa, cấp dưỡng có quá nhiều việc phải làm nên việc vận chuyển thức ăn cho cháu tới các điểm phải nhờ bảo vệ làm. Chỉ bữa xế, lúc đó công việc trong bếp đã tạm ổn thì cấp dưỡng mới có thời gian đẩy thức ăn đi các điểm”, cô Trầm Thị Tuyết Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Theo quy định thì thủ quỹ là người thu tiền ăn, học phí của cháu. Song, vì trường có nhiều điểm lẻ nên chỉ có điểm chính là thủ quỹ thu, còn các điểm lẻ Hiệu phó bán trú và Hiệu phó chuyên môn phải thu. Đã vậy, phần lớn phụ huynh của trường là dân lao động nghèo nên học phí, tiền ăn đóng theo ngày chứ không phải theo tháng. Do vậy, hai hiệu phó lúc nào cũng có thêm việc để làm.
Trường MN 14, Q.3 cũng có tới 5 điểm lẻ. Trong đó điểm lẻ 284/34 và 264D đường Lê Văn Sỹ quá nhỏ nên không có sân chơi. Khác với phổ thông và tiểu học, học sinh học trong lớp nhiều, ở mầm non học sinh phải học ở bên ngoài. Vì vậy, ngày nào cô và cháu ở 2 điểm này cũng phải rồng rắn dắt nhau sang 2 điểm bên cạnh có sân để học. “Mỗi lần cho học sinh di chuyển là phải có 3 cô đi kèm nhưng vẫn cứ nơm nớp lo vì đường có quá nhiều xe đi lại”, cô Phạm Thị Xuân Mai – Hiệu trưởng nhà trường tâm tư.
Q.1 cũng có 3 trường MN có từ 4 đến 5 điểm lẻ, đó là Trường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình và Hoa Lan. Bà Lê Thị Lan – Phó phòng GD-ĐT Q.1 cho biết: “Trường có nhiều điểm lẻ cực cho cán bộ quản lý, cứ phải chạy như con thoi từ điểm này qua điểm khác. So với trường chỉ có 1 cơ sở thì trường nhiều điểm lẻ “tốn” nhiều nhân sự hơn – mỗi điểm phải có 1 bảo vệ, 1 nhân viên vệ sinh…”.
Chỉ tại thủ tục “hành là chính”
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở 2 của Trường MN 14, Q.3 có diện tích lớn nhất là 302m2. Cơ sở này nằm ở địa chỉ 264G Lê Văn Sỹ, phía bên phải của cơ sở là một tòa cao ốc 7 tầng (địa chỉ 264E Lê Văn Sỹ). Ngay cạnh tòa nhà này là cơ sở 3 của trường (địa chỉ 264D). Trước đây, tòa cao ốc 264E là một ngôi biệt thự cũ với 4 hộ dân sinh sống. Ban giám hiệu nhà trường lúc đó đã thương lượng với 4 hộ gia đình này để mua lại. Sau khi các hộ gia đình đồng ý, nhà trường đề xuất với UBND Q.3 bán các điểm lẻ xung quanh để lấy tiền mua ngôi biệt thự 264E… Một thời gian sau, chủ mới của ngôi biệt thự xuất hiện và thông báo đập nhà để xây cao ốc văn phòng. Lúc đó nhà trường mới hay vì không đợi được mấy cái thủ tục hành chính của chính quyền nên 4 hộ gia đình ở đây đã bán nhà cho người khác.
“Khi đó, chúng tôi đã thương lượng với ông chủ mới là đổi điểm 264D để cơ sở 2 và 3 của trường được gần nhau. Ông chủ này đồng ý nhưng chờ mãi không thấy chính quyền trả lời nên ông ấy đành phải khởi công xây dựng. Thế là bây giờ trường vẫn còn nguyên 5 cơ sở ở 5 nơi”, cô Xuân Mai cho biết.
Hiện tại, bên cạnh cơ sở 2 của trường là tòa nhà của công ty ong mật (địa chỉ 264H Lê Văn Sỹ). Tòa nhà này hiện đang cho thuê làm quán ăn có tên Phúc Ốc. “Chúng tôi mong muốn hoán đổi 1 điểm lẻ nào đó của trường để lấy tòa nhà này xây rộng trường, có như vậy các cháu mới có sân để chơi”, cô Xuân Mai mong muốn.
Cô Tuyết Vân – Trường MN 10, Q.3 cũng cho biết: “Xung quanh điểm trong hẻm 358 Cách Mạng Tháng 8 có 6 căn nhà với tổng diện tích trên 200m2. Phần lớn các căn nhà này đều lụp xụp, giá như UBND quận thỏa thuận được với người dân để mua lại lấy đất mở rộng trường thì cô và cháu sẽ đỡ cực hơn”…
Với thủ tục “hành là chính” thì liệu chính quyền địa phương có thể mua được đất của dân để mở rộng trường học hay không?
Ở Q.1, nhiều trường cần mở rộng nên đích thân ngành giáo dục và ban giám hiệu nhà trường đã tới nhà dân để vận động họ bán đất. Người dân đồng ý rồi nhưng chính quyền cứ nấn ná, cuối cùng giá thị trường tăng nên người dân đòi giá cao hơn, lúc đó phải làm lại các thủ tục. Thủ tục xong thì giá lại tăng… Cái vòng luẩn quẩn này đã khiến nhiều trường mất đi cơ hội được mở rộng.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)