Y tế - Văn hóaThư giãn

Nỗi oan của loài khỉ từ thơ ca đến đời sống

Tạp Chí Giáo Dục

Khi xưa, rừng núi còn mênh mông, thiên nhiên còn hoang dại thì chắc chắn các loài khỉ sống rất gần với con người, quen thuộc với con người. Cha ông ta quan sát loài khỉ và nhận ra nhiều tính nết, thói quen của chúng. Trong trăm loài thú đông đúc và gần gũi con người, khỉ là loài tinh khôn, nhanh nhẹn, có tình cảm gia đình. 
Có lẽ vì thế mà khỉ trở thành một trong 12 con giáp trong lịch pháp phương Đông, thành tên của năm trong chu kì 12 năm; thành ngày trong tháng; thành giờ trong ngày và chiếm phần trong đoán định số phận con người theo tử vi.
Trong văn học các nước, loài khỉ được xây dựng thành những nhân vật nhiều tài năng, giàu phẩm chất. Trong bộ tiểu thuyết đồ sộ, bất hủ Tây du kí của Ngô Thừa Ân (Trung Quốc), nhân vật Tôn Ngộ Không – một con khỉ – đã trở thành hình tượng bất diệt của tinh thần phản kháng, là kết tinh của tài năng, trí thông minh, lòng quả cảm, sự tận tụy. Trong văn học Ấn Độ, Hanuman là vị thần khỉ nổi tiếng cả về tài năng và lòng trung thành với đức vua Rama. Các đền thờ ở Ấn Độ thường có hình ảnh Hanuman và được nhân dân sùng kính. Khỉ là con vật thiêng ở Ấn Độ. 
Thật đáng ngạc nhiên là, trong văn học và tâm thức người Việt, khỉ không có được vị trí cao quý đó. Loài khỉ xuất hiện nhiều hơn trong lời mắng, và là loài mang nhiều tính xấu. 
Những đứa trẻ hay chạy nhảy, leo trèo, làm phiền người khác bị mắng là đồ khỉ; những trò nghịch ngợm, bắng nhắng, phá rối người khác là trò khỉ. Người có tuổi mà không được kính trọng là đồ khỉ già; người có da mặt nhăn nheo bị ví mặt nhăn như mặt khỉ. Khi ăn phải củ quả cay, nhăn nhó thì bị cho là mặt nhăn như khỉ ăn gừng… Khỉ thường sống nơi núi cao, rừng rậm, chủ yếu ăn hoa lá, trái cây vì thế leo trèo rất giỏi. Như khỉ leo cây là sự so sánh tài leo trèo của ai đó nhưng không phải lời khen. Giống khỉ biết quan sát, rút kinh nghiệm, thường làm theo con người. Bắt chước như khỉ mà. Người ta lợi dụng đặc tính này, tập cho khỉ làm việc như hái trà nơi núi cao, hiểm trở để có loại trà ngon – hầu trà. Dễ thấy hơn, người ta tập cho khỉ đi xe đạp, xay lúa… trong các trò xiếc khỉ. Tuy nhiên do biết “tư duy”, rút kinh nghiệm nên khỉ thường cảnh giác, nhát gan, dễ bị người ta hù dọa: Rung cây nhát khỉ, giết gà dọa khỉ. 
Những từ ngữ dùng để mắng, để chê sau cũng liên quan đến khỉ: Đồ khỉ khô, đồ khỉ mốc, đồ khỉ gió. Khỉ khô là cái xác khỉ đã bị khô được dùng với nghĩa chẳng có gì đáng giá: có cái khỉ khô gì đâu!  Từ khỉ mốc cũng dùng với nghĩa gần như thế. Thật ra, khỉ mốc là tên một loài khỉ sống nhiều ở Việt Nam và các nước châu Á. Màu lông có thể thay đổi từ màu nâu sẫm tới màu nâu vàng nhạt, nhưng ở vai, gáy, đỉnh đầu và tai thường sáng màu hơn và vàng hơn phía sau chân, đuôi. Lông xung quanh mặt màu đen, hai má có lông màu xám, phía trong và phía dưới của đùi màu trắng xám…
Còn khỉ gió – câu mắng kẻ nghịch ngợm, những trò đùa thiếu nghiêm túc – lại là tên dân gian của con cu li, gọi là cù lần (tên khoa học Nycticebus coucang Boddaert).Cu li là loài thú cỡ nhỏ (chỉ bằng con mèo). Đầu tròn, mắt trố to; lông mềm mại, màu nâu vàng đỏ, xám tro ở mặt sống lưng, hoe đỏ ở hông và chi sau. Cu li sống trong tất cả các sinh cảnh rừng kể cả rừng tre nứa, đồi cây bụi; sống đơn độc hay từng nhóm 3-4 cá thể gồm bố mẹ và con. Chúng hoạt động ban đêm, leo trèo rất nhanh nhẹn; ban ngày ngủ trên cây, mình cuộn tròn, cúi mặt vào trong lông. Cu li sử dụng bàn tay, bàn chân cầm, nắm, víu các cành cây để di chuyển. Vì thế người ta ít nhìn thấy cu li; chỉ nghe thấy tiếng lá cây xao động nên gọi là khỉ gió. 
Đồ khỉ, trò khỉ là những người, những hành vi bị phê phán; gắn với nghĩa xấu. Nhà thơ trào phúng Tú Xương nổi tiếng vì thơ hay và vì cả sự bất đắc chí đầu thế kỉ XX, khi nói về sự tệ hại của những kì thi chữ Hán cuối cùng đã thở than một cách mỉa mai: Thi thế mới là thi/ Ới khỉ ơi là khỉ! Nghĩa là thi cử lúc ấy đã là trò hề, trò khỉ rồi.
Trong thơ ca, con khỉ cũng được nhắc đến với ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn tả thực. Tiếng kêu của bầy khỉ gợi vẻ hoang vu, cô tịch, xa vắng con người và đời sống xã hội. Ca dao có câu: Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu. Gả con về xứ chỉ có chim kêu vượn hú tức là gả về chốn rừng núi nơi khỉ ho cò gáy. Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng dùng tiếng kêu của vượn/khỉ để gợi cảnh hoang vắng, cô quạnh, gợi nỗi thảm sầu: Ve ngâm vượn hót nào tày/ Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu. Câu thơ tả tiếng đàn của Thúy Kiều khi gảy hầu Hồ Tôn Hiến trong tiệc mừng công; tiếng đàn từng khiến Thúc Sinh tan nát lòng, lại khiến kẻ mặt sắt cũng nhăn mày rơi châu.
Một câu ca dao khác, như một ngụ ngôn ngắn, còn mượn lời khỉ để đáp trả, một cách chua ngoa, khi có kẻ không bằng người, không hơn ai lại chê người khác đúng điểm yếu nhất của mình: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm. Khỉ hôi thì có thể nhưng không thể hôi đến không chịu nổi như chuột chù. Câu tục ngữ sau cũng là một ngụ ngôn, một nhận xét có tính mỉa mai trong trường hợp tương tự: Khỉ chê khỉ đỏ đít. 
Ngày nay, cũng theo các nhà sinh học, gần 300 loài khỉ đã tuyệt chủng (nhiều hơn số loài còn tồn tại); hoặc một số loài có số cá thể rất ít, cần bảo vệ nghiêm ngặt. Có thể con cháu chúng ta sẽ chẳng còn được nghe tiếng “ve ngâm vượn hót” nữa, nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng săn bắt, sát hại các loài linh trưởng.
Lê Xuân Giang

Bình luận (0)