Quan sát nội quy của nhiều trường từ tiểu học đến THPT, có thể thấy nhiều nội quy đã sử dụng trên dưới 5 năm nay nhưng nhà trường chưa điều chỉnh, hoặc có nhưng rất ít.
Theo tác giả, trừ khối lớp nhỏ như tiểu học, còn từ bậc THCS trở lên nhà trường không nên cấm học sinh mang điện thoại, máy tính bảng, laptop đến trường (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Có nhiều lý do, trong đó phải kể đến những nguyên nhân chính như nhà trường thiếu tư duy đổi mới, không chịu khó đầu tư chỉnh sửa hoặc nghĩ rằng dùng văn bản cũ cho tiện lợi, tiết kiệm. Điều này dẫn đến những bất cập, gây thiệt thòi cho học sinh, chưa phản ánh được sự đổi mới toàn diện về giáo dục trong hoạt động nhà trường. Trong đó, điều quan trọng nhất là nội quy học sinh cần được xây dựng phù hợp với xu thế xã hội, có tư tưởng cấp tiến và đặc biệt phải có tính nhân văn.
Mang điện thoại đến trường, tại sao không?
Chẳng hạn việc sử dụng điện thoại trong nhà trường. Một học sinh lớp 8 của Trường THCS Âu Lạc (Q.Tân Bình, TP.HCM) tỏ ý so bì với phụ huynh: “Trong khi một số trường THCS trên địa bàn cho học sinh mang điện thoại đến trường thì trường con lại không cho phép. Nhiều khi cần, muốn liên hệ với ba mẹ cũng không được”.
Hiện nay công nghệ số đang phát triển rất mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Việc biết tận dụng công nghệ là một lợi thế rất lớn. Trừ khối lớp nhỏ như tiểu học, còn từ bậc THCS trở lên nhà trường không nên cấm học sinh mang điện thoại, máy tính bảng, laptop đến trường. Điều quan trọng là nội quy phải có điều khoản quy định như thế nào. Với cách dạy học theo hướng mở như hiện nay, học sinh tận dụng công nghệ số ngay trong tiết học là một lợi thế. Hơn nữa, những năm gần đây, ngành giáo dục đang chủ trương vừa dạy trực tiếp vừa ứng dụng các phần mềm để dạy học trực tuyến. Nên việc trang bị các thiết bị phục vụ cho việc dạy học trong lớp học là cần thiết. Trong khi lãnh đạo nhiều trường đang chủ trương phủ sóng wifi toàn trường để phục vụ cho việc dạy học và giải trí, giúp cho việc cập nhật thông tin nhanh chóng. Giáo viên và học sinh dễ dàng trao đổi bài học, thông tin, tiết kiệm thời gian, tài chính khi in ấn các văn bản. Thì nhiều trường vẫn cự tuyệt với điều này. Đây nên xem là sự thiếu tư tưởng cấp tiến.
Nhiều trường có cách làm rất “thoáng”. Một giáo viên tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Nội quy trường tôi không cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Trường cho phép các em được sử dụng để giải trí trong khuôn viên trường vào giờ chơi, giờ nghỉ và những tiết học nếu giáo viên yêu cầu”. Khi dịch Covid-19 bùng phát, một số trường như THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã cho học sinh sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính bảng, laptop để kiểm tra online. Nhiều trường đã phủ sóng wifi. Hiện nay việc điểm danh học sinh ở nhiều trường THPT tại TP.HCM đều qua nhận diện khuôn mặt bằng máy quét (trực tiếp, hoặc bằng thẻ có hình). Từ đó nhà trường đưa thêm nhiều điều khoản vào nội quy học sinh để phù hợp với xu thế mới.
Đặc biệt, camera trong trường và lớp học, nếu được trang bị sẽ tiện lợi rất nhiều mặt. Hiện tại nhiều trường đã gắn camera trong lớp, trong trường nhưng trong nội quy học sinh không thấy ghi một điều khoản nào cũng là một bất cập.
Nội quy cần có tính nhân văn
Chủ trương của ngành giáo dục từ rất lâu đã gắn liền với khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thời gian gần đây thêm xu hướng mới là xây dựng trường học hạnh phúc. Mà muốn xây dựng trường học hạnh phúc thì nội quy nhà trường cần phải hướng đến tính nhân văn. Theo đó, tính nhân văn của nội quy học sinh thể hiện ở chỗ nó là những định hướng giáo dục, cơ sở để rèn luyện thói quen, nhân cách chứ không phải là sự trói buộc khắt khe nặng nề. Nội quy học sinh càng không phải là công cụ để xử lý học sinh vi phạm. Chẳng hạn, không thể không có học sinh đi trễ hàng ngày được. Thế nên việc nhà trường quy định mấy giờ đóng cổng trường, không cho học sinh đi học trễ vào là một cách làm cứng nhắc, lạnh lùng. Đọc nội quy một số trường hiện nay đã thấy quan điểm nhân văn rất rõ từ những người xây dựng. Chẳng hạn, trong nội quy của Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) có nhiều quy định rất đáng chú ý: “Học sinh phải tôn trọng sự khác biệt của các học sinh trong lớp”. Không nghiêm cấm hoàn toàn việc học sinh nữ trang điểm khi đến lớp, mà chỉ “cấm trang điểm lòe loẹt, son môi quá đậm”. Cho học sinh “mặc đồ tự do” (với một số quy định) vào ngày thứ sáu hàng tuần (gọi là “ngày thứ sáu vui vẻ” – Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1 cũng có quy định này) để tập rèn luyện tính năng động, tập thói quen ăn mặc lịch sự, văn hóa khi ra đời cho các em, theo quan điểm của lãnh đạo nhà trường.
Việc học sinh nữ trang điểm khi đến lớp được xem như là một điều tối kỵ đối với nhà trường từ xưa đến nay. Vì lẽ đơn giản là, học sinh dễ mất thời gian, lo chăm chút làm đẹp mà xao nhãng việc học. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều học sinh nữ, khi được trang điểm một chút cho đẹp lên thì các em sẽ tự tin hơn trong học tập, trong giao tiếp. Hiểu được tâm lý của học sinh nữ, nhiều trường đưa vào nội quy quy định rất mềm dẻo: Không nghiêm cấm hoàn toàn việc học sinh nữ trang điểm khi đến lớp, mà chỉ “cấm học sinh trang điểm lòe loẹt, tô son môi quá đậm”.
Nội quy học sinh là bộ mặt nổi của nhà trường. Nó là phương tiện giúp nhà trường kiểm soát các hoạt động dạy học, cơ sở để phát triển của nhà trường. Nhưng nó cũng là thước đo mức độ cấp tiến của nhà trường, tầm nhìn của lãnh đạo. Hơn hết, nó đánh giá mức độ yêu thích, sự gắn bó của học sinh đối với nhà trường phổ thông. Nội quy học sinh quá thoáng khó uốn nắn học sinh nên người. Ngược lại, nội quy học sinh quá khắt khe, gò bó sẽ mất đi tính nhân văn, điều rất cần thiết trong giáo dục hiện nay.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)