Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nơi thăng hoa niềm đam mê nghệ thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch tỉnh Sơn La vừa làm lễ tốt nghiệp cho hơn 100 học sinh thuộc các hệ đào tạo chính khóa về thanh nhạc, múa dân gian, hội họa, nhạc cụ, sáng tác âm nhạc, thư viện, du lịch và quản lý văn hóa cơ sở. Đồng thời tiếp tục tuyển sinh 140 học sinh, sinh viên vào năm học 2011-2012.
Hiện nhà trường có trên 500 học sinh, sinh viên đang theo học. Đây là trường đặc thù chuyên đào tạo học sinh năng khiếu về nghệ thuật được tuyển chọn từ cơ sở, vùng sâu, vùng xa là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Nhà trường còn liên kế với các trường đại học, cao đẳng trong nước để đào tạo học sinh, sinh viên chuyên ngành quản lý văn hoá, đào tạo tại chức lớp đại học văn hóa du lịch, đại học thư viện – thông tin. Nhà trường còn tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các nghệ nhân cơ sở sưu tầm, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, sưu tầm và khai thác các làn điệu dân ca dân tộc, các điệu múa dân gian…
Nhà trường tuyển sinh đào tạo chuyên ngành nghệ thuật hệ 6 năm chủ yếu là học sinh ở lứa tuổi từ 12 đến 15. Học sinh học các lớp chuyên ngành nghệ thuật được bố trí ở tại ký túc xá, được nhà trường gửi vào các trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sơ và tiểu học để học văn hóa.
Trong hơn 40 năm (từ năm 1967 đến nay), Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch tỉnh Sơn La đã đạo tạo trên 5.000 học sinh, sinh viên. Đây là nguồn nhân lực có tài năng nghệ thuật để bổ sung diễn viên, nhạc công cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đội văn hóa thông tin, đội văn nghệ quần chúng ở cơ sơ. Đồng thời đây là những hạt nhân xây dựng phong trào, tổ chức và duy trì hoạt động của trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở của tỉnh Sơn La. Đây còn là lực lượng cốt cán sưu tầm, bảo tồn sản phẩm văn hóa phi vật thể, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Em Lầu A Thá, học sinh lớp Hội họa kể rằng: Nhà ở bản Huổi Dứng, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Từ nhỏ, em đã phải lên nương cùng với bố mẹ để làm nương ngô, nương lúa. Là một trong 30 học sinh dân tộc Mông thi trúng tuyển năng khiếu nghệ thuật vào trường trong năm học này, em cố gắng tiếp thu nhiều kiến thức về hội họa từ các thầy cô giáo truyền giảng. Em mơ ước trở thành họa sĩ giỏi để sau này sáng tác những tác phẩm hội họa về quê hương, về những nét đẹp văn hóa của người Mông, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc mình.
Cô giáo trẻ Trần Thị Thanh Xuân cho biết: “Tin học là môn bắt buộc trong chương trình đào tạo của nhà trường. Đa số các em là con em đồng bào các dân tộc thiểu số lần đầu đến trường vừa được học các lớp đào tạo chuyên ngành nghệ thuật vừa học văn hóa. Các em rất lạ với môn tin học, lại chưa biết ngoại ngữ nên hướng dẫn các em trên máy vi tính phải công phu. Tuy nhiên các em rất ham học hỏi, nghiên cứu tài liệu sách vở, học thêm ngoài giờ lên lớp. Tôi cố gắng hướng dẫn các em soạn thảo văn bản thuần thục, sử dụng thư viện điện tử, soạn thảo những bản nhạc trên máy tính”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Ban Giám hiệu Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng nghiệp vụ cũng như đầu tư trang thiết bị dạy và học. Ngoài đào tạo học sinh chuyên ngành nghệ thuật, hàng năm Nhà trường đều mở các lớp đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin cơ sở. Đây cũng là lớp góp phần nâng cao chất lượng cho cán bộ làm công tác văn hóa ở tuyến huyện và ở tuyến xã, đóng góp vào việc đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ trí thức của ngành văn hóa và du lịch nói riêng và của tỉnh nói chung.
Để làm tốt công tác đào tạo những nghệ sĩ diễn viên, cán bộ làm công tác văn hóa thông tin có chất lượng cao cho tỉnh, những năm tới nhà trường chú trọng mở rộng ngành nghề đào tạo, liên kết đào tạo và nâng số học sinh, sinh viên từ 800 lên 1.200. Nhà trường đáp ứng nhu cầu đào tạo không chỉ cán bộ của tỉnh mà còn đào tạo cán bộ nghệ thuật cho lưu học sinh nước bạn Lào. Đến năm 2012 -2013 nâng cấp thành Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch, góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc các dân tộc tỉnh Sơn La.
Được biết, UBND tỉnh Sơn La đã trích nguồn ngân sách địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật và du lịch tại khu đô thị mới Chiềng Ngần (thành phố Sơn La) trên khu đất rộng 4 ha, quy mô xây dựng hiện đại với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng. Hiện công trình hoàn thành giai đoạn I và sẽ đưa vào sử dụng trong năm học tới, tạo điều kiện tốt nhất để nhà trường đào tạo, bồi dưỡng những tài năng nghệ thuật trẻ, lực lượng quản lý văn hoá, du lịch với quy mô 1.200 học sinh, sinh viên theo các khoá học./.
(Theo TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)