Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nội thất học đường không đúng chuẩn: Học sinh ngày càng “gánh” nhiều thứ bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Bàn ghế, lớp học không đúng chuẩn như thế này sẽ dẫn đến bệnh học đường đối với HS ngày càng tăng. Ảnh: T.L

Mặc dù, Bộ KH-CN đã ban hành các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về kích thước cơ bản theo chỉ số nhân trắc HS và bố trí bàn ghế trong phòng học cách đây hơn 5 năm nhưng đến nay, ngành giáo dục vẫn “loay hoay” chưa xây dựng được quy định chuẩn về nội thất trường học thật chi tiết, chính xác và khoa học. Hậu quả để lại là các “bệnh học đường” như cận thị, vẹo cột sống, ngực lép, gù lưng… dành cho nhiều thế hệ HS ngày một gia tăng.
Bàn ghế không đúng chuẩn: gia tăng bệnh học đường
Kết quả khảo sát hơn 2.250 HS xung quanh vấn đề về bệnh học đường mới được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam công bố cho thấy có tới 79,53% cận thị và hơn 20% cong vẹo cột sống. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do bàn ghế không phù hợp với tầm vóc HS và phòng học không đủ ánh sáng. Đặc biệt, HS ngồi nhiều ở tư thế gục đầu thì cột sống cổ C5 và C6 bị chèn ép làm tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ vận động, dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ quan hệ vận động. Lâu dài, bàn ghế thiếu tiện nghi dễ dẫn đến tính tùy tiện, đại khái, thiếu cẩn trọng… ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tính cách sau này của HS. Theo giải thích của ông Đặng Hùng Lập, Phó giám đốc Công ty Thiết bị giáo dục 1 (Bộ GD-ĐT), vì bàn ghế liền nhau nên độ xa gần không điều chỉnh được, khoảng cách độ chênh giữa bàn và ghế liền nhau lại quá lớn chính vì thế hầu hết HS đều ngồi sai tư thế. Bên cạnh đó, mặt bàn phẳng làm các em HS lúc viết và đọc, đầu bị gục xuống. Nhiều thầy cô và phụ huynh cứ cho là bàn thấp, nhưng khi bàn cao, các cháu lại càng gục đầu hơn. Chính vì vậy, trong góp ý xây dựng chuẩn nội thất học đường, Công ty Thiết bị giáo dục 1 đã kiến nghị mặt bàn nên nghiêng và sử dụng bàn ghế rời vừa để HS dễ dàng điều chỉnh khoảng cách lại phù hợp với phương pháp học tập mới (làm việc theo nhóm cần những bộ bàn ghế rời linh động). TS. Tạ Tuyết Bình, Viện Y học Lao động vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) khẳng định, bàn ghế là một bộ phận quan trọng với HS, nó không chỉ ảnh hưởng đến hình thái, thể chất mà còn có liên quan đến tâm sinh lý của HS. Hiện nay kiểu cách bàn, ghế liền nhau và mặt bàn lại phẳng dùng cho HS là điều rất bất hợp lý nhất…
HS đang bị “ô nhiễm” ánh sáng
Ngoài vấn đề bàn ghế không chuẩn thì ánh sáng cho trường học cũng rất đáng phải bàn tới. Theo TS. vật lý Nguyễn Văn Khải, mặc dù từ năm 1997, Bộ GD-ĐT đã có văn bản về việc chú trọng hệ thống chiếu sáng học đường phải hợp lý nhưng đến nay vẫn… bất hợp lý. Trong các lớp học phải dùng bảng chống lóa mới bảo vệ mắt HS, đảm bảo các em ở góc độ nào cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, ở rất nhiều trường học, vẫn dùng bảng trắng viết bằng bút dạ, bảng gỗ sơn đen và cả bảng làm từ tôn Austnam sơn xanh… Hệ thống đèn thì mỗi nơi dùng một kiểu như đèn huỳnh quang, rồi đèn compact, thậm chí cả đèn cao áp thủy ngân, đèn halogen hay đèn vàng có dây tóc và được lắp rất tùy tiện như lắp trên bảng, lắp trên tường, bất kể hàng ngang, hàng dọc… Theo TS. Khải, HS hiện nay đang bị ô nhiễm ánh sáng vì ánh sáng trong lớp học vừa không đúng lại không đủ. Điều này khiến cho mắt các em luôn bị điều tiết, chóng mỏi mắt và dễ mắc các bệnh về tật khúc xạ, trong đó chủ yếu là cận thị.
Vậy tại sao nguyên nhân gây nên bệnh học đường vẫn cứ tồn tại dai dẳng và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Phải chăng, là đang có sự vênh nhau giữa quy định 1221 của Bộ Y tế với bộ TCVN nói trên? Thật ra, bộ tiêu chuẩn này mới chỉ quy định chuẩn bàn ghế chung chung còn chuẩn chi tiết cho từng cấp học, từng lứa tuổi, thậm chí từng chiều cao vẫn chưa có. Chính vì thế ngành giáo dục cũng lúng túng không thể áp dụng được chuẩn. Về vấn đề này ông Phạm Ngọc Phương, Phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho biết “mặc dù Bộ GD phải chủ trì, nhưng vì vấn đề liên quan đến liên ngành gồm KH-CN, y tế, xây dựng nên văn bản lâu ra đời… Cuối năm 2010, văn bản này sẽ xây dựng xong. Vì chậm nên đảm bảo chắc, chi tiết và chính xác để khi được ban hành các đơn vị có thể áp dụng ngay”.
Thiên Lam

Bình luận (0)