Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nói thuế tăng không đụng đến người nghèo phải có căn cứ

Tạp Chí Giáo Dục

Nói thuế tăng không đụng đến người nghèo phải có căn cứ

Việc tăng thuế cần nhìn nhận khách quan và không nên tạo cú sốc cho cộng đồng. Khi sửa các luật thuế phải tạo được niềm tin với dân.

Nên lựa chọn các giải pháp khác như mở rộng đối tượng chịu thuế, giảm ưu đãi không cần thiết, chống thất thu… Tăng thuế suất nên là giải pháp, lựa chọn cuối cùng.

Đó là đề nghị của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh tại tọa đàm “Những điểm nhấn trong sửa đổi năm luật thuế” do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 12-9.

 

“Không ảnh hưởng đến doanh nghiệp”

Mới đây, tại dự thảo sửa đổi năm luật thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% với lý do mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Không chỉ đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính còn kiến nghị tăng hàng loạt sắc thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại nước ngọt, trà, cà phê đóng lon theo dây chuyền; thuốc lá; tăng thuế với xe bán tải… Đặc biệt Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 3.000 lên 8.000 đồng/lít.

Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Bộ Tài chính, giải thích: Dự thảo sửa đổi năm luật thuế nhằm cải cách hệ thống thuế và các chính sách, thực tế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Qua đó để cơ cấu lại chính sách, ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Quan điểm của cơ quan soạn thảo là sửa thuế dựa trên các tác động tổng thể chung chứ không đứng ở một nhóm lợi ích nào” – bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, mọi sự điều chỉnh chính sách đều có những tác động khác nhau. Mức độ và phạm vi ảnh hưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thiết kế chính sách. Tuy nhiên, bản chất của thuế VAT là đánh vào người tiêu dùng cuối cùng và không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN.

Nói thuế tăng không đụng đến người nghèo phải có căn cứ - ảnh 1
Việc tăng thuế VAT ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Về ảnh hưởng đối với người thu nhập thấp, bà Liên cho rằng việc điều chỉnh thuế lần này không tác động quá nhiều đến nhóm người có thu nhập thấp. Riêng với việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% cũng có tác động nhất định đối với nhóm người có thu nhập thấp. “Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ khác” – bà Liên nói.

Về đề xuất bổ sung nước ngọt bao gồm loại có gas, không gas, tăng lực, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Lê Thị Mai Liên giải thích: Việc áp dụng sắc thuế này đối với nước ngọt nhằm điều tiết tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với xu hướng chung của các nước và đảm bảo chiến lược cải cách hệ thống thuế.

“Tôi muốn chia sẻ rằng bất kỳ cuộc cải cách nào cũng rất khó khăn bởi sự tác động đến nhiều đối tượng và nhiều mặt. Cơ quan soạn thảo cũng rất trăn trở khi đưa ra các phương án chính sách” – bà Liên nói.

Tránh tạo cú sốc cho người dân

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận định tăng thuế suất phổ thông VAT từ 10% lên 12% sẽ “rất nhạy cảm”.

Khi được hỏi liệu tăng thuế VAT thời điểm này có hợp lý không, ông Ánh cho rằng thời điểm hiện nay, với những căn cứ từ Bộ Tài chính đưa ra thì chưa đủ cơ sở để kết luận tăng VAT là phù hợp hay chưa. Nhưng chính sách thuế có nhiều cách chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, đặc biệt là với sắc thuế có tầm ảnh hưởng rộng như VAT.

Cũng theo ông Ánh, việc điều chỉnh thuế phải có đánh giá tác động theo từng nhóm đối tượng cũng như tác động tới ngân sách. Với sắc thuế VAT thì phải bám sát theo chức năng của thuế này, điều chỉnh thuế thu nhập thì việc phân phối lại thu nhập cũng phải được giải thích rõ.

“Cùng với đó là phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh này tới các hộ gia đình, tới ngành nghề kinh doanh, cán cân thanh toán, thương mại và cả năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… Tiếp đó mới là đánh giá tác động tới quy mô ngân sách và điều tiết kinh tế vĩ mô” – ông Ánh nói.

TS Ánh nhấn mạnh: “Chúng ta cân nhắc tăng thuế VAT từ 10% lên 12%. Tuy nhiên, lựa chọn này rất nhạy cảm vì tác động lên toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chúng ta phải đưa ra được căn cứ, lý do tại sao tăng và thời điểm tăng khi nào là phù hợp”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng khi đáp ứng được những điều này mới có câu trả lời tăng thuế hợp lý hay không. “Về việc Bộ Tài chính đánh giá người thu nhập thấp có chịu tác động hay không thì không nên nói khơi khơi như thế được. Mọi tác động phải được chứng minh qua số liệu thực tế” – ông Ánh nhấn mạnh.

Theo ông Ánh, có nhiều cách để điều chỉnh quy mô và cơ cấu thuế gián thu. Thứ nhất, hoàn toàn có thể căn cứ vào nghị quyết Bộ Chính trị, mở rộng đối tượng chịu thuế, diện thu thuế. Thứ hai là giảm những ưu đãi và hỗ trợ không cần thiết. Thứ ba là chống thất thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với các DN… Và tăng thuế nên là giải pháp sau cùng.

Nói thuế tăng không đụng đến người nghèo phải có căn cứ - ảnh 2
Cần phải đánh giá kỹ việc tăng thuế tác động ra sao đến người nghèo

Còn ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại WTO, cho rằng tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt, có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc tăng thuế cần nhìn nhận khách quan và không nên tạo cú sốc cho cộng đồng. Khi sửa các luật thuế phải tạo được niềm tin với dân.

“Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng và DN chỉ là người thu hộ nhưng vẫn tác động đến DN vì sức mua hàng hóa giảm” – ông Giám nói thêm.

Thuế VAT cao

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân, nhấn mạnh thuế VAT đang đóng góp 25%-27% tổng nguồn thu của ngân sách Việt Nam. Mặc dù thuế suất ở Việt Nam đang nằm ở mức giữa nhưng so với nhiều nước ở châu Âu (21,5%) thì mức đóng VAT vào tổng thu ngân sách của Việt Nam cao hơn họ.

“Thuế VAT đánh vào hầu hết hàng hóa. Đa số người dân, nhất là người thu nhập thấp thường sử dụng hàng hóa trong khi người giàu sử dụng dịch vụ nhiều hơn” – ông Giám lý giải.

Trong khi mới đây, khi trao đổi với báo chí về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của năm luật thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng qua tham khảo một số nước trên thế giới thì đúng là việc điều chỉnh thuế VAT có tác động đến người dân. Nhưng Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều.

Chính phủ yêu cầu chưa tăng thuế

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa công bố ngày 11-9, Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính-ngân sách. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

TRÀ PHƯƠNG/ PLO

Bình luận (0)