Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nổi tiếng vì …nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi mùa thi đại học về, xã hội lại được dịp trầm trồ với những thủ khoa con nhà nghèo. Nghèo đến mức, nhiều bạn ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhưng lại vượt qua hàng trăm nghìn thí sinh khác để đỗ đầu.

Phạm Văn Đích và mẹ trong ngôi nhà tồi tàn ở Hưng Yên. Ảnh: Trường Phong.
1.Tháng 7/2012, trên Tiền Phong có bài viết về tấm gương của thủ khoa Đại học Dược Lê Đức Duẩn. Nhà Duẩn nghèo nhất làng Nhị Khê (Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội).
Bữa cơm hằng ngày của nhà Duẩn chỉ có rau. Cũng vì thế, mà đến lúc thi đại học, Duẩn chỉ nặng 38kg. Nghèo đến mức trong những năm học cấp ba, Duẩn chỉ có hai bộ quần áo nhìn được để mặc đi học.
Nói về Duẩn, có quá nhiều kỷ niệm trong thời kỳ gian khó. Đó là những ngày trời mưa, quần áo không kịp khô, Duẩn mặc đồ ẩm ướt đi học. Đó là đôi dép tổ ong rách nát, ố vàng và chiếc xe đạp cà tàng, han gỉ.
Đôi dép kỷ niệm của Duẩn không giữ lại được, vì khi lên Hà Nội thi đại học, người họ hàng bắt Duẩn vứt đi và mua cho một đôi dép mới. Còn chiếc xe, khi đã đỗ thủ khoa Đại học Dược rồi, Duẩn kiên quyết giữ lại để làm kỷ niệm.
2. Mùa thi đại học năm 2012, còn nhiều thủ khoa đại học là con nhà nghèo. Một trong số đó là Phạm Văn Đích, thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự. Đích nổi tiếng vì là con nhà nghèo nhất nhì ở xã Hoàng Hanh (Tiên Lữ, Hưng Yên). Đích sống với mẹ trong ngôi nhà lụp xụp, ngói gạch đã nát qua thời gian. Mỗi lần mưa, trong nhà cũng như ngoài trời, ướt hết.
Trên nóc giường ngủ của hai mẹ con, quanh năm phải căng nilon chống dột. Nhà Đích chẳng có gì. Thứ đáng giá nhất trong nhà là chiếc bếp gas được mua bằng tiền học bổng của Đích. Ngoài ra, thứ quý giá đối với Đích là chiếc đài cũ, từng cho Đích niềm vui nghe thông tin và học tiếng Anh.
Dịp đó, tôi cứ ấn tượng mãi về bữa cơm của nhà Đích. Dù đã nghe Đích kể nhưng cũng không hình dung được lại “đơn sơ” đến thế. Mẹ Đích đi chợ, chỉ mua về được hai bìa đậu cùng một mớ rau muống. Bữa cơm chỉ có thế và một bát nước mắm. Và tôi nhớ mãi, Đích chỉ chịu ngồi xuống ăn cơm với điều kiện “anh đừng chụp ảnh bữa cơm nhà em nhé”.
3. Cũng có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, éo le, nhưng Nguyễn Thị Hương (Thạch Thất, Hà Nội) vượt lên tất cả để thi đỗ 2 trường đại học. Ba mẹ con Hương không có nhà, phải ở nhờ nhà bà ngoại.
Trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng Hương nổi tiếng chăm học ngay từ bé. Từ năm lớp 9, Hương đã dạy phụ đạo cho nhiều bạn bè cùng trang lứa.
Giữa trưa hè, tiếng cô học trò lanh lảnh khắp khoảng sân, trong nhà vừa tự mình ôn thi, vừa giúp đỡ thêm cho các bạn. Đến nay, khi Hương đã là sinh viên, thì những dòng chữ, những công thức toán học vẫn in trên bức tường, trên cánh cửa và trong tâm trí những người hàng xóm, láng giềng.
4. Ai đã có dịp đến thăm nhà Ngô Kiên Đức (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thì mới thấy được nghị lực của một cậu học trò nghèo. Đức thiếu tình thương của cha mẹ từ nhỏ, phải ở cùng với ông bà ngoại.
Nhà nghèo, Đức ở trong căn nhà tranh tre, vách đất. Ngoài việc học tập, Đức làm bạn với công việc cất vó, câu cá. Nhiều khi trời mưa gió, căn nhà xiêu vẹo, rết, rắn bò ngoài sân, chui cả vào trong nhà… Thế mà, Đức vẫn học tốt.
Nhà không có điều kiện, để tiết kiệm chi phí, Đức hạn chế mua giấy, vở. Đức nhờ ông xin một tấm gỗ rồi mua phấn về tự học. Cứ thế, ngày qua ngày, bên căn nhà đất, Đức chăm chỉ học bài. Mỗi lần làm xong bài tập, Đức xóa đi, làm tiếp. Lúc chúng tôi đến thăm, những nét phấn vẫn còn in hằn lên trên tấm gỗ. Ông ngoại Đức bảo, sẽ giữ lại mảnh gỗ làm kỷ niệm.
Lại một mùa thi đại học nữa đang đến. Và sau dịp này, có lẽ, nhiều người trong số các thủ khoa của các trường đại học, sẽ lại là những cô, cậu học sinh đến từ các miền quê nghèo khó?
Ai cũng có ước mơ, có hoài bão. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con nhà nghèo, ước mơ lại càng mãnh liệt và khao khát đạt được. Lê Đức Duẩn ước mơ sẽ trở thành thầy thuốc, để chữa bệnh cho mẹ, tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa căn bệnh cướp đi sinh mạng của bố và anh trai. Đích muốn vào bộ đội, công an để sau này bênh vực mẹ trước những dị nghị của hàng xóm. Hương muốn làm bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ. Thật đáng quý, khi những ước mơ của các em đều đang trên con đường trở thành hiện thực.
Trường Phong (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)