Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nơi tình yêu nghề chắp cánh

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi vốn tưởng mình không có duyên với nghề báo, bởi hai lần đăng ký thi đại học ngành báo chí thì cả hai lần đều rớt thảm hại. Khi nghe tôi thông báo kết quả, mẹ an ủi “Thôi con! Theo chi cái nghề vất vả ấy. Cứ học văn đi rồi ra trường xin về nhà dạy học cho gần”. Thế là tôi an phận, chấp nhận làm một cô giáo làng như lời mẹ định hướng. Dù vậy, cái nghiệp phấn trắng, bảng đen, suốt đời kè kè bên người trang giáo án chẳng làm cho tôi mấy hứng thú. Trong khi lũ bạn cùng lớp tíu tít rủ nhau chọn trường để chuẩn bị cho kỳ thực tập năm cuối cùng thì tôi lại chọn báo chí chỉ với suy nghĩ: đằng nào cũng chẳng được làm báo. Cứ thử một lần cho biết cảm giác… làm người nói láo ra sao (chả là thiên hạ vẫn đồn với nhau “Nhà báo nói láo ăn tiền” ấy mà). Và tôi đã được thử nghiệm cảm giác ấy tại tòa soạn Báo Giáo Dục TP.HCM. Khỏi phải nói, cảm giác đầu tiên được đặt chân đến nơi đây hồi hộp như thế nào, càng hồi hộp hơn khi trong nhóm thực tập chỉ mình tôi là con gái. Chưa từng đặt bút viết báo, cũng chưa từng học qua trường lớp đào tạo, tôi như người tập bơi chưa bao giờ lội xuống nước. Chỉ tiêu phải viết được 2 bài, 3 tin lúc đó giống như một đỉnh núi bắt buộc phải trèo qua. Rồi bài viết đầu tay của tôi cũng được ra đời với sự gợi ý của thư ký tòa soạn. Lúc bài báo được lên trang, tôi thở phào nhẹ nhõm và chợt nhận ra rằng: hóa ra, mình cũng có thể làm báo. Xong phần bài viết, tôi chuyển qua viết tin. Dù được nhỏ bạn “mách nước” rằng trong một tin phải có công thức 5Wh + 1H (What, Where, When, Why, Who, How) nhưng tôi phải “đánh vật” ba tiếng đồng hồ vẫn chưa viết nổi một đoạn văn cho giống một cái tin báo chí. Đành chậc lưỡi nộp cho qua chuyện, nhưng ngay sau đó, tôi lại phải gò lưng viết lại… bốn lần nữa do không đạt yêu cầu. Có lẽ, nhìn vẻ mặt tôi nhăn nhó đến tội nghiệp nên một anh trong tòa soạn đã “hào hiệp” ra tay giúp để có được một mẩu tin hoàn chỉnh. Sau sự việc đó, tôi cũng rút ra được một bài học đắt giá cho mình, khi làm việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn và phải có trách nhiệm đối với việc làm đó. Thời gian thực tập chỉ vỏn vẹn một tháng nhưng đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu. Quan trọng hơn, chính khoảng thời gian ngắn ngủi đó đã giúp tôi xác định hướng đi cho tương lai của mình. Có lẽ vì thế, tôi đã chọn nơi đây làm bến đỗ đầu tiên sau khi tốt nghiệp.
Giờ đây, khi đã trở thành một phóng viên có nhiều bài viết chất lượng, tôi vẫn thầm cám ơn tòa soạn Báo Giáo Dục TP.HCM đã tiếp thêm niềm tin, ý chí để tôi thực hiện ước mơ của mình. Dù rằng, để đến được ngày hôm nay tôi đã phải trải qua những cung bậc cảm xúc thật khó quên, có niềm vui, nỗi buồn, nụ cười, và dĩ nhiên có cả nước mắt. Nhưng hơn tất cả, từ nơi đây tôi biết yêu nghề báo, yêu những con người làm báo, yêu những phút “hâm hâm” mọi người cùng nhau đùa nghịch, yêu cả những chầu “lai rai” nơi quán cóc vỉa hè… Yêu nhiều, nhiều lắm!
Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)