Các xã viên khuyết tật tại HTX Nhân Ái |
Gần 2 năm qua, Hợp tác xã Nhân Ái đã trở thành “ngôi nhà chung” của những người khuyết tật Đà Lạt. Ở đây, 18 số phận kém may mắn cùng nhau vượt qua bao khó khăn để khẳng định mình không phải là người vô dụng.
Hợp tác xã của lòng nhân ái!
Gọi là “HTX Nhân Ái của những người khuyết tật Đà Lạt” bởi đa số họ là người Đà Lạt, nhưng cũng có người từ các huyện khác, có cùng hoàn cảnh đến rồi gắn bó với “mái nhà chung” này. Chị Trần Ngọc Hoa, Chủ nhiệm HTX – người phụ nữ nhỏ nhắn, tật nguyền nhưng rất nhanh nhẹn cho biết: “HTX này ra đời vào năm 2008 nhờ vào ý tưởng của một số thành viên sinh hoạt ở Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt. Ban đầu, 22 thành viên của HTX khó khăn đủ bề vì không có nơi sinh hoạt và phương tiện”.
Giữa lúc khó khăn ấy, bà Lê Hải Liễu – một người dân Đà Lạt đã chuyển về sống ở TP.HCM đồng ý cho anh em trong HTX mượn ngôi nhà không dùng đến của mình đồng thời hỗ trợ thêm 3 triệu đồng. Bên cạnh việc được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CS&XH (30 triệu đồng), HTX còn được một số doanh nghiệp, trường học trên địa bàn Lâm Đồng hỗ trợ bàn ghế, giường, tủ, kinh phí; Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng hỗ trợ 24 triệu đồng và chương trình “Câu chuyện ước mơ” của HTV7 – Đài TH TP.HCM hỗ trợ 30 triệu đồng… Số tiền này đã giúp HTX Nhân Ái sửa chữa ngôi nhà mượn (vì bỏ hoang xuống cấp) làm nơi hoạt động và mua sắm một số phương tiện, vật dụng để lao động, tạo việc làm cho các xã viên khuyết tật.
Để phù hợp với sức khỏe của các xã viên khuyết tật, HTX đã và đang duy trì những việc làm nhẹ với các nghề chủ yếu như: may quần, áo sơ mi đồng phục HS, đan áo len đồng phục HS và làm hộp giấy (đựng quả dâu Tây Đà Lạt) để bán cho các trường học và một số đại lý mua bán đặc sản ở Đà Lạt. 18 xã viên của HTX hiện nay với 2/3 là nữ, người lớn tuổi nhất: 58, nhỏ tuổi nhất là 16 và phần lớn đều bị khuyết tật bẩm sinh do di chứng của sốt bại liệt, động kinh ngay từ khi còn nhỏ. Họ đi lại, sinh hoạt và làm việc rất khó khăn.
Ở đây, những người khuyết tật đã tìm thấy sự động viên và được mở rộng giao lưu, tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là được lao động, sinh hoạt trong không khí chan hòa tình thương yêu. Chị Đỗ Thị Hạnh, Phó chủ nhiệm HTX cho biết: “Sau khi cơm nước, giặt giũ cho gia đình xong, tôi liền đến HTX làm việc vì ở nhà cũng thấy trống vắng”. Còn anh Nguyễn Hà (58 tuổi, trước nay làm nghề sửa máy ảnh có tiếng ở Đà Lạt) tâm sự: “Làm ở HTX thu nhập không bao nhiêu, chúng tôi giúp đỡ nhau là chính, cùng nhau sinh hoạt cho bớt buồn khổ”… Thành viên nhỏ tuổi nhất của HTX là Trần Nguyễn Minh Trung (16 tuổi), bị động kinh lúc 1 tuổi, học hết lớp 5 đành phải ở nhà vì bệnh tật làm em đi lại, nói năng rất khó khăn. Minh Trung được gia đình xin vào HTX để em được giao tiếp xã hội và học một nghề phù hợp với mình. Còn cô gái có gương mặt rất xinh xắn tên Nguyễn Thị Hồng Huệ (30 tuổi), nhà ở tận xã Đạ Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), bị liệt 2 chân từ nhỏ, mấy năm rồi làm việc trong Công ty thêu XQ Đà Lạt. Khi HTX Nhân Ái ra đời, cô đã xin về mái nhà chung này để sinh hoạt và làm nơi trú ngụ qua ngày. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đến với HTX Nhân Ái, họ đều tìm thấy niềm vui, niềm cảm thông để cùng lao động, sinh hoạt và thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn.
Cần lắm những tấm lòng…
Chia tay tôi rất vội, chị Trần Ngọc Hoa nói phải đi gặp người bà con của chủ nhà để xin gia hạn thời gian mượn ngôi nhà. Nét lo buồn thoáng trên gương mặt các xã viên còn lại. Anh Nguyễn Hà giải thích thêm: “Chủ ngôi nhà này nói cho mượn trong vòng một năm và sẽ lấy lại bất cứ khi nào họ cần… Số tiền HTX Nhân Ái vận động và chắt góp sửa chữa ngôi nhà hết 50 triệu đồng. Thời gian làm việc chưa đầy một năm, nếu chủ nhà lấy lại ngay thì anh chị em biết xoay xở ra sao? Dù rằng công việc ở HTX đem lại nguồn thu nhập không đáng kể (trung bình mỗi tháng 500.000 đồng/ người), nhưng có công ăn việc làm thường xuyên, ai cũng phấn khởi”.
Cùng với khó khăn về nơi làm việc (thiếu trụ sở), trong 3 mặt hàng mà HTX Nhân Ái làm ra, hiện có 2 mặt hàng là quần, áo sơ mi HS và áo len đồng phục HS chưa có đơn vị trường học nào tiêu thụ, hoặc đặt mua. Đây là nguyên nhân dẫn đến mức thu nhập của xã viên rất thấp, chi phí cho sinh hoạt của HTX thiếu trước hụt sau.
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
Thay lời kết bài viết này, chúng tôi muốn gửi đến các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh ước vọng chung của 18 xã viên khuyết tật ở HTX Nhân Ái Đà Lạt: “Mong các mạnh thường quân mở rộng vòng tay và lòng nhân ái để giúp cho những người thiếu may mắn có được một cuộc sống trọn vẹn niềm vui…”. |
Bình luận (0)