Nói tục, nguồn gốc từ thượng tầng văn hóa
Theo C.Mác: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng”. Như vậy, dễ dàng quy kết cho các mối quan hệ sản xuất “hợp thành” cơ sở kinh tế, tức là cơ sở hiện thực, qua đó hình thành nên kiến trúc thượng tầng tương ứng.
Triết học Mác – Lênin xem kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa… cùng các thiết chế xã hội tương ứng; còn cơ sở hạ tầng là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định. Theo khía cạnh này, thì các lực lượng sản xuất phải là chủ thể chịu trách nhiệm về văn hóa xã hội cùng những vấn nạn hiện nay, trong đó có bao gồm hành vi nói tục, chửi bậy.
Nhật Bản, nơi luật pháp được tuân thủ nghiêm ngặt, ý thức và tinh thần thượng tôn pháp luật luôn đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, ở Nhật Bản, Thần đạo được xem như là một tôn giáo. Giới trẻ được học làm người trước học chữ. Những nguyên tắc của Thần đạo được sử dụng để làm kim chỉ nam chỉ dẫn hành động trên cơ sở đạo đức được xã hội phần đông chấp thuận. Nguyên tắc ấy đã giữ xã hội Nhật Bản ổn định và trật tự trong suốt nhiều biến động chính trị và tai họa thiên nhiên. Vì thế, những cụm từ “xin chào”, “cảm ơn”, “xin lỗi”… ăn sâu vào ứng xử hằng ngày và luôn sẵn sàng trên môi.
Thái Lan, nếu xem thời sự trên truyền hình hay báo chí chúng ta chỉ thấy bề nổi và những rối ren ở chính trường quốc gia này. Thực tế một lần dạo bước trên nhiều con đường của đất nước chùa vàng là điều gần như ngược lại. Tuy vậy, dù là biểu tình hay đảo chính, bất kể đó là đảng phái nào hay quân đội điều hành Nhà nước thì người dân Thái Lan đều tuân thủ và đồng tình đưa con cái họ vào cửa Phật tu thân. Nơi nhà chùa, giới trẻ học cách kìm nén cảm xúc, ứng xử nhã nhặn với nhau trong rất nhiều tư tưởng đạo đức, triết học nhân sinh khác. Công dân nước này không được gọi là “thân thiện” như Việt Nam nhưng lại mang tên gọi “hiền lành” cũng bởi vậy.
Qua góc nhìn sơ lược, có thể nhận thấy các yếu tố cấu thành kiến trúc thượng tầng như văn hóa, tôn giáo, đạo đức… đã duy trì xã hội tích cực, “thẩm mỹ” theo một cách riêng hữu hiệu. Thế nên, kiến trúc thượng tầng (mà cụ thể là thượng tầng văn hóa) và các yếu tố cấu thành nó đều có tính độc lập trong quá trình vận động phát triển và tác động một cách mạnh mẽ đối với cơ sở hạ tầng.
Có thể nói, hiện tượng nói tục, chửi bậy có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa chứ không phải riêng của lĩnh vực giáo dục.
Nguyễn Minh Thanh (TP.HCM)
Bình luận (0)