Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nói tục, không phải là chuyện nhỏ: Cần ngăn chặn từ gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây trên nhiều diễn đàn mạng phản ánh hiện tượng nói tục, chửi bậy của giới trẻ. Để giải mã hiện tượng này, dưới góc độ tâm lý, chúng tôi xin có ý kiến về nguyên nhân và liệu pháp khắc phục.

1. Hiện tượng nói tục, chửi bậy có nhiều nguyên nhân khác nhau. Một biểu hiện rõ rệt của tâm lý xã hội là hiện tượng a dua, bắt chước cho dù điều đó được ý thức rõ rệt hay không được ý thức. Nguyên nhân kế tiếp là do sự tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường; sự bùng nổ của CNTT; sự tuyên truyền, xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy… Nhưng có lẽ căn nguyên trực tiếp nhất dẫn đến hiện tượng hay nói tục, chửi bậy trong giới trẻ chính là do ý thức văn hóa sử dụng ngôn ngữ giao tiếp. Ý thức trong giao tiếp là một nội dung biểu hiện nhân cách, nó được hình thành từ nhỏ thông qua chính môi trường hoạt động sống của con người mà cụ thể là từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu trong gia đình mà ông bà, bố mẹ không mẫu mực, con trẻ sẽ học được những “tấm gương xấu”, tạo ra vết đen mà khi có thời cơ, điều kiện nó sẽ lặp lại thậm chí còn nặng nề hơn. Nếu ở trường các em luôn bị nhồi nhét kiến thức cơ bản nhưng ý thức xã hội lại bị xem nhẹ thì cũng dẫn đến sự tùy tiện về ngôn ngữ. Ở ngoài xã hội, có vô số tác động từ môi trường xã hội, nếu các em không có khả năng đề kháng tốt thì cũng dễ bị xâm nhập.

Nhà trường và gia đình cần hướng học sinh vào các hoạt động tập thể nhằm ngăn chặn tác động xấu từ xã hội. Ảnh: N.Anh

2. Ngày nay, hầu hết các cộng đồng người trên thế giới, văn minh hay lạc hậu, dưới cách thức này hay cách thức khác, phơi bày hay ẩn giấu đều tồn tại hiện tượng nói tục, chửi bậy và ta có thể khẳng định rằng đây là một hiện tượng mang tính lịch sử, dấu ấn văn hóa, có nguồn gốc chủ quan, đi ngược với giá trị chân, thiện, mỹ của con người. Một bộ phận người Việt trẻ tuổi hiện nay cũng không phải là ngoại lệ, có chăng ở nước ta nó đang là một hiện tượng có chiều hướng gia tăng như một “vấn nạn ngôn từ” cả về tính chất và mức độ, thậm chí không phân biệt tầng lớp, ngành nghề, học vấn… Tuy nhiên, tính chất, mức độ phức tạp của hiện tượng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ văn hóa, môi trường giao tiếp, nghề nghiệp, giới tính, không gian, thời gian… Trước hết, ta dễ nhận thấy rằng người trẻ nếu được giáo dục chu đáo, có trình độ văn hóa càng cao thì ít nói tục, chửi thề hơn so với số trẻ không được học hành đến nơi đến chốn, sống “tự do”, xem nhẹ sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Môi trường giao tiếp cũng là mảnh đất hiện thực của thói xấu này; trong môi trường, không gian chịu sự quy định của các chủ thể như công sở, trường học, bệnh viện… thì tính chất, mức độ nhẹ hơn nhiều những nơi công cộng (bến tàu, bến xe, chợ hay những tụ điểm vui chơi, giải trí nhạy cảm…). Thường thì hay thấy các em nam nói tục, chửi bậy nhiều hơn các em nữ, có thể đây là do một phần cấu trúc tâm sinh lý, quan hệ xã hội theo các lứa tuổi mà dẫn đến có sự khác nhau.

3. Để khắc phục hiện tượng nói tục, chửi bậy của người Việt trẻ hiện nay, chúng ta cần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, khu dân cư, khu phố văn hóa. Nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh; giao tiếp, ứng xử văn hóa; xóa bỏ các loại tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, phải lồng ghép các phong trào thi đua của Đoàn Thanh niên trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tự giác thực hiện và nhắc nhở nhau nói năng, giao tiếp, ứng xử văn hóa, không nói tục, chửi bậy.

Môi trường gia đình, nhà trường luôn có tác dụng giáo dục rất lớn. Sự ảnh hưởng của người lớn trong gia đình luôn là bài học cho con trẻ. Nếu cha mẹ, anh chị trong gia đình làm gương thì sẽ hạn chế được sự tập nhiễm ngôn từ cho trẻ. Đồng thời cũng giúp trẻ biết miễn dịch trước các tác động ngôn ngữ xấu ở các mối quan hệ với những người xung quanh. Đối với nhà trường, nhiều phong trào nhằm xây dựng trường học thân thiện, văn hóa học đường thông qua các hành động cụ thể sẽ là biện pháp ngăn ngừa các tác động ngôn ngữ tiêu cực. Trong các bài học tại trường không chỉ riêng môn giáo dục công dân mà còn phải trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ, chẳng hạn như kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng ngôn ngữ, xưng hô, chào hỏi; đặc biệt là thông qua các tình huống được tổ chức khoa học để giúp trẻ học hỏi được những từ ngữ trong sáng và loại bỏ thói nói tục, chửi bậy.

ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công

Nói tục, chửi bậy có liên quan chặt chẽ với những hành động có dấu hiệu vi phạm pháp luật; là tiền đề cho những cuộc cãi cọ, xô xát… Nhiều vụ việc đã dẫn đến án mạng đau lòng mà khởi nguyên là do nói tục, chửi bậy…

 

Bình luận (0)