Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nói tục, không phải là chuyện nhỏ: Nguyên nhân chính là xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Có vô số nguyên nhân dẫn đến nói tục, chửi thề. Tuy nhiên, có thể gom lại thành 3 nhóm nguồn gốc: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Ở gia đình, trẻ bị ảnh hưởng bởi những thành viên trong nhà, nếu cha mẹ nói tục thì con cái dễ bắt chước, tập nhiễm, lan truyền. Theo tôi, đây không phải là nguyên nhân chủ yếu. Tất nhiên, đó cũng có thể là điểm xuất phát, khởi đầu cho ngôn ngữ không lành mạnh. Hơn nữa, trên thực tế có những gia đình cha mẹ gia giáo, gương mẫu nhưng con cái ở nhà thì ngoan ngoãn đóng vai lễ phép, còn khi ra đường thì nhanh chóng… “nhập vai”. Về phía nhà trường, mục tiêu của giáo dục là mong muốn các em phát triển toàn diện: Đức, trí, thể, mỹ. Người thầy không những có nhiệm vụ truyền tải tri thức đến người học mà còn giúp các em phong phú về tinh thần, trong sáng về ngôn ngữ. Song, cũng không loại trừ một số thầy cô giáo dùng lời lẽ thiếu trong sáng, thiếu mô phạm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh. Tâm lý “a dua, bắt chước”, “thầy làm được, nói được sao mình lại không”. Dù sao, đó cũng chỉ là thiểu số, phần lớn các thầy cô giáo đều mong muốn và dạy học sinh những điều tốt đẹp.

Vậy nguyên nhân sau cùng, theo tôi đó mới là cái quyết định trực tiếp nhất đến chuyện nói tục, chửi thề – yếu tố xã hội. Mối quan hệ xã hội vô cùng phong phú, phức tạp tác động thường xuyên, liên tục đa chiều đến nhận thức, tình cảm và hành động của học sinh. Hơn nữa, các em còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, đang từng bước trưởng thành về mặt xã hội, do đó khả năng đề kháng với những thói hư, tật xấu còn hạn chế. Bên cạnh đó, về mặt tâm lý xã hội, các em tuổi teen là lứa tuổi dễ bị xâm nhập ở các nhóm không chính thức, muốn tự khẳng định cái tôi, nên tâm lý muốn khẳng định mình cũng dễ hình thành. Các em sẵn sàng cổ vũ cho một lời nói tục, chửi thề và coi đó là “mốt” hay các em cảm thấy thật “tự hào” khi được “thăng” về ngôn ngữ trước nhóm bạn. Yếu tố xã hội ở đây không chỉ dừng lại ở mối quan hệ xung quanh mà còn trong quan hệ với các nhóm bạn ngay tại nhà trường. Khi không có sự quản lý, kiểm soát trực tiếp của thầy cô giáo thì các em thoải mái bộc lộ ngôn ngữ xấu nếu phát sinh tình huống (xung đột về quan điểm, tranh luận, bàn tán…). Bên cạnh đó, các phương tiện nghe – nhìn, nhất là game online cũng tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ của trẻ, các lời nói, hành động trong game trực tuyến tha hồ để trẻ tự do bộc lộ ngôn ngữ.

Nói tục, chửi thề chưa hẳn là phẩm chất đạo đức nhưng nếu cứ lặp lại trở thành thói quen tùy tiện thì từ ngôn ngữ đến hành động sẽ là khoảng cách không xa. Chúng ta hãy gieo cho trẻ một lời nói hay để gặt một hành động đúng. Từ sự mẫu mực của người lớn đến cách giáo dục nhà trường và đặc biệt là những thiết chế quản lý xã hội chặt chẽ sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng và trong sáng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay.

Nguyễn Công

Bình luận (0)