Trong trường học, trẻ không chỉ có giao tiếp với bạn bè, với thầy cô trực tiếp dạy mình mà còn giao tiếp với nhiều thầy cô khác, với giám thị, với bảo mẫu… Có thể nói giao tiếp của trẻ ở trường là rất rộng, hơn hẳn giao tiếp ở nhà, bởi ở nhà trẻ hầu như chỉ giao tiếp với người thân trong gia đình. Do đó, cha mẹ, giáo viên cần chú ý quan sát, định hướng, dạy các kỹ năng giao tiếp cho trẻ.
Nhiều người hay phê bình trẻ bây giờ thiếu kỹ năng sống. Điều đó đúng, nhưng xem ra trách nhiệm phần lớn thuộc về cha mẹ, chứ không thể đổ cho nhà trường. Chẳng hạn, trong số các kỹ năng sống có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nhưng cha mẹ ít cho con tiếp xúc với người khác thì làm thế nào rèn và phát huy các kỹ năng này; đã thế, bản thân cha mẹ cũng không tự hoàn thiện kỹ năng này thì lấy gì làm gương và dạy cho con?
Không chỉ vậy, chỉ việc biết tên, biết thưa gửi những người tưởng như không liên quan gì đến việc học của trẻ là bảo vệ, bảo mẫu, lao công, thủ thư… cũng là một hình thức biết quan tâm đến người khác. Điều đó thực sự không chỉ có ích cho trẻ mà còn cho cha mẹ, bởi thiết lập được mối quan hệ này thì trong một số trường hợp có thể tạo thông tin hai chiều giữa những người không phải là giáo viên với gia đình về một số biểu hiện như thói quen, tính nết của trẻ. Đồng thời, quá trình giao tiếp cũng bồi bổ thêm vốn sống, kinh nghiệm ứng xử, kiến thức cho trẻ một cách rất tích cực. Sự liên hệ đó tránh cho trẻ tự “thu mình” hay sống khép kín.
Vì vậy, bản thân cha mẹ cũng nên tự rèn cách ứng xử, thái độ giao tiếp với những người tưởng chừng không liên quan gì đến công việc như bảo vệ, lao công… hay những người sống xung quanh mình. Đó là cách để làm gương cho trẻ về bài học quan tâm đến người khác. Bởi có quan tâm đến mọi người thì mọi người mới quan tâm đến mình!
Nhà trường và gia đình cần giúp trẻ tự tin trong giao tiếp. Ảnh: Ngọc Trinh |
Các nhóm kỹ năng giao tiếp cơ bản mà cha mẹ, giáo viên cần chú ý dạy cho trẻ đó là thưa gửi (chào, tự giới thiệu, tạm biệt…), phải lễ phép với người lớn, lịch sự, thân ái với người ngang bằng hoặc nhỏ hơn. Ngày trước, với người lớn, trẻ khoanh tay thưa rất cung kính, nay thói quen này ít được giữ, nhưng cần dạy trẻ khi thưa gửi với người lớn phải thể hiện rõ sự tôn trọng (như nói đầy đủ câu, đại khái như “Con chào/thưa bác Năm/bác Tám…). Với người ngang hàng hoặc nhỏ hơn cũng không được sỗ sàng, vô phép. Việc xưng hô phải đúng mực, tránh xưng hô sai vai (đáng lý gọi bằng chú, xưng là cháu hoặc con thì gọi bằng anh hoặc bằng ông…). Thứ hai là lắng nghe: Trẻ phải được hướng dẫn việc im lặng nghe người khác hỏi hoặc trình bày, sau đó mới có ý kiến. Khi người đang giao tiếp với mình nói thì trẻ phải tập thói quen chú ý nghe, nắm rõ ý, thái độ đúng mực (không dáo dác nhìn chỗ khác, không tỏ ra thờ ơ, không cắt ngang…). Phải cho trẻ biết rằng lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng không chỉ trong giao tiếp mà còn trong nhiều hoạt động khác. Thứ ba là trả lời: Lắng nghe tốt là một trong những tiền đề quan trọng để có thể trả lời tốt. Khi trả lời cần diễn đạt rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn, đúng vào trọng tâm của câu hỏi hoặc câu chuyện đang quan tâm…
Để rèn được các kỹ năng này, cha mẹ (và cả giáo viên) nên chú ý làm gương, đồng thời quan sát cách trẻ giao tiếp để phát huy cái hay và khắc phục mặt hạn chế. Phải kiên trì, liên tục và thường xuyên thì kỹ năng giao tiếp của trẻ mới tiến bộ!
Nguyễn Minh
Các bậc cha mẹ và giáo viên cần phải làm gương; đồng thời quan sát cách trẻ giao tiếp để phát huy cái hay, khắc phục mặt hạn chế. |
Bình luận (0)