Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nói tục, không phải là chuyện nhỏ: Sửa sai tiếng nói của trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trẻ mới bập bẹ nói, đó là niềm vui trong gia đình. Các em sẽ gián tiếp phá tan những xích mích trong gia đình, là nguồn an ủi của cha mẹ. Chính vì vậy các bậc cha mẹ phải hết sức chú ý, dành thời gian để hướng dẫn cho con mình nói đúng.

Khi trẻ tập nói, các em rất thích bắt chước tiếng nói người lớn, nên lời nói của ta trước mặt trẻ bao giờ cũng phải được giữ gìn cẩn thận. Không nên nói tục, chửi thề với những lời thô bỉ cũng như đừng cãi nhau trước mặt trẻ đang tập nói. Người lớn nói với trẻ nên thong thả, gọn gàng, ít lời đủ để các em hiểu ý, nhất là dùng danh từ cho đúng; hết sức tránh việc dùng tiếng “lóng”, từ ngữ phức tạp.

Phải dần dần cho trẻ sống gần người lớn, nghĩa là biết nói đúng, biết diễn tả tư tưởng một cách trơn tru, khéo léo. Có nhiều bậc cha mẹ phàn nàn vì con thiếu lễ phép, không chào hỏi, cám ơn ai. Điều này người lớn nên xem xét lại cách giáo dục con cái của mình. Khi đi thăm nhà bạn, ta nên hướng dẫn trẻ chào hỏi người lớn một cách lễ phép. Nếu người bạn cho con vật gì, cha mẹ bảo trẻ cám ơn ngay. Có những bậc cha mẹ nóng tính thấy con mình không chào khách đến nhà chơi, sau khi khách ra về lại bắt con ra đánh đập hoặc đay nghiến trẻ với lời lẽ cộc cằn. Làm như thế trẻ sẽ hốt hoảng, việc dạy dỗ sẽ gặp khó khăn. Nếu người lớn cứ tiếp tục, các em sẽ trở nên “chai lì” trước sự khiển trách của mọi người.

Sửa sai những lời nói của trẻ chẳng những giúp cho các em phát âm chuẩn mực mà còn góp phần hình thành nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ trong tương lai.

Lê Quang Huy

(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)

Bình luận (0)