Cứ vài tháng, người đàn bà bất hạnh ấy lại vượt quãng đường gần 700 km bằng xe máy đến trại giam thăm đứa con mà người đời gọi là “sát nhân máu lạnh”. Với tội ác tày trời của con, bỗng chốc chị thành kẻ tội đồ.
Với tội lỗi tày trời của con, người mẹ hiền lành chất phác này vô tình phải gánh "án chung thân"
Hơn hai năm trôi qua, nhưng nỗi đau đớn tủi hổ vẫn in đậm trong tâm trí của người mẹ có đứa con mang tội giết người. “Tôi bệnh tật đầy người những tưởng có đứa con trai sau này được cậy nhờ, vậy mà…”, nghẹn ngào trong nước mắt, người đàn bà sinh ra “kẻ sát nhân máu lạnh” nói.
Là con út trong gia đình có 9 chị em, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Chín, đã mang trong mình hội chứng hư thận nhiễm mỡ, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Khi chị trưởng thành, bác sĩ khuyên không nên lập gia đình, bởi căn bệnh này nếu sinh con, rất dễ tử vong, nhưng khát vọng làm mẹ khiến chị bất chấp tất cả. 20 tuổi chị về nhà chồng. Khi con gái ra đời là lúc căn bệnh quay lại hành hạ chị. Nản lòng với việc chăm vợ ốm, con thơ, chồng chị vội làm đơn ly hôn. Chị ôm con quay về nhà mẹ đẻ, vừa chống chọi với bệnh tật, vừa lo kiếm tiền nuôi con.
Năm 1991, con trai thứ hai Lê Ngọc Chung ra đời, kết quả tình yêu của chị với một người đàn ông đã có gia đình. Thương con, không muốn con xấu hổ với chúng bạn, chị đánh liều khai tên chồng cũ vào giấy khai sinh cho con. Sau gần 10 năm chia tay, năm 2005, anh Lê Văn Thương chồng chị quay về xin nối lại tình cảm.
Dù biết rõ Chung không phải là con mình nhưng anh Thương vẫn đối xử với Chung khá tốt, hai cha con thường bàn định về tương lai, Chung sẽ thi vào trường Sĩ quan Lục quân, nếu trượt thì đi học nghề điện về mở một tiệm nhỏ, bố sẽ rửa xe bên cạnh. Nhưng những dự định đó mãi mãi sẽ không bao giờ thành hiện thực. Đêm 10/4/2007, Chung đột ngột bỏ nhà ra đi, mang theo chiếc xe máy và một triệu đồng.
Chị quay cuồng khắp nơi tìm con mà không thấy. Đúng 21 ngày sau, chị nhận được điện thoại của công an yêu cầu chị lên Hà Nội giải quyết việc con trai đánh nhau. Sau khi khai báo về nhân thân của Chung, công an cho chị về chờ giải quyết. Với tâm niệm, con mình gây thương tích cho người ta thì mình phải có trách nhiệm lo tiền thuốc men, chị đi thẳng về nhà người em họ vay tiền.
Vừa thấy chị người em họ liền nói: “Có giời mới cứu được nó, con chị giết cả gia đình người ta rồi”. Nghe hung tin chị quỵ xuống ngất xỉu. Thì ra, trong lúc chị lên Hà Nội, cơ quan điều tra đã về xã xác minh, nên đâu đâu người ta cũng biết chuyện con trai chị vừa ra tay sát hại cả gia đình người chủ ở phố Minh Khai, nơi Chung rửa xe thuê mà bản thân chị vẫn chưa hay biết.
Chị không thể ngờ, đứa con trai mà chị hết lòng yêu thương bỗng chốc lại trở thánh “ác quỷ” chỉ sau có 21 ngày xa mẹ.
Khi biết rõ sự thật, chị quỵ ngã hoàn toàn, chị không dám bước chân ra khỏi nhà, không dám ngẩng mặt nhìn ai. Tinh thần suy sụp, căn bệnh lại được dịp hoành hành, chồng lại bỏ về với vợ hai.
Mọi nỗi đau ập xuống đầu chị, hàng tháng trời chị nằm bẹp trên giường, không thiết ăn uống, vợ chồng cô con gái phải dọn về ở cùng để chăm sóc và an ủi mẹ. “Đến giờ tôi cũng không dám đến chỗ đông người, nhà nào có cỗ bàn mời tôi cũng tìm cách lánh mặt”, gạt nước mắt chị Chín tâm sự.
Những ngày chờ con trai bị đưa ra xét xử chị sống trong tuyệt vọng, bởi ai cũng nói với chị rằng, với tội ác của Chung, chắc chắn nó sẽ bị tội chết.
Bao hy vọng vào con sụp đổ trong phút chốc, nhiều lúc chị muốn chết, trong tiếng nấc nghẹn chị nói: “Nếu nó ăn trộm ăn cắp, hay gây gổ đánh nhau thì tôi không xót xa đến thế, đằng này năm nào nó cũng được bằng khen của trường, đi học về là giúp mẹ nhồi gối để kiếm tiền. Tôi không thể tưởng tượng được đứa con mà tôi đặt nhiều hy vọng nhất lại gây ra tội ác kinh hoàng thế này”.
Ngày nghe tòa tuyên án, do đang ở tuổi vị thành niên nên Chung chỉ phải chịu mức án 12 năm tù, chị như hồi sinh. “Với mức án này nó vẫn còn ngày về, tôi vẫn còn có cơ hội gặp lại con”, chị chia sẻ.
Sau ngày tòa tuyên án, Chung phải vào trại Thanh Lâm ở tỉnh Thanh Hóa thụ án. Vài tháng một lần chị lại nhờ con rể chở xe máy vào thăm Chung, mỗi lần mẹ con chỉ được gặp nhau vẻn vẹn một giờ đồng hồ. Thời gian ngắn ngủi, chị chỉ kịp dặn con cải tạo cho tốt để được hưởng lượng khoan hồng, sớm trở về làm lại cuộc đời.
“Các chú các bác quản giáo trong trại tốt lắm, các chú ấy thương tôi đi lại vất vả, tốn kém đã khuyên mỗi năm chỉ cần vào thăm một lần. Chung ở trong trại được ưu tiên làm những việc phù hợp với sức khỏe nên tôi cũng yên tâm”, chị Chín cho biết. Vốn ít nói nên từ khi gây án đến nay Chung chưa một lần tâm sự về động cơ hay nỗi ân hận về tội ác của cậu ta với mẹ hay bất kỳ người thân nào. Những lá thư gửi về cho mẹ, Chung chỉ bày tỏ nỗi nhớ mẹ và nuối tiếc những tháng ngày đã qua.
Với ba sào ruộng, giỏi co kéo cũng chỉ đủ ăn nên mỗi khi đi thăm con chị cũng phải đi vay mượn khắp nơi. Thương hoàn cảnh của chị, người hàng xóm tốt bụng đã cho chị lấy vỏ chăn, ga, gối mang đi bán, nên cũng giúp chị một phần chi phí chữa bệnh và thăm con.
Theo Giadinh.net/Báo Đất Việt
Bình luận (0)