Thất thế trên thị trường điện thoại thông minh bởi chiến lược sai lầm, Nokia đã đánh mất một phần đáng kể thị phần smartphone về tay đối thủ Apple iPhone và RIM – nhà sản xuất điện thoại BlackBerry. Nokia đang ấp ủ kế hoạch tìm về thời hoàng kim của mình.
Đầu tháng 12 này, các nhà lãnh đạo của hãng điện thoại lớn nhất thế giới đã lên kế hoạch “chiến đấu” của năm 2010. Những người tham gia không mấy lạc quan về chiến lược của Nokia. Phía sau cánh gà, một giám đốc tài chính vẫn bị “mê hoặc” bởi chiếc điện thoại BlackBerry sành điệu dù slide PowerPoint liên tục giới thiệu các sản phẩm sắp ra mắt của Nokia.
Francois Meunier, một nhà phân tích của công ty Cazenove (Luân Đôn) hoài nghi: “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người ở đây đều đặt dấu hỏi về khả năng cải thiện doanh thu của Nokia trong năm tới”, ông Meunier nói. “Liệu cổ tức 4% của Nokia có bền vững hay không”.
Theo Meunier, giới phân tích không đánh giá cao các triển vọng trong năm 2010 của hãng điện thoại một thời hùng mạnh sau khi chứng kiến một mùa làm ăn thất thu năm 2009. Có lẽ, Nokia muốn quên đi một năm thất bại trên thị trường smartphone.
Mặc dù Nokia vẫn chiếm lĩnh 37% thị phần di động nhưng hãng này đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường di động cao cấp rất màu mỡ. Điện thoại iPhone của Apple và BlackBerry của RIM đã được lòng người dùng bởi khả năng lướt web và duyệt e-mail.
Olli-Pekka Kallasvuo, CEO vốn kiệm lời của Nokia cũng thừa nhận hãng đang rơi vào khó khăn, đặt biệt là trên Phố Wall. “Chúng tôi không muốn gặm nhấm nỗi buồn này. Chúng tôi sẽ thay đổi tình hình”, ông này trả lời trong một cuộc phỏng vấn một ngày sau khi diễn ra buổi họp báo với các nhà phân tích.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Vấn đề của Nokia thực sự nghiêm trọng tại thị trường Bắc Mỹ. Tại đây, Nokia chỉ bán được 3,9% trong số điện thoại thông minh được bán ra, trong khi đó, RIM giữ đến 51% và Apple 29,5%, theo khảo sát của Gartner. Vì thế, cuối tuần vừa rồi, Nokia đã tuyên bố sẽ đóng cửa hai đại lý bán lẻ tại New York và Chicago.
“Chúng tôi đã có những quyết định sai lầm tại thị trường Mỹ”, Kai Oistamo, Phó chủ tịch Nokia, thừa nhận. Điển hình, hãng đã chậm chạp gia nhập trào lưu điện thoại gập vỏ sò, quá “chung thủy” với kiểu dáng thanh đứng trong khi người dùng đã từ bỏ các dòng điện thoại này.
Và, mặc dù điện thoại cảm ứng đầu tiên của Nokia được tung ra thị trường từ năm 2004 – 3 năm trước khi iPhone xuất hiện nhưng những chiếc điện thoại của Apple nhanh chóng biến điện thoại của Nokia giống như “cục gạch”. Hầu hết, màn hình của các điện thoại touchscreen của Nokia không nhạy với ngón tay, trong khi đó, iPhone xử lý mượt mà với những cái vuốt vuốt, chạm chạm bằng ngón tay của người dùng.
Mãi đến gần đây, cả các CEO của Nokia và các chuyên gia trong lĩnh vực di động mới tiết lộ, Nokia không muốn sản xuất những chiếc điện thoại dành riêng cho Mỹ, và hãng này cũng liên tục từ chối đề nghị hợp tác với các hãng viễn thông để sản xuất điện thoại dán thương hiệu của họ hay những chiếc điện thoai có cấu hình riêng cho người dùng Mỹ.
“Các hãng viễn thông kiểm soát hầu hết thị trường di động Mỹ. Trong khi đó, Nokia lại không giữ mối quan hệ với những đối tác này”, Carolina Milanesi, chuyên gia phân tích của Gartner, nhận xét.
Nokia cũng lúng túng trong việc khắc phục điểm yếu cố hữu từ lâu trong các dòng điện thoại sử dụng công nghệ C.D.M.A vốn chiếm 50% các dòng điện thoại tại Mỹ. Hãng vẫn chỉ tập trung sản xuất điện thoại GSM cho AT&T và T-Mobile. Tuy nhiên, hợp đồng độc quyền giữa AT&T và Apple đã ảnh hưởng đến thị trường smartphone của Nokia.
Mặc dù Nokia bán được rất nhiều smartphone ở khắp các nước trên thế giới nhưng thị phần smartphone của hãng đã giảm từ 42,3% (năm ngoái) xuống còn 39,3%. Thậm chí, tại “sân nhà” châu Âu, iPhone đã vượt mặt các điện thoại Nokia và dần trở nên phổ biến.
Cuối cùng, Nokia cũng đáp trả các đối thủ bằng điện thoại E72 (giống BlackBerry) – ngày mai sẽ có mặt tại Mỹ, nhưng để cạnh tranh với các đối thủ là một bài toán cực kỳ khó khăn..
Google cũng sẽ trình làng điện thoại Android của riêng mình để cạnh tranh với Nokia. Trong khi HTC, Motorola và Dell đều đã sản xuất điện thoại giá rẻ chạy hệ điều hành mã mở của Google thì Nokia lại một mình đứng ngoài thị trường này. Hơn thế, Apple và Nokia đang đối đầu nhau trong vụ kiện bản quyền di động.
Chờ đợi sự đột phá
“Nokia phải cạnh tranh ở khắp mọi mặt trận”, Sherief Bakr, nhà phân tích đến từ Citigroup, nói. “Tại thị trường cao cấp có Apple, trung cấp có RIM và cạnh tranh các đối thủ đến từ Hàn Quốc ở thị trường điện thoại giá rẻ”.
Khó khăn chồng chất nhưng tại sao Nokia vẫn chưa nhanh chóng có động thái để đối đầu Apple và RIM? “Không cần thiết, chúng tôi sẽ nhắm đến cộng đồng người dùng yêu công nghệ”, Vanjoki tự tin nói. “Apple cũng chỉ thuộc hạng thường thôi”.
Có lẽ 12 tháng tới sẽ đủ biết được sự tự tin của Vanjoki có đủ sức giúp Nokia tìm lại thời hoàng kim của mình không.
Đến năm 2013, Gartner dự đoán smartphone sẽ chiếm 82,5% trong trên thị trường di động ở Tây Âu, và 58,2% doanh số tại Bắc Mỹ, 18,2% thị trường châu Á. Nokia đã đút túi 5,6 tỷ USD từ các dòng điện thoại phổ thông trong quý III vừa rồi, trong khi đó, smartphone mang lại cho hãng 4,6 tỷ USD.
Theo Nokia, chiếc mobile computer N900, hay N97 Mini – sự kết hợp giữa công nghệ touchscreen và bàn phím QWERTY, sẽ là đòn đánh với Apple và BlackBerry. Chiếc điện thoại nghe nhạc X6 mới nhất sẽ cho phép người dùng lựa chọn từ hàng triệu bài hát trên gian hàng Nokia Music Store.
Một động thái nữa cực kỳ quan trọng trong năm 2010 của Nokia sẽ là “dàn quân” để chinh phục thị trường Bắc Mỹ. Hãng sẽ hợp tác chặt chẽ với các hãng viễn thông và tung ra nhiều smartphone hơn nữa. “Chúng tôi đã đầu tư chưa đủ”, ông này thừa nhận. “Đây là điều cực kỳ thiết yếu”.
Mặc dù vẫn còn là điều bí mật nhưng các vị lãnh đạo của Nokia đều hứa hẹn sang năm tới sẽ ra mắt smartphone đời mới với hệ điều hành Symbian đã được nâng cấp. Điện thoại sẽ kết hợp giữa màn hình touchscreen của iPhone với khả năng xử lý e-mail của BlackBerry.
Trước những sai lầm của Nokia, chuyên gia Mr. Bakr của Citigroup cho rằng hãng điện thoại lớn nhất thế giới sẽ sớm lấy lại phong độ của mình. “Chúng ta không thể ngồi ở Luân Đôn hay New York để phán xét Nokia. Tôi nghĩ, hãng đã biết những sai lầm của mình và biết cần làm điều gì để sửa chữa. Vấn đề duy nhất là Nokia có “bừng tỉnh” đúng lúc hay không”.
N.H (Theo Dantri)
Bình luận (0)