Tự nhận mình là nông dân, có nhiều sáng kiến hữu ích cho nhà nông, hai bạn Kha Nữ Tú Uyên (30 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Tú (29 tuổi) vừa được Đoàn khối dân – chính – đảng TP.HCM tôn vinh “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” năm 2015.
Hai “nông dân” áo trắng Nguyễn Thị Hồng Tú (trái) và Kha Nữ Tú Uyên tại phòng nuôi cấy mô – Ảnh: K.Anh |
“Không phải lúc nào cũng thành công ngay, nhiều lần lấy phòng làm việc làm chỗ ngủ nhưng vẫn bị thất bại. Những lúc đó buồn không tả. Và rồi lại cùng nhau đặt câu hỏi, tiếp tục nghiên cứu |
NGUYỄN THỊ HỒNG TÚ |
Tú Uyên làm việc tại phòng công nghệ tế bào thực vật, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM), còn Hồng Tú làm ở khâu nuôi cấy mô là khâu tiếp theo của Tú Uyên.
“Trong quá trình làm việc, theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng của cây con, mình luôn thắc mắc có cách nào giúp cây phát triển nhanh hơn không. Khi gặp sự cố trong từng giai đoạn, thấy cây phát triển chậm tụi mình cùng ngồi lại đặt câu hỏi tại sao như thế, và rồi cả hai cùng đi tìm lời giải” – Hồng Tú cho biết.
Sáng kiến “Sử dụng nước uống đóng chai thông thường để pha môi trường nuôi cấy thay cho nước cất và điều chỉnh cường độ ánh sáng thích hợp cho từng giai đoạn của cây” đã được Hồng Tú thực hiện.
Theo nguyên tắc, trong nuôi cấy mô và tế bào thực vật thường dùng nước cất để pha môi trường nuôi cấy bởi tất cả đều phải vô trùng. Tuy nhiên, trong tình huống máy sản xuất nước cất của cơ quan bị hỏng, Tú đã tìm cách thay thế bằng nước uống đóng chai thông thường. Không ngờ khi phối hợp cùng việc điều chỉnh cường độ ánh sáng cho từng giai đoạn của cây thì cây vẫn phát triển hiệu quả.
Ở những phòng nuôi cấy mô phải đảm bảo nhiệt độ lạnh, ánh sáng đèn luôn được duy trì 24/24 giờ. Mỗi cây giống phải trải qua thời gian từ 6-9 tháng sống trong môi trường “ống nghiệm” mới được đưa ra vườn ươm để nuôi trồng tiếp theo. Chính vì thế, sáng kiến của Hồng Tú đã góp phần tiết kiệm rất nhiều từ năng lượng sử dụng điện để chạy máy sản xuất nước cất cũng như ánh sáng từ đèn chiếu cho cây. Tiết kiệm chi phí cho đơn vị đồng nghĩa giảm được giá thành cây giống đến với người nông dân.
Còn Tú Uyên mới đây đã nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống địa lan hương cát cát trong ống nghiệm nhằm cung cấp giống hoa lan này cho nông dân tại TP.HCM và các vùng lân cận. Thay vì loài lan này chỉ phát triển mạnh ở xứ lạnh Đà Lạt, Tú Uyên đã sử dụng phương pháp lát mỏng tế bào trong giai đoạn nhân giống kết hợp tạo môi trường dinh dưỡng phù hợp nhằm giúp loài lan này sống được trong điều kiện khí hậu bình thường của TP.HCM và những tỉnh lân cận.
“Chúng tôi đã tạo ra cây mẹ phát triển và cho hoa tốt, hiện đang triển khai nhân giống những cây con và chờ đợi kết quả. Một số hộ nông dân tận Củ Chi cũng đang khảo nghiệm loại giống này. Hi vọng thời gian tới sẽ có giống để cung cấp cho bà con nông dân vì loài lan này có giá trị kinh tế khá cao” – Tú Uyên nói.
Ngoài “bộ sưu tập” sáng kiến cá nhân, Tú Uyên và Hồng Tú có chung sáng kiến “Xây dựng quy trình nhân giống lan Renanthera in vitro”. Thay vì lấy thân cây làm nguyên liệu đầu tiên để nhân giống (cây mẹ có thể bị chết), Uyên với Tú nghĩ ra cách lấy phát hoa (thường gọi là nhánh hoa) của cây để thực hiện nghiên cứu nhân giống.
“Đây là loài lan có phát hoa phân nhánh mang nhiều hoa, màu sắc rực rỡ đang được thị trường ưa chuộng. Nhiều nông dân đến đặt hàng mua giống nên tụi mình cố gắng tìm ra cách lấy phát hoa để làm nguyên liệu đầu tiên nhằm giảm chi phí. Hiệu quả của phương pháp này là tìm được nguồn vật liệu vô mẫu rẻ tiền, phổ biến, rút ngắn quy trình nhân giống, nhờ thế phần nào cũng giảm giá thành cho nhà nông” – Tú Uyên cho biết.
Kim Anh/ TTO
Bình luận (0)