Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nông dân “chết” theo tôm

Tạp Chí Giáo Dục

Bỏ hàng chục triệu đồng đầu tư giống, mua thức ăn, đổ công nuôi nhưng người nuôi tôm Bình Định đang ngồi trên đống lửa bởi nhiều hécta tôm bị dịch bệnh, khả năng lây lan cao, có nguy cơ mất trắng. Họ rùng mình nghĩ tới vòng luẩn quẩn vay nợ.

Người nuôi tôm ở xã Phước Hòa khốn đốn vì tôm, cá chết. Ảnh: H.Văn
Người nuôi tôm ở xã Phước Hòa khốn đốn vì tôm, cá chết. Ảnh: H.Văn

Phập phù nghề tôm

Huỳnh Giản từng giàu lên trông thấy nhờ con tôm, nhưng nay đồng tôm vắng hoe, ảm đạm. Ông Ngô Văn Giao (thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa) loay hoay vớt từng con tôm, cá chết lên khỏi hồ, thở dài: “Mấy năm ni rồi, năm nào cũng lỗ. Không chết vì thân đỏ đốm trắng cũng bệnh môi trường rồi thì bán đổ bán tháo cũng không vớt vát đủ vốn”. 

Ông Giao hiện có 7.000 m2 nuôi tôm, trước nuôi thâm canh, gần đây chuyển sang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, xen kẽ nuôi với cua, cá. Ông Giao lý giải cách nuôi này chỉ là phương pháp tình thế giúp… bớt lỗ. Chết con tôm thì còn vớt vát con cua, con cá. Năm ngoái ông thả 15 vạn tôm, nuôi được 2 tháng thì tôm có biểu hiện bệnh, chết nên phải thu hoạch sớm. Kết quả thu được 5 tạ tôm bán được 30 triệu đồng, vét thêm cua, cá bán gỡ được thêm 10 triệu, vẫn lỗ 40 triệu đồng so với chi phí đầu tư.

Là một trong những hộ có thâm niên lâu năm nghề nuôi tôm, chưa bao giờ ông Ngô Văn Trang cảm thấy ngao ngán như bây giờ. “Giờ tôi thành… chuyên gia thất bại rồi. Càng nuôi càng lâm nợ. Mấy hộ nuôi với mật độ dày thì chết không tưởng tượng nổi” – ông Trang nói. Hộ nhà ông có tất thảy 8.000m2 nuôi tôm, ba năm trở lại đây thất bát liên tục.

Sốt ruột, ông đi khắp các vùng nuôi tôm kể cả những vùng nuôi áp dụng nuôi khép kín, nuôi công nghiệp với quy mô lớn như Đông Điền, Nhơn Hậu cũng đều là những bài học…thất bại. Nhiều người nuôi tôm có tiếng tăm trong xã dần dần bỏ hết. Nhưng ở cái vùng nghề nuôi tôm đã hình thành từ mấy chục năm nay, bỏ hồ bỏ tôm rồi cũng không biết bấu víu vào cái gì nên cứ cố. Không biết nguyên nhân do đâu, ở nguồn nước, môi trường hay con giống, không thể lý giải được” – ông Trang lắc đầu ngao ngán.

Lo mất trắng

Ông Phan Trần Phú, trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, cho biết: Tổng diện tích nuôi tôm của cả thôn là 165 ha. Theo lịch, người dân bắt đầu thả giống từ đầu tháng 3/2016 nhưng gặp không khí lạnh, sau đó nóng bất thường độ mặn tăng cao. Hiện có khoảng trên 80% diện tích tôm ở hồ nuôi bị chết, có trường hợp tôm bị bệnh đường ruột thì chết từ từ, còn nếu bị thân đỏ đốm trắng thì chết hàng loạt, người dân phải phu hoạch sớm bán gỡ vốn. Có hộ thả giống muộn hơn thì tôm chưa chết nhưng vẫn nơm nớp sợ bởi môi trường xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa thống kê, vụ nuôi tôm năm nay đợt 1 cả xã có 327 ha, hiện 50% số diện tích bị dịch, phần lớn là bệnh thân đỏ đốm trắng, số còn lại do nước mặn quá. Có khi tôm chỉ mới nuôi được 10 ngày tuổi đã chết, người dân thả bù rồi lại chết tiếp. Nhiều hộ chuyển sang nuôi xen cùng với cá, cua nhưng tình hình cũng ít khả quan.

Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho hay, trong tổng số 274 ha tôm của cả xã hiện đã có 10 ha bị dịch bệnh. Tôm bị dịch trong khoảng từ 35 – 45 ngày tuổi, tập trung ở các thôn Dương Thiện, Vinh Quang 2.

Theo ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định: Tỉnh  hiện có 2.000 ha diện tích hồ nuôi tôm, tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Trong số đó chỉ 50 ha được đầu tư cơ sở hạ tầng, còn lại nhiều diện tích nuôi tôm tự phát.

Tình trạng tôm bị chết do dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ ngày 15/2 tại thôn Xuân Bình (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) và huyện Tuy Phước. Tuy nhiên khi dịch bệnh xuất hiện người dân chậm báo cáo đến ngành chức năng. Phải mất 1 tháng sau mới phát hiện và triển khai các biện pháp xử lý. 

Sau khi lấy mẫu kiểm tra, xác định tôm chết do bệnh thân đỏ đốm trắng và bệnh môi trường. Trong khoảng thời gian thả giống tôm thì gặp không khí lạnh, thời tiết thất thường, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm tăng cao dẫn đến tôm bị bệnh. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp xử lý, khống chế lây lan.

Theo quy định, vùng nuôi tôm phải có nguồn nước thu, nguồn nước thải phải qua ao xử lý nhưng hầu hết người nuôi tôm tự phát không tuân thủ mà đưa thẳng nước vào ao nuôi, con giống không được kiểm dịch. Nuôi tôm quá mức mà không có thời gian ngưng nghỉ trong khi hệ thống xử lý nước vào, nước thải ra chưa đảm bảo. “Để giải quyết gốc vấn đề thì cần phải quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Hiện Sở đang báo cáo với Trung ương xin kinh phí quy hoạch lại, xây dựng thêm ao xử lý và hệ thống nước thải. Tuy nhiên, kinh phí dự kiến quá lớn (từ 500 đến 1.000 tỷ đồng) nên phải lâu dài” – ông Hổ nói.

Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)