Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tổ chức ngày 11.1.
Nhiều mô hình nổi bật
Tại Hội nghị này, điều các đại biểu quan tâm nhất là kết quả của những mô hình điểm dạy nghề nông dân trong cả nước. Kết quả này được nhìn một cách công tâm cả mặt tích cực và tồn tại để tháo gỡ.
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho thanh niên nông thôn ở Đăk Lăk.
|
Tỉnh Nam Định mang tới hội nghị câu chuyện về các lớp trồng nấm. Từ lớp học trồng 6 loại nấm đặc sản của Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng, bà con đã tổ chức được tổ sản xuất nấm với những gia trại được đầu tư cả tỷ đồng. Quy trình trồng nấm được khép kín: Hàng trăm ngàn tấn rơm rạ trước đây thường bị đốt, gây ô nhiễm không khí thì hiện được sử dụng làm giá thể nuôi nấm; bã nuôi nấm sau đó lại được tái chế làm phân bón…
Ông Đới Văn Ngọc- Giám đốc Trung tâm vừa dạy nghề, vừa trực tiếp đi “tiếp thị” nấm cho bà con. Sau bao thăng trầm, tới nay, người học nghề có thu nhập 3-4 triệu đồng tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Về mô hình kinh tế hộ, các đại biểu dự hội nghị ấn tượng với câu chuyện “ngoài báo cáo” của tỉnh Bắc Giang khi dẫn trường hợp điển hình là bà Trần Thị Giang (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) được học nghề nuôi thỏ, hiện có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Nhà bà Giang có 4 người thì có 3 người hưởng trợ cấp xã hội do già yếu, tàn tật; bà Giang đã 62 tuổi mà còn là lao động chính của gia đình, bươn bả cũng chỉ đủ ăn. Sau khi được học nghề nuôi thỏ, được hỗ trợ đầu ra, bà liều vay 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi 300-400 thỏ. Ngay khi có sản phẩm, bà đã không phải lo đầu ra vì nhà hàng, khách sạn thu mua tận chuồng.
Về mô hình dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, có 30 tỉnh, thành thực hiện mô hình này, dạy nghề cho 22.700 người với 50 nghề (móc sợi, mây tre đan, đính cườm, đúc đồng…); hầu hết lao động làm gia công hoặc tự mở xưởng.
Nhận định về các mô hình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng về cơ bản đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, một số lớp học vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt. Một trong những lý do là lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của học nghề. Hiện các bên tham gia dạy nghề đã có những cam kết: Doanh nghiệp cam kết tạo việc làm; trung tâm dạy nghề cam kết đào tạo, kết nối với doanh nghiệp… nhưng người nông dân chưa có cam kết của mình.
“Việc học nghề là cho chính bản thân người nông dân, vì vậy bà con cần phải suy nghĩ mình học nghề để làm gì rồi mới đi học, phải có cam kết học nghề để thực sự làm nghề”- Phó Thủ tướng nói.
Những việc cần làm ngay
Tại đầu cầu tỉnh Vĩnh Long, đại diện Sở LĐTBXH đưa ra một câu chuyện rất đáng suy nghĩ về việc tổ chức lớp học. Đó là chuyện về lớp sửa chữa máy gặt đập liên hợp ở huyện Vũng Liêm với 35 học viên. Đây là lớp học được đánh giá là cực kỳ cần thiết. Trước kia, máy chỉ hỏng hóc nhỏ, nông dân cũng phải thuê thợ sửa. Giờ họ tự sửa cho nhau và phát triển dịch vụ sửa chữa theo cụm, vừa tiết kiệm tiền vừa tiết kiệm thời gian. Việc tiết kiệm thời gian có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi mùa gặt rơi vào gần mùa mưa, gặt được sớm thì có nắng phơi, giá trị lúa sẽ cao hơn…
Theo Bộ LĐTBXH, năm 2010-2011 đã có 798.240 nông dân được học nghề; trong đó có 46% nông dân học các nghề nông nghiệp và 54% học nghề phi nông nghiệp. Tính theo thứ tự ưu tiên thì có 32,6% là đối tượng 1 (người có công, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, tàn tật, thu hồi đất canh tác… được hưởng hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, đến cuối khoá học, lớp chỉ còn 14 học viên dự thi, 15 học viên gia đình có máy gặt đập liên hợp phải theo máy đi phục vụ vụ mùa, 6 người “học cho biết, không cần lấy chứng chỉ”. Thực tế này cho thấy, thời gian mở lớp học nghề nông nghiệp cần hết sức linh hoạt, thời gian nông nhàn ở nông thôn rất ít, trong khi học viên đều là lao động chính, đến mùa vụ bắt buộc họ phải đi làm. Liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ LĐTBXH rà soát lại các chính sách và điều chỉnh theo đề xuất của các địa phương.
Theo Bộ LĐTBXH, năm 2011, có gần 400.000 nông dân trong cả nước được học nghề theo Đề án 1956; năm 2012 phấn đấu đào tạo 600.000 người. “Mức tăng là khá cao, gấp rưỡi năm 2011. Đây là thách thức rất lớn, cần phải thực hiện các giải pháp kiên quyết mới có thể thành công”- Phó Thủ tướng nói. Ông đã chỉ ra hơn 10 giải pháp, trong đó nhấn mạnh lao động cần có cam kết sau học nghề làm việc ở đâu, thu nhập thế nào; nhân rộng các mô hình điểm hiệu quả; đào tạo cán bộ khuyến nông làm giáo viên hạt nhân…
Riêng với các tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh mỗi năm đi thăm 1-2 mô hình dạy nghề nông dân: “Gặp nông dân trực tiếp, đối thoại với nông dân sẽ bật ra được nhiều vấn đề và biết nông dân cần gì, muốn gì ở việc học nghề. Từ đó mới có điều chỉnh thiết thực, hiệu quả”- Phó Thủ tướng kết luận.
Theo Huyền Thanh
(Dân Việt)
Bình luận (0)