Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nông dân đua nhau chặt mía

Tạp Chí Giáo Dục

Giá mía nguyên liệu dao động ở mức thấp dẫn đến việc thua lỗ kéo dài nên hàng loạt nông dân ở ĐBSCL ào ạt phá bỏ ruộng mía. Dọc các vùng mía trọng điểm ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An… nhiều ruộng mía biến thành những ao nuôi tôm, lên bờ trồng cây ăn trái, rau màu… Trước thực trạng cây mía đang bị hắt hủi, các nhà máy lo lắng thiếu nguyên liệu hoạt động trong thời gian tới.

Ào ạt phá bỏ ruộng mía

Với 8.500ha mía, huyện Bến Lức là nơi có diện tích mía nhiều nhất ở tỉnh Long An. Hiện tại, dù đang vào giai đoạn thu hoạch cuối vụ, nhưng nông dân tỏ ra chán nản bởi giá mía quá thấp, lỗ cả vốn đầu tư. Ông Đặng Văn Việt, ở xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức chua chát: “Chưa bao giờ giá mía tệ hại như lúc này, thương lái chỉ mua có 550 đồng/kg, không đủ chi phí đầu tư nên người trồng mía lỗ nặng. Vì vậy xong vụ này nhiều hộ nói lời chia tay với cây mía”. Ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bến Lức, cho biết, nông dân trồng mía đang rơi vào cảnh khó khăn bởi bán lỗ, bán thiếu… dẫn đến thiệt hại kép. Trước thực trạng cây mía không còn hiệu quả nên nhiều hộ đã phá bỏ khoảng 500ha mía để chuyển sang trồng chanh, ổi và nhiều loại cây khác. Tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) nhiều năm liền là “vùng nóng” tranh giành thu mua mía nguyên liệu, nhưng giờ đây phong trào sản xuất mía diễn ra tẻ nhạt. Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, lo lắng: “Vụ rồi toàn huyện có hơn 9.550ha mía, nay người dân san bằng khoảng 700ha để chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu, lúa… Nguyên nhân là do càng trồng càng lỗ nên nông dân không còn mặn mà với cây mía”.

Sau vụ mía 2013-2014, nhiều hộ dân ở huyện Bến Lức (Long An) quyết định chia tay cây mía do thua lỗ kéo dài

Phong trào phá bỏ ruộng mía mạnh nhất thời điểm này phải kể đến 2 huyện Long Phú và Cù Lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ông Lê Văn Út, ở ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung phân tích: “Mấy năm gần đây giá mía quá bèo chỉ 650 – 700 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất 800 đồng/kg, cộng với mỗi năm chỉ canh tác 1 vụ nên người trồng mía không sống nổi. Ngược lại với cây mía thì con tôm đang lên đời, giá tăng vùn vụt từ 200.000 – 300.000 đồng/kg (tùy loại). Do đó, dù gia đình tôi đã hàng chục năm chung thủy với cây mía thì nay cũng đành chặt hạ 8 công để đào ao nuôi tôm”. Ông Nguyễn Văn Lư, Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh 2, xác nhận, chuyện nông dân đua nhau bỏ mía để nuôi tôm là có thật. UBND xã vừa thống kê sơ bộ có hơn 100 hộ phá 50ha mía để nuôi tôm. Theo Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, không chỉ xã An Thạnh 2 mà nông dân xã An Thạnh 3, An Thạnh Đông, An Thạnh Tây, Đại Ân 1… cũng đồng loạt nói lời chia tay cây mía, đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ước tính từ đầu năm 2014 đến nay có hơn 200ha mía biến thành ao tôm và diện tích mía tiếp tục giảm để nhường chỗ cho con tôm còn tăng lên trong thời gian tới.

Nhà máy lao đao, ngành chức năng lúng túng

Việc nông dân bỏ mía đã khiến các nhà máy đường lo sốt vó và ngành chuyên môn rối bời vì nguy cơ đổ vỡ quy hoạch. Ông Vương Tấn Vũ, Chánh văn phòng UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng), cho biết: “Trước đây diện tích mía ở Long Phú tới hàng ngàn hécta. Đến năm 2012 vẫn còn hơn 1.000ha, sang năm 2013 giảm xuống mức 633ha và năm 2014 này cố gắng giữ 500ha mía nhưng rất khó. Do cây mía bấp bênh và được cho là cây trồng kém hiệu quả nhất, vì thế chẳng còn ai tha thiết nữa”. Câu chuyện bỏ mía đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng đang là đề tài thời sự ở các vùng ven biển. Chỉ riêng huyện Cù Lao Dung dự kiến trong 2 năm 2014 và 2015 sẽ chuyển hơn 1.000ha mía sang nuôi tôm và trồng rau màu; đến năm 2020 chỉ giữ lại khoảng 4.000ha mía trong tổng số 8.250ha mía hiện nay.

Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, băn khoăn: “Thời buổi giá cả các mặt hàng nông thủy sản lên xuống thất thường, việc sản xuất không có hợp đồng bao tiêu nên ngành nông nghiệp không “dám” định hướng cho nông dân trồng cây gì hoặc nuôi con gì. Hiện tại tôm thẻ chân trắng đang lên đời, thế là nhiều hộ bỏ mía chạy theo con tôm. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng nuôi tôm được bởi vốn đầu tư rất lớn, bình quân khoảng 600 – 800 triệu đồng/ha. Vì vậy nhiều hộ rất muốn nuôi tôm nhưng khó theo được, chưa kể nghề nuôi tôm luôn ẩn chứa rủi ro lớn”.

Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương nhìn nhận, chuyển dịch từ cây mía sang nuôi tôm hay trồng các loại cây khác đang là bài toán vô cùng nan giải. Nếu làm không khéo hoặc làm theo phong trào sẽ phá vỡ quy hoạch chung và kéo theo hệ lụy “trồng – chặt” tiếp tục xảy ra, mà nông dân là người chịu thiệt hại trước tiên. Do đó, việc giữ bao nhiêu hécta mía, giữ ở vùng nào, vùng nào khuyến khích chuyển đổi… cần được tính toán chu đáo. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng tiểu vùng mía khu vực ĐBSCL, cho rằng: “Với giá đường trên thị trường hiện chỉ 12.000 – 12.900 đồng/kg là quá thấp, vì vậy các nhà máy không thể nâng giá mía cho dân lên được. Nông dân trồng mía bị lỗ và bỏ mía là chuyện hiển nhiên. Giải pháp cấp bách lúc này là cần nhanh chóng tái cơ cấu để vực dậy ngành mía đường. Theo đó, giảm tối đa lao động chân tay trong sản xuất mía bởi tốn nhiều chi phí, thời gian…, cần thay thế bằng máy móc như sử dụng máy trong khâu làm đất, lên liếp mía… Nghiên cứu phương pháp thu hoạch mía theo hướng tiết kiệm nhưng hiệu quả như loại bỏ tạp chất, rút ngắn đoạn đường vận chuyển bằng thủ công… Đẩy mạnh sản xuất giống mới năng suất cao, chữ đường nhiều để tăng được giá bán. Đối với các nhà máy thì cần đầu tư thêm những sản phẩm khác ngoài mặt hàng đường, như sản xuất điện từ bã mía chẳng hạn. Phải tận dụng tối đa các phụ phẩm từ cây mía nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất đường thì mới mong cạnh tranh được với các nước”.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), với giá đường hiện tại khiến các nhà máy chế biến từ hòa đến lỗ, trong khi nông dân trồng mía thì thê thảm hơn. Hiện các nhà máy còn tồn kho khoảng 450.000 tấn đường, thế nhưng đường nhập lậu vẫn ào ạt tràn vào nội địa với số lượng lớn, bán giá thấp, đẩy đường nội vào cảnh khốn đốn. Nếu so với Thái Lan, Brazil… thì ngành mía đường nước ta đang thua “tất tần tật” trên nhiều mặt. Ngay cả khâu điều hành tiêu thụ đường hàng năm cũng luôn bị động, thậm chí sản lượng đường dư thừa đang rất lớn nhưng vấn đề xuất khẩu đường lại thiếu nhất quán. Ngành mía đường đang tiếp tục vòng lẩn quẩn mà chưa tìm được lối ra, trong khi cạnh tranh với các nước để hội nhập càng lúc xa vời.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)