Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông Thanh Hóa quyết định từ vụ chiêm Xuân 2013-2014, cho các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các công ty, doanh nghiệp mía đường, các hộ nông dân mua máy nông nghiệp của Kobota do Công ty làm đại lý chỉ phải trả 60% giá trị máy và đến sau vụ thu hoạch chiêm Xuân mới phải trả 40% giá trị máy còn lại.
Các sản phẩm của Công ty làm đại lý như máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp.
Cắt băng khai trương đại lý Công ty. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/Vietnam+)
Tại Thanh Hóa, Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đang là một trong các đơn vị tiên phong thực hiện việc đưa cơ giới hoá đồng bộ vào đồng ruộng theo quy trình khép kín từ làm đất, giống, gieo cấy, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch.
Ngày 15/12, Công ty cổ phần nông công nghiệp Tiến Nông phối hợp với công ty Kobota (Nhật Bản) mở đại lý độc quyền sản phẩm máy nông nghiệp Kubota tại Thanh Hóa. Đây cũng là đại lý máy nông nghiệp độc quyền đầu tiên tại Thanh Hóa, góp phần giảm chi phí, giá thành các loại thiết bị, máy móc nông nghiệp.
Các đối tượng mua máy nông nghiệp cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mại của công ty. Việc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông được Công ty Kubota chọn là Đại lý chính thức độc quyền sản phẩm máy nông nghiệp Kubota tại Thanh Hóa, người nông dân trong tỉnh sẽ được sử dụng các dịch vụ và sản phẩm máy nông nghiệp tốt nhất từ nhà sản xuất uy tín Kubota Nhật Bản, góp phần đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Điển hình là Quyết định số 1304/2009/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2009 về cơ chế chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2009-2013.
Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho nhân dân trong vùng thâm canh mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất bằng 20% giá trị của máy (bình quân 60ha được hỗ trợ mua một máy thu hoạch lúa và một máy làm đất).
Tỉnh cũng tiến hành thực hiện thí điểm nhiều mô hình cơ giới hóa đồng bộ tại các huyện Yên Định, Triệu Sơn, Thiệu Hóa… với diện tích hàng trăm ha. Hiện toàn tỉnh có trên 500 máy gặt đập liên hợp trong đó: vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có 482 máy… Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩn, giải phóng sức lao động cho nông dân./.
Trịnh Duy Hưng
(TTXVN)
Bình luận (0)