Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nông dân gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giai đoạn khủng hoảng, ngành nông nghiệp được xem như cứu cánh nền kinh tế với sự tăng trưởng ổn định. Nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, tiêu, thủy sản… đã vượt qua những rào cản để gia tăng xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ lớn, góp phần đóng vai trò cân bằng cán cân thương mại và ổn định an sinh xã hội, trong đó nông dân rất quan trọng. Thế nhưng gần đây, nhiều nông dân trồng lúa, mía; nuôi gà, heo, cá tra… lâm vào cảnh khốn đốn do giá rớt và khó tiêu thụ.

Lợi nhuận nông dân trồng mía ĐBSCL bấp bênh do giá thấp. Ảnh: HUỲNH LỢI

Đứng trên cánh đồng lúa hè thu đang chín vàng, ông Đoàn Ngọc Anh, ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) thở dài: “Vụ này canh tác 16 công lúa, trong đó 6 công vừa thu hoạch được hơn 3 tấn. Lúa thất mùa, bán giá thấp chỉ 4.100 đồng/kg (lúa tươi loại thường); trong khi chi phí đầu tư cao, tính ra lỗ 3,6 triệu đồng. 10 công còn lại chuẩn bị thu hoạch, nhưng giá tiếp tục giảm và chẳng thấy thương lái thu mua, tình hình này tiếp tục lỗ là cái chắc”. Hơn 40 năm làm lúa, nhưng đây là năm “hạn” nhất mà ông Ngọc Anh đang trải qua. “Vụ đông xuân rồi được mùa nhưng giá thấp nên lời chẳng bao nhiêu. Vụ hè thu này thất mùa – thất giá, coi như lâm nợ. Lúa vụ 3 tới đây chưa biết ra sao, khả năng tiếp tục lỗ là khó tránh khỏi”, ông Ngọc Anh tâm sự.

Khổ vì lúa lép

Đến thời điểm này, nông dân miền Bắc, miền Trung đang vào vụ gặt rộ lúa đông xuân, nhưng diện tích lúa bị lép hạt đã lên tới hơn 16.000ha và đều là giống lúa BC15. Trong khi Cục Trồng trọt đưa ra nhận định, nguyên nhân là do thời tiết nhưng phía cơ quan khí tượng và nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương lại cho rằng lỗi không phải do thời tiết.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng khẳng định, số liệu quan trắc cho thấy, giai đoạn từ ngày 23 đến 28-4, thời tiết diễn biến rất đẹp. Trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 28-4 thời tiết khá thuận lợi. Chỉ duy nhất đêm 25, sáng 26-4 có một đợt gió mùa yếu tràn về gây mưa nhỏ vài nơi. Nhiệt độ giảm nhẹ từ 1-2oC. Như vậy, thời tiết khá ổn định, không có gì bất thường trong giai đoạn này.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc nghi ngờ chất lượng giống lúa BC15 năm nay “có vấn đề”. Vừa qua, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã gieo 2.913ha lúa BC15.

Các nhà chuyên môn cho rằng, chủ trương của Nhà nước đảm bảo nông dân trồng lúa lời 30%. Song, thực tế nhiều nơi ở ĐBSCL diện tích canh tác ít, bình quân khoảng 4 – 6 công/hộ, cộng sản xuất 3 vụ/năm sẽ có khoảng 8 – 10 tấn lúa. Nếu tính lợi nhuận 30%, với giá lúa hơn 4.100 đồng/kg hiện nay, mỗi hộ thu được khoảng 12-14 triệu đồng/năm, chia bình quân cho 4 nhân khẩu/hộ. Như vậy nông dân thu nhập chẳng bao nhiêu. Theo TS Lê Văn Bảnh, trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, nông dân là người cực nhất nhưng hưởng lợi thấp nhất. Ngược lại thương lái, nhà máy xay xát, doanh nghiệp xuất khẩu gạo… thì thu lời thập bội dù công sức bỏ ra không nhiều. Đây là nghịch lý tồn tại nhiều năm.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho hay: “UBND xã đã chỉ đạo gieo cấy đúng theo khung thời vụ, đúng lịch của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc vì còn liên quan đến xả nước. Thời điểm lúa trổ bông vào khoảng 15 đến 20-4 (trà sớm), 28-4 đến 1-5 (trà muộn)- đúng thời điểm nghỉ lễ, thời tiết rất đẹp”.

Sau khi xảy ra sự cố, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đã hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An 500 tấn lúa giống để… bà con tiếp tục gieo trồng vào vụ sau. Nhiều nông dân yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho họ, song phía Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình lại cho rằng chỉ có thể hỗ trợ chứ không phải là đền bù vì nguyên nhân lúa lép là do thời tiết (khách quan) gây ra.

Cùng với cây lúa, nhiều nông dân trồng mía, chăn nuôi… cũng gặp khó khăn vì giá cả xuống thấp. Ông Phan Văn Năm, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) lo lắng: “Năm rồi giá mía giảm còn 700-800 đồng/kg khiến hàng loạt hộ lỗ nặng sau gần 1 năm canh tác. Thấy cây mía bấp bênh nên tôi vừa san lấp 30 công mía chuyển sang trồng lúa. Bây giờ cây lúa cũng lâm nguy nên chưa biết tính sao”.

Kéo doanh nghiệp vào cánh đồng mẫu lớn

Có thể nói, chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp rơi vào thế khó và nông dân càng làm càng lỗ như hiện nay. Nông dân đang bị mất phương hướng vì làm đâu thua đó, trong khi ngành nông nghiệp không dám khuyến cáo trồng cây gì, nuôi con gì do không nắm được đầu ra. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận: “Lợi ích của nông dân đang bị thách thức nghiêm trọng. Đơn cử như vụ lúa hè thu ở ĐBSCL đang thu hoạch với sản lượng hơn 9,3 triệu tấn, tương đương với 4,6 triệu tấn gạo; trong đó gạo hàng hóa hơn 3,1 triệu tấn. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kêu than tình hình xuất khẩu khó khăn, giá xuất thấp, nên giá lúa hàng hóa không thể nâng lên được. Song thực tế cho thấy, doanh nghiệp lương thực hàng năm đều lời to, trong khi nông dân luôn chịu thiệt”.

PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, cho rằng phải kéo nông dân tham gia vào sản xuất tập trung, mà mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã chứng minh hiệu quả. Ở đó, nông dân được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, thu hoạch, bao tiêu đầu ra… Cách làm này vừa giảm chi phí giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo. “Cái vướng duy nhất là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn tính thiệt hơn nên chưa chịu tham gia. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét bổ sung những quy định cần thiết nhằm kéo doanh nghiệp xuất khẩu gạo có trách nhiệm đầu tư mô hình cánh đồng mẫu lớn”, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An đề xuất.

Theo SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)