Những ngày này, vùng nuôi tôm tập trung ở ĐBSCL, đâu đâu cũng cảm nhận được nỗi lo của người nuôi về chất lượng tôm giống. Đây là vấn đề không mới nhưng kéo dài và luôn gây thiệt hại lớn cho người nuôi nên vẫn là chuyện thời sự.
Tôm giống đã bị chết sau 2 tháng nuôi ở Trà Cú (Trà Vinh) . Ảnh: Diệu Hiền |
Hàng chục triệu con tôm giống chết
Ông Tô Văn Đực (ở ấp Giồng Ỏi, xã Long Toàn, Duyên Hải, Trà Vinh) cho biết: "Không biết ở các xã khác như thế nào, chứ ở đây cũng có hộ trúng mùa, hộ thất bát, cũng có hộ lỗ như gia đình tôi. Hơn 8.000m2 mặt nước, chia làm 2 ao, tôi thả nuôi 40.000 con tôm giống, sau 45 ngày tôm chết hàng loạt không còn con nào. Tôi tiếp tục cải tạo ao, thả lại 45.000 con nữa, nhưng cũng chỉ qua được 60 ngày là chết sạch.
Cán bộ kỹ thuật ở xã cho biết, tôm bị bệnh đốm trắng. Tôi mua tôm giống ở trại được bảo là đã kiểm dịch nhưng kiểm dịch thật chưa thì không rõ".
Cũng tại ấp Giồng Ỏi, gia đình anh Trần Văn Độ thả 30.000 con tôm giống trên 4.000m2, sau 2,5 tháng, tôm không lớn, mình tôm sần sùi, đen mang rồi chết. Anh Độ thả nuôi lại đợt 2, thận trọng chọn mua tôm giống được kiểm dịch, ao đìa cải tạo rất kỹ, tuân thủ đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhưng tôm cũng chỉ sống được 40 ngày, thua lỗ hơn 11 triệu đồng.
Theo kỹ sư Nguyễn Cường Đặng, cán bộ nông nghiệp xã Long Toàn, hình thức nuôi tôm bán công nghiệp của bà Lê Thị Chanh ở ấp Giồng Ỏi cũng khiến người nuôi bị thiệt hại.
Tại ấp La Bang Kinh, xã Đôn Châu (Trà Cú, Trà Vinh), gia đình chị Lâm Thị Năm thả 300.000 con giống trên 3,7 ha theo hình thức quảng canh cải tiến, sau 42 ngày, thân tôm đen, bị sần sùi và chết. Anh Thạch So thả nuôi 150.000 con giống trên 3 ha theo hình thức quảng canh, sau 35 ngày cũng chết sạch.
Còn anh Nguyễn Văn Rế ở ấp Bà Nhì, xã Đôn Châu, có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm quảng canh nhưng năm ngoái anh thả 200.000 con tôm giống trên diện tích gần 2 ha cũng bị bệnh đốm trắng, đỏ thân và đầu vàng chết sạch.
Anh Rế cho biết: "Tôm giống mua ở một cơ sở uy tín ở huyện Duyên Hải và có kiểm dịch đàng hoàng, nhưng khi tôm chết thì cán bộ kỹ thuật nói bị đốm trắng, đỏ thân rồi chết, chẳng hiểu nổi. Không biết vụ tới này mua tôm ở đâu?".
Ông Thạch Sô Phal – Phó phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, cho hay: "Năm 2010, toàn huyện có 853 hộ thả nuôi 53,32 triệu con tôm giống trên 1.108 ha. Trong đó, 258 hộ có tôm nuôi bị chết 16,3 triệu con trên khoảng 348 ha. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng con giống kém".
Chỉ một nửa được kiểm dịch
Chỉ một nửa được kiểm dịch
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, năm 2010 toàn tỉnh thả nuôi trên 1,62 tỷ con giống tôm sú nhưng chỉ khoảng một nửa được kiểm dịch. Cà Mau là nơi có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất khu vực ĐBSCL, mỗi năm thả nuôi 11 – 12 tỷ con giống, tôm trong 35.000 ha chết.
Tỉnh Sóc Trăng thả nuôi hơn 46.000 ha, nhưng có 4.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại không khôi phục nuôi lại. Tỉnh Bạc Liêu có đến 19.000 ha nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp bị chết do bệnh.
Tỉnh Trà Vinh là địa phương kiểm tra, kiểm soát chất lượng tôm giống khá chặt chẽ, nhưng cũng đã có trên 277 triệu con tôm sú bị nhiễm bệnh chết và trên 5,5 triệu con nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, các trại giống này vẫn hoạt động, không đăng ký cũng không kiểm dịch hoặc kiểm dịch chỉ mang tính tượng trưng.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có 1.600 trại nuôi tôm giống, mỗi năm xuất khoảng 10 tỷ con tôm sú giống, mới đáp ứng khoảng 40 – 45% lượng giống thả nuôi. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh khác về nên chất lượng khó kiểm soát. Số tôm sú giống nhập vào các tỉnh này được kiểm dịch bằng công nghệ PCR (kiểm dịch thông qua nhân gene) chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn là lượng tôm chưa qua kiểm dịch nên không đảm bảo chất lượng, không đủ kích cỡ.
Theo đánh giá của Chi cục Nuôi trồng thủy sản các tỉnh ĐBSCL, những năm gần đây tỷ lệ tôm sú giống bị nhiễm bệnh chiếm 50-60%, thế nhưng số tôm bị tiêu hủy là không đáng kể.
Ông Lâm Thanh Bình, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho rằng: "Để hạn chế rủi ro cho bà con nuôi tôm năm 2011, UBND các huyện cần chỉ đạo UBND xã khi phát hiện cơ sở sản xuất giống tôm không rõ nguồn gốc hoặc không có giấy phép kiểm dịch theo quy định thì giữ lại để phối hợp xử lý theo quy định. Có như thế mới hạn chế được việc nhập tôm trái phép, không rõ nguồn gốc, làm lây lan dịch bệnh".
Diệu Hiền / TPO
Bình luận (0)