“Hello, I’m a farmer, and you?” (xin chào, tôi là nông dân, còn bạn?) – Đó là những câu chào xã giao mà cô Võ Kim Thanh cũng như nhiều lão nông tóc đã điểm hoa râm ở xã Long Mỹ (Mang Thít, Vĩnh Long) thường “bập bẹ” trước khi buổi học Anh văn thường lệ bắt đầu…
Có một lớp dạy Anh văn cho người dân nơi đây, được mở gần 2 tháng nay. Dù tuổi tác đã cao nhưng khi tham gia lớp học, họ đều cùng có chung suy nghĩ: “Phải học Anh văn để có thể nói chuyện với người nước ngoài và có thêm kiến thức cho bản thân, phục vụ sự phát triển địa phương”.
“Nông dân bây giờ phải biết tiếng Anh”
Khoảng 18 giờ, chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa xã Long Mỹ. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể để tìm được hình ảnh như thế này ở một vùng nông thôn. Lúc trời xâm xẩm tối, hơn 20 nông dân lại lục đục cắp sách đến lớp học tiếng Anh. Lớp học được mở ra từ đầu tháng 7/2011 đến nay, khoảng 3 tháng cho một khóa.
Cô Thanh năm nay đã 53 tuổi, ở ấp Long Khánh lóng ngóng cầm chiếc cặp đựng tập viết, cười cười: “Lớp học được mở hơn tháng nay rồi. Bỏ lâu quá nên hôm đầu học được mấy chữ, hôm sau quên mất tiêu. Nhưng vì đam mê nên nghe mở lớp đây là tui tham gia học liền!”
Cô Thanh cho biết: Trước đây cô là giáo viên dạy mẫu giáo “cũng bập bẹ được vài ba chữ “tiếng Anh, tiếng em” với người ta nhưng bỏ lâu nên quên”. Đầu tháng 7 vừa rồi, nghe xã có tổ chức lớp học Anh văn cho mọi đối tượng mà không phải tốn một khoản phí nào nên cô đã đến đăng ký học. Với chút vốn liếng tiếng Anh sẵn có, lại chăm chỉ học nên “chỉ học vài buổi tui đã nhớ lại khá nhiều!” Ngoài cô Thanh, còn rất nhiều anh chị em cùng ấp nghe vận động, cũng mạnh dạn đăng ký học.
“Học tiếng Anh bây giờ không thừa đâu, nhiều lúc đi ngoài đường thấy các bảng quảng cáo, hay đọc báo, tiểu phẩm hài trên tivi bây giờ đều “đá” tiếng Anh, nếu không học thì vô phương biết họ nói gì”, cô Thanh bộc bạch.
Cặm cụi ghi chép ở dãy bàn cuối lớp học, em Cao Diễm Hương, học viên của lớp, hiện là sinh viên ngành quản lý văn hóa đang học tại Vĩnh Long, nói: “Em cũng mê tiếng Anh lắm, thấy lớp học này hữu ích cho nên em cũng đăng ký. Học để nâng cao vốn tiếng Anh cho mình, vừa có thể giao tiếp căn bản với người ngoại quốc nếu có dịp”.
Trên bục giảng, thầy Lâm Thái Quang bắt đầu buổi học như thường lệ bằng việc ôn lại bài học hôm trước về “các loại trái cây ở địa phương” trước khi vào bài học mới. Với những loại trái cây lạ, thầy Quang đọc bằng giọng điệu chậm rãi, rõ ràng; còn những loại trái cây gần gũi ở địa phương thầy Quang còn sử dụng những “thủ thuật” gợi ý hay kèm theo “chỉ dẫn địa lý” để giúp “học trò” dễ hiểu và nhớ được lâu hơn.
Theo thầy Quang, mỗi tuần sẽ có 3 buổi học, mỗi buổi 3 tiết, bắt đầu từ 18 giờ 30. Trong đó, ở các buổi học ngày thứ 3 và 5, thầy Quang sẽ trực tiếp xuống lớp giảng dạy. Riêng ngày chủ nhật, học viên đến lớp cùng nhau thảo luận, tự học.
Theo thầy Quang, vì đa số người học đã lớn tuổi, nên nội dung học chủ yếu phục vụ giao tiếp thông thường: giới thiệu tên, quê hương, hỏi người đối diện về nội dung tương tự, các giao tiếp, mua bán hàng ngày chứ hoàn toàn không đặt nặng về ngữ pháp. “Phần lớn các cô, chú đã lớn tuổi nên việc tiếp thu kiến thức còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng qua vài buổi học, các cô chú ý thức rất cao, đi rất đều đặn, đúng giờ, chỉ trừ trường hợp bận chuyện gia đình thì mới vắng thôi”- thầy Quang nói.
Học để xây dựng nông thôn mới
Cô Trần Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ, cho biết: Do xuất phát từ yêu cầu thực tế nên địa phương vận động mở lớp học này. Tham gia lớp học khoảng 25 – 30 học viên là nông dân và cán bộ địa phương. Hầu hết người dân hưởng ứng tích cực. “Giáo viên hiện là giảng viên đến từ Trường ĐH Cửu Long, dạy chuyên nghiệp nên tụi tui học rất dễ hiểu”- cô Hà bộc bạch.
Cũng theo cô Hà, học “bập bẹ” dăm ba câu tiếng Anh để khi có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài, phục vụ phát triển kinh tế địa phương.
Được biết, Long Mỹ là một trong 3 xã điểm của huyện Mang Thít được chọn triển khai xây dựng xã nông thôn mới. Trong đó, định hướng phát triển du lịch sinh thái- cộng đồng là một trong những nội dung mà Đảng bộ và nhân dân nơi đây hướng tới. Vì vậy, “việc tạo được môi trường thân thiện trong sinh hoạt, giúp người dân có thể nói chuyện với người nước ngoài để đưa kinh tế, du lịch phát triển là điều cần thiết, vì vậy lớp học tiếng Anh đã ra đời”- cô Hà chia sẻ.
Tương tự, chú Đào Thành Tín, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, nói: Học ngoại ngữ đối với người dân ở một xã vùng sâu như Long Mỹ là một khó khăn lớn. Tuy nhiên, với nhu cầu thực tế thì những lớp học Anh văn cho nông dân “chưa từng biết tiếng Anh” là cần thiết. “Người dân bây giờ cũng có nhu cầu để biết thêm kiến thức, để giao tiếp, đàm thoại thông thường với khách du lịch khi họ tới địa phương nên nghe nói là dân tham gia liền”.
Hay như chia sẻ của Cao Diễm Hương: “Đây là lớp học thiết thực, ý nghĩa. Khi có thể nói tiếng Anh thì em có thể giới thiệu cho bạn bè du khách gần xa đến với quê hương ngày một nhiều hơn”.
Theo Lam Ni – Nguyễn Hoàng
Vĩnh Long Online
Bình luận (0)