Dù đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm nhưng mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong bè ở Tiền Giang bước đầu mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, góp phần đưa kinh tế người dân đi lên, nhất thiết phải có một lộ trình hợp lý.
Mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ rất phù hợp với môi trường nuôi trong bè, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân dọc sông Tiền và sông Hậu. Ở Tiền Giang, đây là loại cá còn khá lạ nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy mà trong kế hoạch thực hiện đề án phát triển ngành thủy sản của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011-2015, Mỹ Tho được chọn làm nơi xây dựng mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ thí điểm trong 2 năm 2011-2012.
Hiệu quả bước đầu
Là một trong những người đầu tiên mang con cá lăng đuôi đỏ về nuôi thí điểm ở thành phố Mỹ Tho, anh Nguyễn Mộng Nguyên ở khu phố Tân Bình, phường Tân Long bước đầu đạt được kết quả. Năm ngoái, với 1 bè cá rộng 4 mét, dài 6 mét, thả nuôi 10.000 con cá lăng đuôi đỏ giống, sau 1 năm nuôi và chăm sóc, anh thu về trên 60 triệu đồng.
Anh Nguyễn Mộng Nguyên bên bè cá lăng nha đuôi đỏ sắp thu hoạch của mình
Anh Nguyên cho biết: “Qua lần đầu nuôi thử nghiệm, thấy cá dễ nuôi, ít bệnh, cho lợi nhuận khá, hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây nên tôi tiếp tục lên TPHCM tìm mua cá giống về thả nuôi lứa thứ 2. Hiện tại, bè cá của tôi đã được 8 tháng tuổi, dự kiến tháng 10 tới sẽ thu hoạch. Với giá bán ổn định tại bè 65.000 – 70.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi, vụ này tôi nắm chắc là lời 70-80 triệu đồng”.
Cũng trong năm ngoái, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Tiền Giang hỗ trợ ông Nguyễn Văn Kiếm, ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho thực hiện mô hình điểm nuôi cá lăng đuôi đỏ. Ông Kiếm cho biết, kết thúc vụ nuôi thí điểm, sau khi trừ đi chi phí mua thức ăn, công chăm sóc ông còn lãi trên dưới 100 triệu đồng.
“Lứa cá vừa đến tuổi thu hoạch đã có thương lái đến hỏi mua rồi. Cá hút hàng, có giá lắm! Mặc dù nuôi cá lăng nha đuôi đỏ thời gian thu hoạch lâu nhưng lợi nhuận cao gấp 2-3 lần nuôi cá điêu hồng, rủi ro lại thấp”- ông Kiếm cho biết thêm.
Cần có lộ trình
Hiệu quả mang lại từ nuôi cá lăng nha đuôi đỏ là khá cao, tuy nhiên, điều các hộ nuôi băn khoăn là nguồn cá giống khan hiếm, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi khá lớn. Anh Nguyễn Mộng Nguyên nói: “Nhìn chung đây là loại cá dễ nuôi, ít bệnh, tuy nhiên, lúc cá còn nhỏ tỷ lệ hao hụt đầu con (tỷ lệ cá chết) lớn lắm”.
Để con cá lăng nha đuôi đỏ phát triển bền vững trong điều kiện có nhiều thuận lợi về môi trường nuôi ở Tiền Giang, vấn đề đặt ra là phải giải quyết được nguồn cung về con giống chất lượng cao, có biện pháp giảm hao hụt trong quá trình nuôi.
Bà Trần Thị Ngọc Ánh, chuyên viên phòng kinh tế thành phố Mỹ Tho cho biết, vì là vật nuôi mới nên các vấn đề về kỹ thuật nuôi, chăm sóc cần có những thông tin qua các cuộc hội thảo, trao đổi hoặc hướng dẫn từ các tài liệu chuyên ngành. Nhất thiết, cần phải có một lộ trình nuôi thử nghiệm, tránh phát triển ồ ạt nhằm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ thua lỗ.
“Sắp tới, Phòng kinh tế thành phố sẽ phối hợp với lãnh đạo xã Thới Sơn và phường Tân Long tổ chức cho bà con đi tham quan những mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ đạt hiệu quả. Qua đó, giúp bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng tại địa phương mình và nhân rộng ra các xã phường khác” – bà Ánh cho biết thêm.
Điều bà Ánh băn khoăn là làm thế nào giải quyết được đầu ra ổn định cho con cá lăng nha đuôi đỏ. Bà Ánh nói: “Một khi mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ phát triển, tức nguồn cung sẽ tăng. Vì vậy, phòng kinh tế đang lên kế hoạch phối hợp với trung tâm khuyến nông- khuyến ngư tìm đâu ra ổn định cho con cá lăng nha đuôi đỏ. Bên cạnh đó, phòng kinh tế cũng liên kết với các cơ quan có liên quan xây dựng cơ sở sản xuất và cung cấp cá lăng nha đuôi đỏ giống, đạt chất lượng cho bà con- một yếu tố quyết định đến thành của mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ”.
Theo Thesaigontimes
Bình luận (0)