Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến người dân trồng chuối mật mốc ở huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) bị mất đi nguồn xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc. Để xuất bán được chuối, bà con cùng thương lái tìm hướng sang thị trường Thái Lan. Tuy việc xuất bán còn cầm chừng nhưng đó là hướng đi đa dạng thị trường để hạn chế thế bị động của người nông dân trước nông sản mình làm ra!
Nông dân Hướng Hóa thu hoạch chuối
Chuối mật mốc giúp bà con thoát nghèo
Tháng 3, nắng ở miền Hướng Hóa khá gay gắt. Khu chợ chuối Tân Long (xã Tân Long) vẫn tấp nập những chuyến xe máy nặng trĩu chuối từ các bản làng đổ về. Những giọt mồ hôi đổ xuống lưng áo bạc màu của người nông dân. Những cuộc giao thương diễn ra khá nhanh chóng giữa người bán và người mua. “Chuối mật mốc ở xứ này cho trái quanh năm nên chợ chuối hiếm khi vắng cảnh mua bán tấp nập như thế này”, chị Nguyễn Thị Điệp – một người dân vừa chở chuối về chợ nói. Chị Điệp cho biết, gia đình chị trồng 5ha chuối mật mốc. Trừ những dịp Tết giá chuối tăng cao thì thông thường giá chuối bán đi cho thương lái xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rơi vào khoảng 5 đến 7 ngàn đồng/kg chuối tươi. Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán 2020, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc và lây lan ở một số nước thì việc xuất khẩu chuối sang thị trường này bị tạm dừng. Giá chuối xuất đi thị trường Thái Lan rơi xuống tầm 3 ngàn đồng/kg.
Đưa ống tay áo bén đầy mủ chuối lên quệt vội những giọt mồ hôi, bà Hồ Thị Thom cho biết: “Nhà tui trồng được khoảng 2.000 cây chuối. Mấy năm nay nhờ chuối trổ buồng trái đều, giá bán ổn định nên không còn lâm vào cảnh thiếu hụt cái ăn buổi giêng hai, mùa giáp hạt. Trước Tết, giá chuối vẫn còn bán được 5 ngàn đồng, thậm chí chuối bán Tết còn được nhiều giá hơn nhưng từ sau Tết đến nay giá chuối chỉ còn 3 ngàn đồng/kg nên mất hẳn nguồn thu nhập đáng kể. Chỉ mong sao dịch bệnh nhanh được chấm dứt để bớt ảnh hưởng đến người nông dân”.
Các thương lái chuyển hướng xuất khẩu chuối sang thị trường Thái Lan khi thị trường Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid-19
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, toàn xã có khoảng gần 1.900ha đất trồng chuối mật mốc. Nhiều năm nay, từ chuối đã mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ thị trường Trung Quốc mua mạnh, việc xuất khẩu thuận lợi, chuối được giá nên đời sống của bà con khấm khá hơn trước.
Tìm hướng xuất khẩu chuối
Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hướng xuất chuối đi sang thị trường Trung Quốc gặp trở ngại. Khoảng hai năm lại đây, người nông dân trồng chuối đã có thêm hướng đi mới là xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Tuy nhiên việc xuất sang thị trường này vẫn còn ít, so với trước đó mỗi ngày xe xuất chuối đi thị trường Trung Quốc chạy vài chục chuyến mỗi ngày thì nay chỉ có trên dưới chục chuyến đi sang Thái Lan. So với các năm trước, thị trường mới này nhập chuối mật mốc tươi cầm chừng thì đầu năm nay họ nhập thường xuyên hơn nên cũng đỡ cho bà con nông dân.
Toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 3.800ha trồng chuối mật mốc. Hàng năm, bà con nông dân thu nhập từ nguồn bán chuối với tổng con số lên đến hàng chục tỷ đồng. Năm 2018, sản phẩm chuối của bà con nông dân đã được cấp nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa. Điều này góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm. |
Cách Tân Long tầm 5 cây số, xã Tân Thành cũng là một trong các xã có vựa chuối khá lớn với tầm trên 600ha. Những ngày qua, bà con nông dân cũng gặp không ít khó khăn khi lượng chuối xuất khẩu bị cầm chừng. Bà Lê Thị Dàn – Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, dịch bệnh đã khiến bà con nông dân bị ảnh hưởng rất nhiều khi không thể bán chuối được vì thị trường Trung Quốc không nhập. Trước mắt thị trường Thái Lan là lựa chọn giúp bà con nông dân xuất bán được phần nào nông sản chuối. Phía chính quyền cũng cân nhắc bà con trong sản xuất, đồng thời vận động các đơn vị kinh doanh trên địa bàn nghiên cứu, xem xét có kế hoạch thu mua giúp bà con. Đề xuất các cơ quan ban ngành liên quan tạo điều kiện để hàng hóa của bà con lưu thông được thuận lợi.
Toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 3.800ha trồng chuối mật mốc. Hàng năm, bà con nông dân thu nhập từ nguồn bán chuối với tổng con số lên đến hàng chục tỷ đồng. Năm 2018, sản phẩm chuối của bà con nông dân đã được cấp nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa. Điều này góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên có một thực tế là việc xuất khẩu chuối của bà con vẫn dựa vào các thương lái, vì vậy việc xuất bán phụ thuộc vào thị trường mua vào. Khi thị trường mua không có nhu cầu hoặc gặp trục trặc thì người dân lại tiếp tục rơi vào thế bị động khác. Trong khi đó, khác với các mặt hàng có thể “giải cứu” như dưa hấu, sầu riêng… được xem như một giải pháp tạm thời trước mắt thì chuối là mặt hàng khó nghĩ đến câu chuyện này. Vì vậy, việc nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho nông sản, đa dạng hóa các nguồn cung là vô cùng cần thiết để người nông dân không còn mãi ở thế bị động do nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)