Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nông nghiệp Hà Nội: Tiến trình cơ giới hóa chậm và rời rạc

Tạp Chí Giáo Dục

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp Hà Nội còn thấp so với bình quân của cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Trình độ cơ giới hóa nông nghiệp chưa mang tính tổng hợp mà còn rời rạc từng khâu, từng đoạn. Ngành trồng trọt mới cơ giới hóa bốn khâu trong sản xuất lúa, ngành chăn nuôi mới cơ giới hóa được năm khâu trong chăn nuôi bò, lợn, gà.

Nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ mùa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Nguyên nhân chủ yếu là nông nghiệp nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, tính hàng hóa thấp, tính năng của máy, thiết bị cơ giới hóa chưa đa dạng, nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, đội ngũ sử dụng máy, thiết bị cơ giới hóa hầu hết chưa được đào tạo hoặc trang bị những kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện gặp khó khăn, trong khi cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp còn chưa được hình thành tại các địa phương.
Ngoài ra, công nghiệp chế tạo máy thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp trong nước chưa được quan tâm đúng mức, chậm phát triển hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, giá thành cao nên mặc dù có nhu cầu nhưng người nông dân không có khả năng đầu tư trong khi mức vay vốn từ quỹ tín dụng lãi suất cao và còn gặp khó khăn.
Để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thành công, Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện để các Hợp tác xã nông nghiệp trở thành nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, Hà Nội sớm hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp nhằm quản lý, sử dụng tốt máy móc, thiết bị cơ giới hóa và nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời Hà Nội không ngừng đầu tư, cải tiến máy, thiết bị cơ giới hóa đảm bảo tính đa năng phù hợp với nhiều đối tượng cây trồng, với cơ cấu luân canh tăng vụ, với đặc điểm đất đai và điều kiện sản xuất đảm bảo chất lượng và giá thành hạ để cạnh tranh với máy, thiết bị cơ giới hóa nước ngoài.
Trong ba năm qua thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10-15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,1-1,2 lần so với lao động thủ công.
Hiện nay, Hà Nội đã đầu tư cơ giới hóa được chín khâu trong hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó bốn khâu cơ giới hóa trong trồng trọt gồm làm đất, gieo cấy, phun thuốc và thu hoạch, còn năm khâu cơ giới hóa trong chăn nuôi như hệ thống làm mát chuồng trại, hệ thống quạt nước, hệ thống ăn bán tự động, làm thức ăn và vắt sữa bò./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)