Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Nóng” nhà xây không phép

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2016, sở này đã kiểm tra 115.000 công trình xây dựng, trong đó có gần 1.400 công trình không phép.

Một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: T.A

“Nóng” nhất là huyện Bình Chánh. Người dân không còn lạ gì những căn nhà bên ngoài che chắn tạm bợ bằng gỗ tạp, tôn mục nát nhưng bên trong đã được xây tường khá khang trang. “Họ dựng nhà tạm trước một thời gian, ở ngoài nhìn vào cứ như cái chòi tạm nhưng bên trong đã chuẩn bị sẵn vật liệu, cứ nửa đêm là cho thợ đến làm. Nhiều nhà chỉ làm chớp nhoáng trong đêm”, ông Nguyễn Hữu Tấn (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) nói.

Ngoài ra Q.12, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn cũng là địa phương có nhiều nhà xây dựng không phép. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để xây được, người dân phải qua “cò”. Đường dây này bị phát hiện xử lý thì đường dây khác xuất hiện. Đáng nói là có “cò” ở địa phương khác đến làm ăn. Một người dân huyện Hóc Môn cho biết: “Muốn không bị đập bỏ, tháo dỡ thì cứ qua cò là êm. Trước đây, tiền cò cao nhưng bây giờ nhiều cò nên giá cũng thấp hơn”.

Tại Nhà Bè, nhà xây không và sai phép tập trung chủ yếu ở các xã Hiệp Phước, Nhơn Đức và Phước Lộc – nơi tiếp giáp với kênh rạch.

Trong năm 2016, P.27 và 28, Q.Bình Thạnh cũng phát hiện nhiều nhà xây không phép. Cũng với hình thức rào chắn xung quanh, thả dây leo um tùm bên ngoài để ngụy trang, sau một thời gian thì tiến hành xây cất bên trong.

Hầu hết các công trình xây dựng trái phép hoặc sai phép là do có vướng trong việc cấp phép xây dựng với đất nông nghiệp, các quy định về tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo Sở TN-MT TP.HCM, tại nhiều địa phương, đất nông nghiệp của người dân nằm trong quy hoạch, không thể chuyển mục đích sử dụng và cấp phép xây dựng. Do nhu cầu bức thiết về nơi ở, người dân làm liều bất chấp quy định.

Bên cạnh đó, theo KTS Ngô Thành Đạt (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) thì nhà không phép tồn tại là do buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Nếu công tác kiểm tra, giám sát tốt thì sẽ phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu, nhưng trên thực tế khi công trình sắp hoặc đã hoàn thiện mới xử phạt và tháo dỡ gây lãng phí thời gian và tiền của.

Về việc xử phạt, ông Nguyễn Hữu Tấn (huyện Bình Chánh) bức xúc: “Có trường hợp nhà xây không phép đang thi công, địa phương đến xử phạt, xong lại xây tiếp. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bị đình chỉ luôn bởi không có tiền chung chi…”. Trước thực trạng này, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP – cho biết, sẽ cùng với các địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý, đặc biệt là kiên quyết trong xử lý và dẹp nạn “cò” xây dựng.

Cũng theo ông Tuấn, số công trình được kiểm tra năm 2016 tăng hơn 30% so với năm 2015 và sẽ tiếp tục tăng vào năm 2017 để kịp thời phát hiện, xử lý từ đầu.

T.Anh

Bình luận (0)