Quá nhiều khâu trung gian khiến người trồng rau phải bán giá bèo trong khi các bà nội trợ phải mua rau giá đắt.
10 giờ sáng. Trời nắng chói chang, trên các cánh đồng rau Vân Trì, Vân Nội, Cổ Dương… (H.Đông Anh, Hà Nội), những người nông dân đang khẩn trương cắt từng ngọn mồng tơi, cành rau ngót… kịp cho buổi chợ đầu giờ chiều.
Từ cánh đồng… – Ảnh: Q.D |
Anh Trần Văn Túc và chị Trần Thị Lập (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương) tay cầm kéo thoăn thoắt cắt mồng tơi trên thửa ruộng. Lưng áo ướt đầm, đưa tay gạt những giọt mồ hôi thi nhau lăn dài trên má, anh Túc nói: “Hai vợ chồng cắt cả buổi cũng chỉ được chừng 20-30 kg rau. Hết phiên chợ, chúng tôi cũng chỉ đem về được trên 100.000 đồng. Cũng chẳng bõ bèn gì”.
Ngoài tiền phí vào chợ, chúng tôi còn phải trả tiền gửi xe, 5.000 đồng/xe máy, 15.000 đồng/xe cải tiến. Cộng các phí này, coi như một gánh rau người nông dân đã mất đứt 2-3 kg, một xe rau mất gần yến rau chứ ít ỏi gì"Chị Hiệp (xã Tiên Dương, H.Đông Anh, Hà Nội) |
Theo chị Lập, phải mất 2 tháng kể từ lúc làm đất, gieo hạt, người nông dân mới có thể hái rau đem bán. Trồng mồng tơi, mỗi tháng chị Lập thu về khoảng 2 triệu đồng, trừ tiền phân tro, thuốc men, xăng dầu bơm nước, chỉ còn lãi chưa đầy 1,5 triệu đồng, coi như lấy công làm lãi. “Mỗi khi gánh rau ra chợ bán thấy xót ruột lắm. Quần quật làm nhưng cũng chỉ thu về vài ngàn đồng/kg rau. Nhiều khi xem ti vi, nghe người ta báo giá rau, giá mồng tơi bán tại các chợ và siêu thị ở Hà Nội mà giật mình. Dân buôn ăn lãi nhiều quá. Thật là bất công”, chị Lập nói.
14 giờ chiều. Nắng nóng như đổ lửa. Nông dân khắp các nơi ở Đông Anh và các địa phương lân cận chở đủ các loại rau đến chợ đầu mối Vân Trì (Vân Nội, Đông Anh) để bán. Đây là nơi các thương lái đến “ăn” hàng rồi đem đi khắp nơi, trong đó đa phần là chợ dân sinh và siêu thị ở nội thành Hà Nội đổ mối.
Tại chợ Vân Đình, mỗi gánh rau, xe máy chở rau người ta thu phí vào chợ với mức đồng hạng 5.000 đồng, xe cải tiến là 20.000 đồng. “Ngoài tiền phí vào chợ, chúng tôi còn phải trả tiền gửi xe, 5.000 đồng/xe máy, 15.000 đồng/xe cải tiến. Cộng các phí này, coi như một gánh rau người nông dân đã mất đứt 2-3 kg, một xe rau mất gần yến rau chứ ít ỏi gì”, chị Hiệp (xã Tiên Dương) than vãn.
Tại chợ Vân Đình, 1 kg rau mồng tơi mà chị Lập và những người nông dân tốn bao công sức làm ra được bán với giá 4.000 đồng. Rau muống, rau ngót cũng chỉ bán với mức giá này. Cải xôi được giá hơn, 12.000 đồng/kg, cải ngọt 8.000 đồng/kg.
4 giờ sáng. Tại chợ đầu mối nông sản bên hông cầu vượt Ngã Tư Sở, kẻ bán người mua tấp nập bên các sạp rau, xe rau đủ loại. Tôi tấp xe vào một quầy chuyên bán rau mồng tơi, anh thanh niên bán hàng đon đả: “2 ngàn 1 mớ. Mua đi anh ơi”. Tôi nói muốn mua theo cân, người bán hàng cầm 3 mớ rau đặt lên bàn cân để cạnh đó, kim đồng hồ chỉ 1 kg. Như vậy, 1 kg rau mồng tơi, sau khi qua 1 đầu mối trung gian đã tăng lên gấp rưỡi. Tương tự, rau muống người ta bán với giá 5.000 đồng/bó, 3 bó tương đương 2 kg, đủ biết người đi buôn lãi lớn như thế nào. Điều đáng nói, rau từ các chợ đầu mối Ngã Tư Sở, Dịch Vọng… lại qua tay các tiểu thương tiếp tục "chảy" vào các chợ dân sinh, các sạp rau ở khắp ngõ ngách Hà thành.
6 giờ sáng. Tại chợ Phùng Khoang (H.Từ Liêm), các xe rau đầy ắp bắt đầu “đổ bộ”. Những chủ sạp rau tại chợ được “tiếp hàng” và giá rau lại được đẩy lên một “tầm cao mới”: rau muống 3.500 đồng/bó (tương đương 7.000 đồng/kg), mồng tơi 8.000 đồng/kg, rau ngót 8.000 đồng/kg. Tính ra, giá rau ngót và rau mồng tơi từ ruộng tới chợ dân sinh này đã tăng gấp đôi. Nhưng đây chưa phải là giá cuối cùng mà người tiêu dùng được mua. Chị Thái, quê Thanh Hóa, người có thâm niên 6-7 năm bán rau tại chợ Phùng Khoang cho biết: “Sau khi mua rau từ các đại lý, chúng tôi bán cho người tiêu dùng cao hơn khoảng 2.000 -3.000 đồng/kg, thậm chí là 4.000 đồng/kg. Chẳng hạn, mồng tơi bán ra 11.000 đồng/kg, rau ngót cũng 11.000 đồng/kg”. Chị Thái tiết lộ, chỉ với sạp rau nhỏ trong chợ, mỗi ngày chị thu lãi từ 250.000 – 400.000 đồng, tùy từng phiên chợ. Tính ra, mỗi tháng, chị Thái có được trên dưới 10 triệu đồng từ công việc bán rau. Một mức thu nhập “khủng” cho người bán rau “tại ngọn”.
Bùi Trần (TNO)
Bình luận (0)