VN đang xuất siêu sang Mỹ với con số khá ấn tượng: 35 tỉ USD trong năm 2018 và 4 tỉ USD chỉ trong tháng đầu năm nay. Nhiều dự báo cho thấy, cơ hội hàng hóa VN vào Mỹ tiếp tục gia tăng.
Sơ chế thanh long xuất sang Mỹ. ẢNH: CHÍ NHÂN
Năm 2018, VN xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 3,5 tỉ USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhưng Mỹ là một trong những thị trường có tốc độ tăng ấn tượng nhất – khoảng 35% so với năm 2017. Bước sang đầu năm 2019 (ngày 18.2), tin vui lại đến với ngành nông nghiệp VN khi Mỹ vừa cấp phép nhập khẩu trái xoài tươi.
Tăng 30% năm nay
|
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi hàng đầu VN sang Mỹ, cho biết đây là tin rất vui với bà con nông dân và doanh nghiệp (DN) VN sau gần 10 năm đàm phán. Hiện tại công ty đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng như chờ cấp mã vùng trồng là có thể đưa hàng sang Mỹ. Dự kiến những lô hàng đầu tiên sẽ đến Mỹ vào cuối tháng 3 với số lượng khoảng 10 tấn/tuần và cố gắng duy trì đều đặn hết mùa.
Trung bình mỗi năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Các quan chức ngành nông nghiệp Mỹ trong các chuyến thăm VN trước đây đều hết lời khen ngợi về chất lượng xoài VN. “Sẽ có một buổi lễ chính thức công bố sản phẩm xoài tươi VN trên đất Mỹ trong thời gian tới”, ông Tùng thông tin. Ngoài xoài, những loại quả dừa tươi, thanh long, vú sữa, nhãn… của VN cũng đã được nhập vào Mỹ từ mấy năm qua. Kim ngạch xuất khẩu các loại quả này tăng đều và nhiều sản phẩm đang cạnh tranh tốt với hàng hóa cùng loại của một số nước khác trong khu vực như Thái Lan. “Sau Tết Nguyên đán đến nay, mỗi tuần chúng tôi xuất trên 100 tấn trái cây tươi các loại sang Mỹ”, ông Tùng thông tin và dự báo, xuất khẩu trái cây sang Mỹ trong năm nay có thể tăng trưởng trên 30% so với năm 2018 nhờ xuất khẩu thêm xoài. Hiệu ứng tốt sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội cũng sẽ góp phần không nhỏ khi thế giới biết đến VN nhiều hơn.
Không chỉ trái cây, nước ép trái cây của VN mang thương hiệu We Love của Lavifood vừa được chọn là thức uống phục vụ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều. Đại diện của Lavifood cho biết, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực và thế giới như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Mỹ, Algeria… “Sản phẩm của công ty là nước ép từ trái cây của nông dân trồng, được kiểm tra chặt chẽ trong suốt quá trình canh tác, quá trình sản xuất không thêm đường, không chất bảo quản và không màu nhân tạo, được sản xuất bằng công nghệ hiện đại và đã vượt qua khâu kiểm định nghiêm ngặt, được nhiều thị trường khó tính đón nhận”, đại diện Lavifood cho hay.
Cơ hội “vàng” cho DN Việt
Ngoài những sản phẩm nông thủy sản, xuất khẩu từ hàng hóa gia công ở VN sang Mỹ cũng đang tăng ngoạn mục. Trong tháng đầu năm nay, có đến 8 nhóm hàng xuất khẩu VN sang Mỹ đạt trị giá kim ngạch trên 100 triệu USD. Trong đó, nổi trội nhất là hàng dệt may (1,6 tỉ USD, tăng hơn 34% so cùng kỳ), giày dép (620 triệu USD, tăng 100 triệu USD), điện thoại (473 triệu USD, tăng 121%), gỗ và các sản phẩm từ gỗ, linh kiện điện tử… Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao gấp 4,7 lần so với tốc độ bình quân xuất khẩu của cả nước trong tháng đầu năm.
Thông tin từ Thương vụ VN tại Mỹ, cơ quan này cũng đã làm việc với Tập đoàn Rhee Brothers – một trong những chuỗi phân phối thực phẩm châu Á lớn nhất tại Mỹ, để mở rộng đơn hàng từ VN. Chuyên gia tư vấn chiến lược, ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC (Canada), phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng đây là cơ hội vàng cho các DN Việt trong quảng bá sản phẩm của mình đến Mỹ.
Ông phân tích: Người Mỹ không còn xa lạ với hàng hóa từ vùng nhiệt đới, trong đó có VN. Tuy nhiên, với hàng nông sản châu Á, rất nhiều hàng hóa từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đang chiếm lĩnh thị trường này. Nay ảnh hưởng từ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh, chắc chắn hàng hóa từ VN chiếm được cảm tình sâu sắc với người Mỹ hơn. Rất nhiều cửa để DN tìm đến với mục đích mở rộng thị trường, đưa hàng sang Mỹ và các thị trường liên quan. DN cần nhanh nhạy hơn, tháo vát hơn và quan trọng là chú trọng chất lượng sản phẩm đều hơn để giữ uy tín. Người Mỹ không cần hàng giá rẻ, cần giá cả hợp lý và quan trọng nhất là chất lượng tốt, ổn định.
Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)