Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nông sản Việt trước nỗi lo “xuất ngoại”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt mặt hàng nông sản Việt Nam đang đứng trước nỗi lo về rào cản kỹ thuật khi “xuất ngoại” và đặc biệt là không đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại khi tham gia hội nhập kinh tế, thuế suất nhập khẩu trở về bằng 0%. Đó là những vấn đề rất quan trọng được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nêu ra tại cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương về những giải pháp cấp bách để thúc đẩy tính cạnh tranh của nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới được tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội.
Nông sản xuất khẩu tụt giảm mạnh
Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 tháng đầu năm nay, kết quả xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta đã giảm rõ rệt, trong khi đó lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt đang được báo động. Trong quý 1, tổng kim ngạch chỉ ước đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều nông sản chủ lực giảm mạnh như thủy sản, gỗ, gạo, cà phê…
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong 3 tháng đầu năm đã giảm tới 23% – mức giảm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, tôm là mặt hàng chủ lực (chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản) giảm mạnh nhất với 30%, cá tra giảm 18%.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu được 2 triệu tấn gạo, đã giao 720.000 tấn nhưng so với năm ngoái thì giảm khoảng 30% cả về lượng và giá trị.
Cần nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhiều năm trước trong khủng hoảng kinh tế, ngành nông nghiệp vẫn tự hào là hậu phương vững chắc của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia về nông nghiệp đều cho rằng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp nước ta đã tới ngưỡng và nhiều sản phẩm không thể tăng thêm về giá trị cũng như năng suất. Song theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công thương), nỗi lo lớn nhất hiện nay là việc mở cửa thị trường nông sản nhập khẩu, giảm thuế, bỏ thuế khi đàm phán và hội nhập kinh tế và buộc chúng ta phải tuân thủ các quy định chung về thuế suất.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng: “Xu thế chung từ nay tới năm 2018 đối với khu vực các nước ASEAN là đưa thuế suất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp về bằng 0%, tức là không có thuế, chỉ còn số rất ít sản phẩm áp thuế nhưng cũng không cao”. Theo đó, hàng hóa nông sản có thể dễ dàng nhập khẩu từ nước này sang nước khác. Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là làm thế nào để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Bởi nếu chúng ta không tính tới các bài toán cạnh tranh thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ nông sản của các nước.
Trước đây, chúng ta có thể bảo hộ sản xuất trong nước bằng thuế nhập khẩu. Nhưng khi bỏ thuế nhập khẩu, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất để bảo hộ đó là thực hiện các biện pháp về kỹ thuật gồm kiểm dịch và áp dụng các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. “Tuy nhiên, chúng ta không thể làm tùy tiện theo cách riêng của mình mà phải tuân thủ đúng các thông lệ, quy định và tiêu chuẩn quốc tế và có căn cứ khoa học. Nhưng siết chặt bằng hàng rào kỹ thuật không phải là “cây gậy thần” để bảo hộ mà muốn bán được hàng thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói và khẳng định, đây là giải pháp sống còn trước xu thế hội nhập.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang có những lợi thế về các mặt hàng lúa gạo, thủy sản, tiêu, điều… nhưng rất yếu thế về các sản phẩm chăn nuôi và trái cây cùng nhiều loại nông sản khác. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong tuần tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc họp với Bộ NN-PTNT để triển khai các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất khẩu nông sản.
Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT triển khai ngay các giải pháp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đối với những mặt hàng xuất khẩu hiện còn vướng mắc về thủ tục để giữ vững và chinh phục thị trường xuất khẩu. Trước ngày 30-6, toàn bộ mã HS của lĩnh vực nông nghiệp sẽ được công bố, tổ chức liên thông với hải quan điện tử quốc gia và cắt giảm 50% các thủ tục kiểm dịch thú y, bảo vệ thực vật, quản lý an toàn thực phẩm so với hiện nay.

PHÚC HẬU

(SGGP)

Bình luận (0)