Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) của Thành ủy TPHCM về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Võ Văn Thưởng cho biết, lễ 30-4-2015, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam sẽ là cột mốc đầy ý nghĩa khi TPHCM hoàn thành việc xây dựng NTM.
Về đích sớm
Tiếp theo việc TP sơ kết xây dựng NTM, tuần qua, 14 đơn vị (các quận, đảng ủy các tổng công ty, khối dân chính đảng…) cùng ký kết hỗ trợ huyện Bình Chánh chung sức xây dựng NTM với tổng số tiền hơn 16,5 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2014, các nơi sẽ xây dựng hoặc sửa chữa hơn 600 căn nhà tạm, nhà dột nát của người nghèo ở 14 xã; bên cạnh đó hỗ trợ học bổng, tặng bảo hiểm y tế, vốn sản xuất cho hộ nghèo, kể cả việc nâng cấp đường giao thông nông thôn.
Nuôi bò sữa chất lượng cao xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG
Dù là huyện có khởi điểm thấp, nhưng ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM cho biết, phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2014 đạt 15 – 17 tiêu chí, và trong năm 2015 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trước đó, 4 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ cũng đã được các quận và đảng ủy trên cơ sở cùng hỗ trợ vật lực cho việc xây dựng NTM. Trong số 56 xã của 5 huyện ngoại thành TP, có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí, 22 xã đạt 14 – 18 tiêu chí… TP đặt mục tiêu đạt bình quân 17 – 18 tiêu chí cuối năm 2014.
Qua kết quả thực hiện tại các xã điểm về sản xuất nông nghiệp (NN), bước đầu đã đúc kết một số mô hình hiệu quả cao theo hướng NN đô thị như bò sữa, rau an toàn, hoa lan – cây kiểng, cá cảnh… Giá trị thực tế 1ha đất canh tác năm 2013 lên 282 triệu đồng; giá trị gia tăng ngành NN năm 2013 đạt 5,6%, giá trị sản xuất NN tăng 6,1%. Cả 3 chỉ số trên TPHCM đều tăng gần 2 lần trở lên so với bình quân cả nước.
Việc tham gia tích cực của các đoàn thể, doanh nghiệp (DN) trong phát triển sản xuất là nhân tố góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, ngành nghề phi NN, góp phần giải quyết lao động nông thôn. Trong số 2.266 căn nhà tạm, dột nát ở ngoại thành, các quận, đảng ủy cấp trên cơ sở và DN ký kết hỗ trợ xây dựng 2.137 căn. TP cũng đã xác định và phát huy tốt vai trò chủ thể là người dân tại chỗ, cũng là người thụ hưởng trong quá trình xây dựng NTM.
Có thể nói, việc huy động các nguồn lực tổng hợp của cả TP cùng “chung sức” xây dựng NTM, thể hiện sự vượt trước và về đích sớm của TPHCM đối với mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM – một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước mà các tỉnh thành đã và đang gắng sức thực hiện.
Sự hài lòng của người dân mới quan trọng
Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động và khai thác nguồn lực từ nhiều phía, kể cả nội thành; vai trò gương mẫu của đảng viên tại chỗ, phát huy dân chủ cơ sở, làm tốt việc giám sát và nhất là biết phát huy vai trò chủ thể, đã trở thành những yếu tố quan trọng tạo nên bước chuyển đáng kể trong việc xây dựng NTM.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, kiêm Phó Ban Thường trực BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Trần Thanh Nam cho rằng, những yếu tố trên đưa TPHCM trở thành địa phương đi đầu về xây dựng NTM cả nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc rút ngắn thời gian vào cuối tháng 4-2015 đòi hỏi sự tập trung, dồn sức cao độ, cũng như sự quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn để các địa phương có thể an tâm thực hiện. Việc vướng cơ chế, quy định trong các bước thực hiện khi có sự điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế là những hạn chế khó rút ngắn thời gian, dễ làm công trình chậm hoàn thành. Tuy nhiên, cũng cần xác định, đó mới là cột mốc đánh dấu sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn ngoại thành, việc xây dựng NTM không vì vậy mà dừng lại, bởi đó là một tiến trình liên tục. Bởi, việc nâng chất các tiêu chí luôn phải đặt ra và phấn đấu.
Vì vậy, sự ổn định trong sản xuất trên nền kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn chỉnh, sự bền vững và nâng dần thu nhập người sản xuất, vấn đề an ninh trật tự, nâng cao đời sống văn hóa người dân nông thôn… là những điều vẫn phải tiếp tục. Hơn nữa, có những tiêu chí chưa thật sự bền vững như việc dạy nghề lao động nông thôn, chưa đảm bảo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động ngoại thành. Việc liên kết nông dân và sự phát triển kinh tế hợp tác vẫn còn nhiều điều phải làm.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong NN chưa đồng đều, còn chậm trong chuyển giao và ứng dụng công nghệ cho nông dân… Đó là những điều cần được khắc phục. Xét cho cùng, việc xây dựng NTM không chỉ là sự công nhận danh hiệu mà phải dựa vào chỉ số hài lòng của người dân tại chỗ.
CÔNG PHIÊN
(SGGP)
Bình luận (0)