Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nông thôn Nam bộ trong tiểu thuyết Đoàn Giỏi: Thấu hiểu nỗi khổ nghèo của người dân Nam bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả (trái) bên phần mộ của nhà văn Đoàn Giỏi. Ảnh: T.V

Nam bộ, một vùng đất mới khai phá, được thiên nhiên hết sức ưu đãi, quanh năm mưa thuận gió hòa, ít bị hạn hán lũ lụt. Thế nhưng, đây cũng là vùng đất còn rất hoang sơ và đầy bí ẩn. Ở đó con người luôn phải đối mặt với bao khó khăn nguy hiểm trong bước đường chinh phục thiên nhiên, khai phá đất đai…
Cảm quan về cái khổ, cái nghèo đã chi phối đến cái nhìn của Đoàn Giỏi về cảnh vật ở nông thôn Nam bộ. Tác giả không giấu nổi sự tiêu điều xơ xác của ruộng vườn nhà cửa: Đốn cây bẻ lá che một cái chòi trống trơn, có cửa nẻo gì đâu (Cá bống mú). Và không ai có thể ngờ rằng trên mảnh đất phì nhiêu lắm tôm nhiều cá ấy lại có những cảnh tượng của chết chóc, ly tán vì nghèo đói: Vợ chồng cũng có sinh hạ được mấy người con nhưng vì nghèo đói, sài đẹn, không thang thuốc chết lần hồi cả” (Cá bống mú).
Cái khổ của người nông dân Nam bộ không chỉ bởi đói nghèo, bệnh tật mà còn bởi thiên nhiên khắc nghiệt của miền đất mới. Thiên nhiên nơi đây hoang sơ nguyên thủy có nhiều thú dữ đe dọa cuộc sống con người. Con người phải đối mặt với: Cọp hùm nhan nhản, tiếng vượn hú nỉ non, tiếng lợn rừng nhai vọp… (Cá bống mú).
Trong tác phẩm Hoa hướng dương, người đọc cảm thấy rùng rợn trước thảm cảnh Sáu Què bị: Muỗi bâu đen kín khắp người không còn hở một chỗ da mẹ đẻ và chỉ sau một giờ anh ta đã trở thành cái xác không hồn. Hay hình ảnh: Muỗi vu vu từ bờ bay ra đuổi theo xuồng như những đám mây nhỏ (Đất rừng phương Nam). Đó còn là cảm giác nhầy nhụa đầy máu trên đôi bàn tay của An khi cậu bé chạy đến vuốt muỗi trên người thằng Cò. Những thảm họa đến từ thiên nhiên luôn rình rập, bất cứ một phút lơ là có thể cướp đi mạng sống của con người và con người trở nên thật nhỏ bé trước thiên nhiên.
Thiên nhiên khắc nghiệt là vậy nhưng con người vẫn phải sống, phải kiên cường, nghị lực để chinh phục thiên nhiên, đối đầu với thú dữ vẫn biết rằng: Mỗi miếng ruộng khai hoang đổi mấy mạng người (Cá bống mú).
Nói đến nông thôn Nam bộ, chúng ta không khỏi đau đớn cho thân phận người dân nghèo, thấp cổ bé họng, chất phác thật thà chỉ quen làm mà còn thiếu nhiều hiểu biết về luật lệ cũng như quyền lợi của chính mình. Mâu thuẫn giữa nông dân và bọn địa chủ phong kiến là mâu thuẫn chủ yếu trong đời sống xã hội nông thôn Nam bộ lúc bấy giờ.
Đại diện tiêu biểu nhất cho bọn địa chủ ác bá là tên Hương quản Hùng trong tiểu thuyết Cá bống mú. Hắn đã cướp trắng ba công ruộng, lúa chín trĩu bông của gia đình anh Bảy Phát chỉ bằng việc: Soạn tấm bản đồ trải lên bàn… Cuối xóm Kèo Nèo đổ về xóm Lươn ba cây số là đất của tao đây mày thấy chưa? Người dân như gia đình Bảy Phát bỏ bao công khai hoang bất chấp nắng mưa, sớm tối, cả sự nguy hiểm đến tính mạng, đến ngày thu hoạch thì tất cả biến vào tay địa chủ. Người nông dân trở thành những kẻ trắng tay, phải đi làm thuê và cả đời mắc nợ địa chủ.
Đằng sau cảm thức về cuộc sống, người đọc bắt gặp cảm thức về con người có nét mới, sâu sắc của nhà văn Đoàn Giỏi. Đó là “duyên văn” và “duyên đất” mà tác giả đã không ngừng bồi đắp để mỗi tác phẩm là một thông điệp về cuộc sống ân tình, thủy chung, đầy gian truân mà cũng đầy tự hào.
Những tên địa chủ không chỉ tham lam mà còn gian xảo tinh ma, dâm dê và ham quyền cố vị. Hương quản Hùng lợi dụng sự thật thà kém hiểu biết của gia đình Bảy Phát để chiếm đoạt đất đai của cải, hắn lợi dụng chức quyền để đánh đập người dân. Lừa một em bé để đánh đổi gói thuốc giết chết thím Bảy. Một bà Hương quản luôn tỏ ra khinh miệt người nghèo, mở miệng là chửi mắng: Quân hôi như chồn, sao lại có thứ người như vậy (Cá bống mú). Một Hương cả Phách, luôn mồm khạc đờm nhổ toẹt một bãi giữa nhà (Cá bống mú). Trong bất cứ lời nói, hành động nào của bọn địa chủ cũng đều thể hiện sự khinh bỉ xem thường người nghèo. Chính những tên quan phụ mẫu đã đẩy người dân đến bước đường cùng phải bỏ xứ mà đi.
Với ưu thế của tiểu thuyết, một thể loại có khả năng đưa vào tác phẩm những mảng hiện thực nóng hổi chất sống, Đoàn Giỏi đã mạnh dạn sử dụng nhiều chi tiết cụ thể làm nổi bật tính cách xấu xa của bọn địa chủ với những dục vọng thấp hèn, những ham muốn bẩn thỉu mà chúng bất chấp đạo lý để đạt được. Hương cả Hùng thấy thím Bảy có nốt ruồi đỏ ở cổ, hắn đã tìm mọi cách dụ dỗ mua chuộc và có những hành động sàm sỡ. Hắn muốn lấy được thím Bảy chẳng bởi yêu thương mà vì: Thầy Châu Giang coi tướng số… Dẫu được nó thì ông mày giàu lên vạn bội (Cá bống mú). Tên địa chủ Khá (Đất rừng phương Nam) ham mê sắc đẹp của chị Hai mà ép chia lìa tình yêu đôi lứa, tìm cách giết hại người yêu của thiếu nữ xinh đẹp. Dụ dỗ chị không được thì đánh đập dã man, nhốt người vô lý bắt làm theo ý mình. Vì ai anh nông dân hiền lành chất phác như Võ Tòng phải vào tù. Gia đình tan nát, con chết, vợ vào tay kẻ thù…
Nét văn hóa ẩm thực đi vào văn Đoàn Giỏi
Một điều không thể thiếu khi nói đến nông thôn Nam bộ đó là nét văn hóa ẩm thực nơi đây. Nam bộ vốn được thiên nhiên ưu đãi nhiều mặt, cá tôm đầy đồng. Một vùng đất giàu có: Cá hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch (Đất rừng phương Nam). Tôm cá thì đủ thứ, thiếu gì! Tôm càng xanh bằng cườm tay, tép xà búi bằng ngón chân cái, tép bạc lưới về, đổ đống như đống lúa cả trăm giạ (Cây đước Cà Mau). Tôm cá nhiều không ăn xuể lại không thể bán, người dân nghĩ ra cách làm mắm và phơi khô cá ăn dần. Nhà nào cũng có mắm, có khô cá dự trữ quanh năm. Trong các tác phẩm của Đoàn Giỏi, nét văn hóa ấy được hiện diện rất nhiều. Điều đó làm phong phú sinh động hơn cho bức tranh nông thôn Nam bộ. Trong bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây dường như lúc nào cũng có sự hiện diện của món mắm. Mắm dùng để chấm rau luộc, thịt luộc, tôm nướng, ăn rau sống bánh tráng. Khi đi làm đồng, đi rừng xa, hay có việc đi xa, lương thực mang theo dọc đường cũng là nắm cơm vắt và mắm sống… Viết về nông thôn Nam bộ những năm giữa thế kỷ XX, Đoàn Giỏi đã cho người đọc cả nước hiểu thêm một nét văn hóa vùng miền độc đáo đặc sắc. Đồng thời ông cũng phản ánh được bức tranh hiện thực của xã hội nông thôn Nam bộ lúc bấy giờ.
Lê Thị Vân
 LTS: Nhân kỷ niệm 23 năm ngày mất của nhà văn Đoàn Giỏi (2-4-1989/2-4-2012), Báo Giáo Dục TP.HCM đăng bài viết này như một lời tri ân gửi đến ông. Mong rằng ông sẽ mỉm cười khi biết rằng thế hệ hậu sinh vẫn luôn yêu mến, hâm mộ những “đứa con tinh thần” của ông để lại cho đời.
 
 

Bình luận (0)