Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Nóng” với dịch tay chân miệng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Do quá tải nên trẻ nhập viện phải nằm chung trên một giường. Ảnh chụp tại BV Nhi đồng 1 sáng 4-4

Hơn một tuần nay, các bệnh viện (BV) nhi ở TP.HCM đang “nóng” với dịch bệnh tay chân miệng (TCM). Trung bình mỗi ngày, chỉ riêng BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận khoảng 180-190 trẻ mắc bệnh TCM đến khám và điều trị. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Y tế, trung bình mỗi tuần cả nước có khoảng 1.000 trường hợp mắc bệnh TCM mới, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam…
Khốn đốn vì bệnh TCM
Chiều 2-4, chỉ còn khoảng một tiếng nữa là hết giờ hành chính, vậy mà vợ chồng chị Mai (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa gom đủ 7 triệu đồng để đóng viện phí cho đứa con hơn 2 tuổi đang nằm điều trị tại Phòng Cấp cứu Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2. Chị Mai kể: “Sáng 31-3, con tôi chạy sang tiệm tạp hóa kế bên nhà mua kẹo. Cả ngày hôm đó, bé vẫn chơi đùa, ăn uống bình thường. Đến chập tối, thì người bé có hơi nóng. Nửa đêm, bé bắt đầu co giật, người nóng ran. Lúc đó, má chồng tôi kêu phải đưa bé đi viện ngay nhưng hai vợ chồng tôi cứ chần chừ, mãi đến sáng mới đi. Tại BV Nhi đồng 2, khám xong là BS yêu cầu nhập viện ngay. Nằm ở Khoa Nhiễm (phòng bình thường – PV) được 1 ngày 1 đêm thì bệnh trở nặng nên sáng 2-4 phải chuyển vào Phòng Cấp cứu…”.
Chiều 3-4, có mặt tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, chúng tôi ghi nhận có khoảng 70 bệnh nhi đang nằm điều trị, trong đó có 3 bé nặng (độ 3) phải nằm trong Phòng Cấp cứu.
Tại phòng 110, chị Thùy Dương (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) – mẹ của bệnh nhi Lê Trọng Hiếu, 2 tuổi, nhập viện ngày 2-4, kể lại: “Bé mới đi học được khoảng 1 tháng, lúc đó cô giáo cho biết trong trường có trẻ mắc bệnh TCM. Chiều ngày 29-3, đón bé ở trường về tôi đã thấy có dấu hiệu bệnh. Tối, bé bắt đầu sốt cao. Ngày hôm sau gia đình cho đi viện (BV tỉnh Vĩnh Long). Nằm ở đây 3 ngày mà không thấy con hạ sốt. Đã vậy, miệng còn mọc mụn, đau không ăn được, bé khóc suốt. Lúc đó, BS nói đưa vào Phòng Cấp cứu nhưng gia đình thấy không an tâm nên tự chuyển con lên BV Nhi đồng 1, TP.HCM…”.
Đối diện giường của bệnh nhi Lê Trọng Hiếu là bệnh nhi Nguyễn Quốc Thịnh (17 tháng tuổi). Theo mẹ bé – chị Phạm Thị Phượng (Đồng Nai) thì, tối 1-4, bé hay giật mình trong lúc ngủ, trước đó có sốt nên ngày 2-4 gia đình vội đưa lên BV Nhi đồng 1, TP.HCM.
Cũng tâm lý chạy lên Sài Gòn chữa cho mau khỏi như chị Phượng, sáng 3-4, vợ chồng chị Hạnh đã đem con là Nguyễn Trung Hiếu (29 tháng tuổi) từ Đồng Nai chạy thẳng vào BV Nhi đồng 1. Khám xong, bé Hiếu phải nhập viện luôn…
Bệnh kêu ai nấy dạ

Bệnh nhi Nguyễn Trung Hiếu (nhập viện ngày 3-4) đang được BS khám bệnh.

Chị Kim Ngọc (Q.Bình Tân, TP.HCM), mẹ của bệnh nhi Nguyễn Thủy Tiên hơn 4 tháng tuổi đang điều trị tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 lấy làm khó hiểu: “Con tôi ở trong nhà cả ngày vậy mà cũng mắc bệnh?”.
Đây cũng là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh thắc mắc. Về vấn đề này, ThS.BS Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 giải thích: “Cho tới hiện nay, chúng ta vẫn biết bệnh TCM lây trực tiếp hay gián tiếp từ những chất tiết đường tiêu hóa, dịch tiết bóng nước. Nhà trẻ là môi trường lây nhiễm, tuy nhiên qua thống kê chúng tôi nhận thấy số trẻ không đi học vẫn mắc bệnh với tỉ lệ khá lớn. Nguồn lây có thể từ những người lớn, người chăm sóc trẻ mang mầm bệnh, từ khu vui chơi bị nhiễm mầm bệnh không được làm vệ sinh chu đáo…”.
Cũng theo BS. Việt thì, trẻ đã mắc bệnh TCM vào năm ngoái, năm nay vẫn có thể mắc bệnh lại. Và đây đang là cao điểm của dịch bệnh TCM.
BS. Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết trẻ em rất dễ bị bệnh TCM, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi do sức đề kháng của các bé còn rất yếu. “Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện như xuất hiện hồng ban hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối; loét miệng làm cho trẻ không chịu ăn, không chịu bú, chảy nước miếng liên tục phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đi khám BS”, BS. Khanh khuyến cáo.
Bài, ảnh: Hòa Triều
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa xác nhận, có một ổ dịch TCM vừa xuất hiện ở Trường Mầm non Hoa Lan thuộc xã An Phú Tây, Bình Chánh, TP.HCM khiến 10 trẻ phải nhập viện. Trong số 10 ca mắc có 2 ca phải đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị, còn lại được điều trị ngoại trú. Được biết, trường học này có 388 học sinh với 9 lớp học. 3 lớp có ca bệnh gồm lớp Mầm, Nhà trẻ và lớp Chồi đã được đóng cửa.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)