Sự kiện giáo dụcTin tức

“Nóng” với sốt xuất huyết và tay chân miệng

Tạp Chí Giáo Dục

Các bệnh nhi mắc TCM đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Dù Sở Y tế TP.HCM đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) trên địa bàn 24 quận, huyện nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Tính đến thời điểm này, toàn TP đã có trên 22 ngàn ca TCM và SXH, trong đó có 40 ca đã tử vong…
Giám đốc Sở Y tế TP Phạm Việt Thanh dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh sẽ diễn tiến phức tạp hơn nếu không kiểm soát được…
Trên 500 ca bệnh/tuần
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 9-11, toàn thành phố có 11.276 trường hợp mắc bệnh TCM. Tổng số ca tử vong là 30 ca, trong đó Q.8 và Q.Bình Tân có số ca tử vong nhiều nhất: 4 ca/quận.
Ông Thanh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Bệnh TCM bắt đầu tăng từ tuần 12 (21 đến 26-3-2011) và tăng liên tục, cao nhất ở tuần 23 với 525 ca mắc. Sau đó, số ca mắc giao động từ 400-500 ca/tuần. Bệnh bắt đầu giảm ở tuần 30 với số ca mắc từ 300-350 ca/tuần, đặc biệt tuần 36 có số ca mắc ít nhất 262 ca. Từ tuần 42, số ca mắc bắt đầu tăng trở lại với 385 ca. Hiện tại, số ca mắc đã giảm đáng kể, tuần 45 (từ 3 đến 9-11) có 238 ca, thấp nhất trong sáu tháng qua”…
Mặc dù số ca mắc trên địa bàn TP đang giảm nhưng ở một số địa bàn như Q.8, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú và Thủ Đức thì vẫn còn cao. Riêng Q.11, ở tuần 43 có 30 ca, tuần 44 giảm xuống còn 13 ca và tuần 45 chỉ còn 8 ca. Hiện nay, ổ dịch trong các trường mầm non trên địa bàn quận đã kiểm soát được. Tuy vậy vẫn còn hai trường mầm non là Trường Mầm non Quận và Trường Mầm non 15 đang được trung tâm y tế địa phương theo dõi.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay số bệnh nhân TCM từ các tỉnh thành khác đưa về TP.HCM điều trị cũng lên tới 12.698 trường hợp, trong đó có 50 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh SXH cũng đang gia tăng, đặc biệt là tại Q.4, 8, 9, 10, 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức và H.Bình Chánh. Từ đầu năm đến nay, tổng số ca SXH là 10.550, trong đó có 10 ca tử vong (Q.Gò Vấp, Q.4 và Q.9 đều có 2 ca; Q.1, 12, Tân Bình và Thủ Đức – mỗi quận có 1 ca). Số ca SXH trong tuần 44 là 261 ca, tuần 45 tăng lên 294 ca. Qua biểu đồ SXH theo tuần năm 2009, 2010 cho thấy đây đang là thời điểm SXH giảm nhưng năm 2011 không những không giảm mà còn tăng.
Như vậy là chỉ trong một tuần (từ ngày 3 đến 9-11) trên địa bàn TP đã có 532 trường hợp mắc TCM và SXH.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp
Ngày 2-11, Khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bệnh nhi Ph.H.A.Th. (nữ) 7 tuổi – đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn Q.Gò Vấp. Trước đó, Th. sốt cao liên tục 4 ngày đến ngày thứ 5 thì đau bụng, ói ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Theo đó gia đình vội vã cho Th. nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây bệnh nhi được chẩn đoán là sốc SXH ngày 5. Tình trạng của bệnh nhi ngày càng diễn tiến xấu, biểu hiện sốc kéo dài, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều. Sau hơn một tuần được các bác sĩ tích cực điều trị, bệnh nhi mới thoát khỏi bàn tay tử thần. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo nếu thấy trẻ sốt cao trên hai ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống thì cần phải đưa ngay vào bệnh viện…
Bệnh nhi Ph.H.A.Th. chỉ là 1 trong 300 bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn TP kể từ đầu tháng 11 đến nay.
“Các đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP đã đi giám sát công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại 24 quận, huyện. Qua đó cho thấy, một số khu vực nguy cơ, điểm nguy cơ (ổ lăng quăng) chưa được xử lý kịp thời và triệt để. Vật chứa nước có lăng quăng xuất hiện ở nhiều nơi như hộ dân, công ty, xí nghiệp, công trình xây dựng, khu vực công cộng và cả xung quanh trường học. Với tình trạng này, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là khó tránh khỏi. Vì vậy các địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, xí nghiệp, hộ dân và trường học đóng trên địa bàn, để lăng quăng phát sinh trong khu vực mình quản lý”, ông Thanh cho biết.
Còn đối với dịch bệnh TCM, ông Thanh khẳng định: “Tình hình dịch bệnh trong tháng 11 không tăng so với tháng 10. Tuy nhiên diễn tiến sẽ phức tạp hơn nếu không kiểm soát hiệu quả bệnh trong trường học”. Theo đó, Sở Y tế TP đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện cần phối hợp với phòng GD-ĐT địa phương tăng cường truyền thông tới phụ huynh. Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT tăng cường kiểm tra giám sát dịch bệnh tại khu vực trường học, nhất là trường mầm non và nhóm trẻ gia đình.
Cô Nguyễn Thị Tám, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11 cho biết: “Để phòng chống dịch bệnh TCM và SXH, ngoài việc vệ sinh, khử khuẩn phòng học, đồ chơi, tuyên truyền với phụ huynh, nhà trường còn cho trẻ ngủ mùng”…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)