Chiều 11-7, các trường THPT nằm trên địa bàn TP.HCM đồng loạt công bố danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2008-2009. Và cũng từ thời điểm này một bộ phận phụ huynh lặng lẽ “tính nước cờ chạy trường”. Dù UBND thành phố và Sở GD-ĐT TP.HCM tìm mọi cách để hạn chế và dẹp bỏ hiện tượng tệ hại này, nhưng e rất khó! Điều này như một điệp khúc “đến hẹn lại lên”. Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM đến hết ngày 19-7, những học sinh không đến trường làm thủ tục nhập học xem như bị xóa tên.
Điểm chuẩn cao hơn năm trước
Sau khi điểm chuẩn được công bố, không ít người sửng sốt. Điểm chuẩn một số trường “vụt” lên đáng kinh ngạc, Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) điểm chuẩn từ 13 điểm của năm học trước nay “nhảy” lên 24 điểm, hay như Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận) điểm chuẩn từ 13,25 điểm nhảy lên 21,5 điểm, trường THPT cấp 2-3 Diên Hồng (quận 10) điểm chuẩn cũng nhảy từ 13,75 điểm lên 22,25 điểm… Có người nhận định, điểm chuẩn cao hơn do chất lượng năm nay cao hơn(?). Thầy Trần Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie lại cho rằng: “Thực tế, điểm chuẩn cao không hẳn do chất lượng cao. Năm nay, điểm chuẩn vào lớp 10 hầu hết các trường đều cao hơn năm trước, đó là mặt bằng chung. Điểm cao hay thấp còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đề thi tuyển dễ hơn hay khó hơn”. Một số trường tên tuổi vẫn luôn ngự trị ở điểm chuẩn chót vót như THPT Nguyễn Thượng Hiền (41,75; 42,75; 43,75 điểm), Nguyễn Thị Minh Khai (40,50; 41,50; 42,50 điểm), Bùi Thị Xuân (40.0; 41,0; 42,0 điểm). Ngoài ra, trường điểm chuẩn vẫn “giậm chân” như trường THPT Long Thới (13 điểm) hoặc điểm chuẩn tụt xuống như THPT Phan Đăng Lưu (từ 33,75 điểm nay chỉ còn 30,75 điểm). Nhìn chung, độ chênh điểm chuẩn giữa các trường luôn là điều ưu tư. Trong buổi họp diễn ra vào cuối tháng 6 tại văn phòng UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu Hà chỉ đạo: “Cần rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các khu vực”. Thực tế, khoảng cách đã rút ngắn rất nhiều. Không ít trường nằm ở ngoại thành chất lượng giáo dục rất tốt như THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) xếp hạng 8 của thành phố và hạng 78 cả nước; THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức) hạng 11 thành phố và hạng 98 cả nước; THPT Trung Phú (Củ Chi)…
Chuyện “chạy trường” còn không?
Năm học này, nhiều phụ huynh lẫn học sinh rút được bài học quý giá trong việc chọn nguyện vọng của năm học trước, nên số lượng thí sinh đạt điểm khá (trên 30 điểm) nhưng không trúng tuyển vào trường công lập giảm rất nhiều. Năm học trước hơn 1.600 thí sinh đạt điểm số trên 30 điểm nhưng không trúng tuyển, năm nay số lượng này chỉ còn 466 thí sinh. Những thí sinh này chắc chắn phải theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dân lập – tư thục hoặc các trường trung cấp. “Dứt khoát không giải quyết chuyển đổi nguyện vọng bất cứ trường hợp nào”. Đó là lời khẳng định của Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP.HCM, Hồ Phú Bạc. Chiều 12-7, trao đổi với chúng tôi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai cũng xác nhận điều này. Tuy nhiên, các năm học trước việc chuyển đổi nguyện vọng dù không diễn ra nhưng được biến tấu bằng cách “chuyển trường” với nhiều “chiêu” rất độc! Tại buổi làm việc với lãnh đạo ngành GD-ĐT thành phố, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng biết một trong các cách “chuyển trường” là cắt hộ khẩu về nơi có trường muốn chuyển. Tất nhiên, không cứ trường hợp chuyển hộ khẩu là có liên quan đến chuyện trên. Năm học 2008-2009, thành phố có 5 quận, huyện (huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 9) được thực hiện phương án xét tuyển vào lớp 10 công lập. Những học sinh nằm trong diện xét tuyển vẫn được tham gia đăng ký ba nguyện vọng và dự thi tuyển lớp 10. Theo quy định của Sở GD-ĐT: khi chọn phương án thi tuyển, bản thân học sinh sẽ mất quyền lợi xét tuyển. Nếu không trúng tuyển, học sinh này sẽ phải chọn học các trường THPT dân lập – tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường trung cấp. Nhưng mới đây, sau khi điểm chuẩn lớp 10 được công bố, một vài phương tiện truyền thông đại chúng lại thông tin: những học sinh nằm trong diện được xét tuyển, nếu đăng ký thi tuyển mà không trúng tuyển có thể được xét theo học trường công lập mà học sinh đó được xét tuyển. Nếu đây là thông tin chính xác thì đây cũng chính là sự thiếu đồng nhất tạo kẽ hở cho chuyện “chạy trường”. Được biết, 17 trường THPT xét tuyển của 5 quận huyện đã gút đầy đủ danh sách học sinh được xét tuyển (tất nhiên không có tên những học sinh đăng ký thi tuyển) cho Sở GD-ĐT trước khi kỳ thi tuyển lớp 10 diễn ra. Nếu đúng như một số báo thông tin thì lại một lần nữa thêm rối cho ngành GD-ĐT TP.HCM. Ngoài ra, chưa nói đến những trường hợp, đúng ra theo quy hoạch xét tuyển em học sinh này phải học Trường THPT A. nhưng “nhờ” việc xét này em có thể học Trường THPT B. tốt hơn thì sao? Cần có sự nhất quán, không thể lấy lý do tạo cho các em có chỗ học để một vài kẻ lợi dụng.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào các buổi sáng thứ sáu (11-7) và thứ bảy (12-7), tại một số trường như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định, Bùi Thị Xuân… thì phụ huynh rất háo hức đến nộp hồ sơ nhập học cho con, trong khi đó các trường ở top trung bình thì vẫn còn rất vắng vẻ. Điều này cho thấy rằng tư tưởng chạy trường vẫn còn âm ỉ trong nhiều phụ huynh học sinh. Tại Trường Sương Nguyệt Ánh (quận 10) sáng 12-7, ông Lê Văn Ngọc (ngụ đường 3/2), có con thi được 36 điểm. Theo nguyện vọng 2 thì con ông vào được lớp 10 Trường Sương Nguyệt Ánh, nhưng ông trù trừ chưa chịu nộp hồ sơ với lý do: “Tôi chờ Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) nếu sau khi tuyển sinh xong còn dư chỗ thì tôi xin cho con vào học” – ông Ngọc tiết lộ.
Đây là một trong vô số trường hợp xảy ra ở các trường trong những ngày tiếp nhận hồ sơ mà chúng tôi ghi nhận được.
T.T.Q
Bình luận (0)