Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nộp hồ sơ vào lớp 10 tại TP.HCM: Chọn trường nào, ban nào cho phù hợp?

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con tại Trường THPT Bùi Thị Xuân. Ảnh: H.Triều
Từ ngày 18-7 đến nay, 57 trường THPT tổ chức thi tuyển trên địa bàn TP.HCM đã tiến hành tư vấn chọn ban cũng như tiếp nhận hồ sơ nhập học của học sinh (HS) lớp 10 năm học 2011-2012.
Băn khoăn chọn trường
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, toàn thành phố có khoảng 40 ngàn HS trúng tuyển vào 57 trường THPT công lập có tổ chức thi tuyển. Trong số 40 ngàn HS này, không phải HS nào cũng trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1, mà có nhiều em trúng tuyển ở NV2, thậm chí là NV3. Và thường thì NV2, NV3 là những trường mà các em và cả phụ huynh không thích. Do đó, không ít phụ huynh băn khoăn nên chọn NV2, NV3 trường công hay chọn trường tư? Và nhiều phụ huynh đã tìm đường cho con sang học trường tư.
Trường hợp của chị Song Hà (Bệnh viện Nguyễn Trãi) là một ví dụ. Chị Song Hà cho biết, con chị thi được 35 điểm, còn thiếu 2 điểm mới đủ điểm để vào Trường THPT Bùi Thị Xuân (NV1). Tuy nhiên, với số điểm này con chị đã trúng tuyển NV2 vào Trường THPT Hùng Vương (NV2 lấy 32,75 điểm). Chị Hà cho biết, gia đình chỉ mong sau khi tốt nghiệp THPT, con đậu ĐH. Bởi vậy gia đình mới đăng ký NV1 cho con vào Trường THPT Bùi Thị Xuân. Bây giờ rớt rồi thì cho con qua học ở Trường tư thục Nguyễn Khuyến. Theo chị Hà, học ở trường này tuy học phí cao hơn trường công lập nhưng khả năng trúng tuyển ĐH tương đối cao.
Hay như trường hợp của em Ngọc Quỳnh, HS Trường THCS Thăng Long (Q.3). Trước đó, em đăng ký NV1 vào Trường THPT Lê Quý Đôn, NV2 vào Trường THPT Marie Curie và NV3 vào Trường THPT Tenlơman. Vì thi chỉ được 28 điểm nên em rớt NV1 và NV2. “Ba mẹ em không muốn cho em học ở Trường THPT Tenlơman nên đã đăng ký cho em học Trường THPT Quốc tế Việt Úc. Dù sao đây cũng là trường do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý nên em yên tâm về chất lượng. Học ở đây, em có nhiều kinh nghiệm để đi du học sau khi tốt nghiệp THPT”, Ngọc Quỳnh cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những trường có điểm chuẩn thấp (dưới 20) cũng rơi vào tình trạng “bị” một số phụ huynh từ chối nhập học cho HS. Lý do được nhiều ông bố, bà mẹ đưa ra là: “Con tôi học kém nên e rằng vào lớp 10 không theo kịp chương trình, rồi làm khổ thầy, khổ cô. Thôi thì cho cháu đi học nghề, đỡ mất thời gian và công sức của HS cũng như nhà trường…”.
Băn khoăn chọn ban
Làm thủ tục nhập học cho con tại Trường THPT Lê Quý Đôn, chị Đặng Thu Kiều thắc mắc với ban tư vấn: “Con tôi là HS của Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10), điểm tổng kết 3 môn văn, toán và tiếng Anh năm lớp 9 của cháu là 7,8; 6,2 và 8,6. Điểm thi vào lớp 10 là 36,5 điểm, trong đó môn văn được 7,25 điểm, môn toán được 7,5 điểm và tiếng Anh được 7 điểm. Vậy con tôi nên chọn vào ban nào? Nếu sau khi vào học mà không phù hợp với năng lực thì có thể đổi sang ban khác được không?”. Với trường hợp này, cô Nguyễn Thị Hồng Vân, thành viên ban tư vấn của nhà trường, phân tích: “Điểm tổng kết môn toán của em không cao, chỉ đạt 6,2 điểm nhưng điểm tổng kết môn văn và tiếng Anh khá cao nên con chị có thể chọn khối D. Sau khi vào học, nếu em muốn đổi sang ban khác thì nhà trường sẽ xem xét lại quá trình học của em để thay đổi. Tuy nhiên, phụ huynh và HS cần cân nhắc thật kỹ vì nếu để lên lớp 11 chuyển sang học ban khác thì sẽ thiệt thòi cho HS”.
Thắc mắc về việc chọn ban A (học chuyên sâu toán, lý, hóa) hay ban D (toán, văn, tiếng Anh) không chỉ là thắc mắc của chị Kiều mà cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh khác. Cô Đỗ Thị Bích Duyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Ngay sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn, chúng tôi đã thực hiện công tác nhận hồ sơ và tư vấn chọn ban cho HS. Chỉ trong hai ngày đầu thực hiện, trong 450 chỉ tiêu vào lớp 10 của trường đã có 250 phụ huynh cùng con đến nhờ trường tư vấn chọn ban. Về phía HS, hầu hết các em đã xác định học theo ban nào rồi nhưng phụ huynh lại muốn được tư vấn kỹ trước khi đặt bút đăng ký cho con để tránh tình trạng thay đổi sau này. Một số phụ huynh có nhiều kinh nghiệm phân tích nhu cầu nhân lực của xã hội nên muốn chọn ban theo đúng nhu cầu này nhưng các em lại có niềm đam mê ở ban khác. Với những trường hợp này, nhà trường đã phân tích thật kỹ việc chọn ban”.
Trong khi đó, chị Văn Thị Hương (Q.Bình Thạnh) đưa con đến Trường THPT Gia Định nộp hồ sơ với nhiều phân vân là nên cho con học lớp nào, có nên mạnh dạn vào lớp đào tạo chuyên sâu hay không… Chị Hương tâm tư: “Con tôi rất thích môn toán và điểm ban A của cháu khá cao, liệu chọn ban này cơ hội thi nghề nghiệp có tốt hơn không?”. Thắc mắc của chị Hương đã được cô Nguyễn Thị Phượng, thành viên ban tư vấn vào lớp 10 của nhà trường giải đáp (sau khi xem qua hồ sơ): “Điểm tổng kết trong năm học lớp 9 ở môn toán của HS là 9,9 điểm, môn lý là 9,3 điểm, môn hóa là 9,4 điểm. Điểm thi môn toán trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 là 8,25 điểm, tôi nghĩ với năng lực học tập này phụ huynh nên đăng ký cho HS vào ban A. Với ban này, cơ hội nghề nghiệp rất cao, vì hiện nay có nhiều trường ĐH tổ chức thi tuyển khối A”.
Lãnh đạo nhiều trường cho biết sẽ tiếp tục tư vấn chọn ban cho HS đến trước ngày 29-7 để các em có đủ thời gian suy nghĩ điền nguyện vọng học ban nào phù hợp với khả năng của mình.
H.Triều – D.Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)