Thi tuyển sinh xong rồi, cha con lại bắt đầu cuộc thi mới: Tìm trường trao nguyện vọng. Ảnh: Giang Huy
|
Nộp hồ sơ xét nguyện vọng: Tỉnh táo trước những lời có cánh
Sau 2 đợt thi đại học, cao đẳng, áng chừng điểm thi của mình chỉ ở mức bằng hoặc thấp hơn 1, 2 điểm so với điểm sàn kỳ tuyển sinh năm 2010 của Bộ GDĐT, nhiều TS đã tất tả tìm trường để xét nguyện vọng.
Tận dụng tâm lý nôn nóng của TS, phụ huynh, nhiều trường tung ra nhiều chiêu quảng cáo, hút TS với những lời quảng cáo có cánh. Mà đã quảng cáo thì TS nên tỉnh táo để lựa chọn.
Những lời quảng cáo “có cánh”
Trong kỳ tuyển sinh 2010, nhiều trường dân lập đã không tuyển đủ chỉ tiêu, rút kinh nghiệm từ đầu mùa tuyển sinh 2011, một số trường đã tung ra nhiều chiêu thức để hút TS. Trường ĐH FPT bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi trong quá trình học tập, năm 2011 trường sẽ trao 400 học bổng cho 400 HS xuất sắc nhất ở các trường THPT ở các tỉnh, thành trong cả nước. Trường ĐH dân lập Phương Đông dành gần 3 tỉ đồng cho quỹ học bổng khuyến học, trong đó khóa tuyển sinh 2011, trường có các học bổng trị giá từ 8.000.000 – 18.000.000 đồng/sinh viên/1 năm học.
Thi tuyển sinh xong rồi, cha con lại bắt đầu cuộc thi mới: Tìm trường trao nguyện vọng. Ảnh: Giang Huy
Ngoài các hỗ trợ học bổng, nhiều trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển NV bắt đầu vào cuộc đua giành TS. Tại các điểm thi, sau mỗi môn thi, TS, phụ huynh nhận được hàng chục tờ rơi giới thiệu, hồ sơ xét tuyển vào các trường TCCN, CĐ, ĐH với lời đảm bảo có một suất học, có được việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều cơ hội liên thông lên ĐH, CĐ với các ngành được xem là “hot” hiện nay như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng… Chỉ cần TN THPT, hoặc TS chỉ cần đạt 13 – 14 điểm là chắc chắn có một suất ở giảng đường ĐH, CĐ.
Thông tin cơ hội, SV sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm tốt còn được các trường đảm bảo ở việc trường có liên kết đào tạo với các doanh nghiệp với lời đảm bảo được thực tập và khả năng làm việc tại các doanh nghiệp rất cao. Trường ĐH Hòa Bình giới thiệu, trường liên kết đào tạo với Ngân hàng HDBank, ngành được cho là cơ hội việc làm cao nhất của trường chính là ngành tài chính ngân hàng. Liên thông đào tạo, cấp bằng hoặc chứng chỉ quốc tế là thị trường được nhiều trường dùng làm mồi câu TS hoặc SV có cơ hội làm việc ở nước ngoài.
Cần tỉnh táo!
Trước nhiều lời quảng cáo của các trường và trung tâm, các TS cần tỉnh táo để chọn trường phù hợp. Nhiều TS do nôn nóng kiếm trường học mà nhắm mắt chọn đại trường với mục tiêu chỉ cần có trường để đi học, rồi sau mới vỡ lẽ bị lừa. Vừa qua, hơn 30 học viên của Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Trí Việt-APTECH mặc dù đã TN từ tháng 6.2010 với chương trình mà trung tâm đưa ra là học viên chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế hoàn thành chương trình năm 1 sẽ được cấp bằng DISM (Diploma in Information Systems Management) có giá trị quốc tế. Học viên hoàn thành chương trình năm 2 được cấp bằng HDSE (High Diploma in Software Engineering) tương đương với bằng cử nhân cao đẳng thực hành quốc tế. Mỗi khóa học HDSE 2 năm, học viên phải đóng hơn 2.000USD học phí. Ngoài ra, mỗi học kỳ, phải đóng thêm 50USD mua giáo trình, sau bao năm đào tạo phó giám đốc trung tâm lại thừa nhận chưa có giấy phép đào tạo lập trình viên quốc tế.
Nhiều TS đăng ký dự tuyển vào các trường có liên kết với doanh nghiệp với mong muốn có được việc làm vì tin vào sự liên kết của các trường với doanh nghiệp. SV Phương Anh – ĐH Hùng Vương – bức xúc: “Bốn năm trước, đăng ký vào ngành tài chính ngân hàng của trường vì ngành có liên kết với Ngân hàng Miền Tây, nhưng đến năm thứ ba, sau khi ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng Phương Tây, đổi tổng giám đốc thì sự liên kết cũng đứt gánh giữa đường, lời hứa nhận thực tập sinh, ưu tiên việc làm cho sinh viên TN loại khá, giỏi cũng chấm dứt”.
Trao đổi với chúng tôi, ThS Mai Bình – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hùng Vương – trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển – cho biết, khi ký kết với Ngân hàng Phương Tây, để đảm bảo trường đã mời tổng giám đốc của ngân hàng về làm trưởng khoa tài chính ngân hàng, nhưng khi ngân hàng thay đổi lại đổi luôn cả tổng giám đốc thì trường đành chịu.
Theo Lê Tuyết
Lao Động
Bình luận (0)