Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nộp phí hạn chế phương tiện cá nhân: Quá sức doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-3, tại cuộc họp với các doanh nghiệp do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự bức xúc với 2 loại phí mới mà Bộ GTVT vừa đưa ra, đặc biệt là phí hạn chế phương tiện cá nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, theo Pháp lệnh phí và lệ phí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, “phí” là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí. Đối chiếu điều này với đề xuất phí hạn chế phương tiện xe cá nhân do Bộ GTVT đề xuất sẽ thấy không có điểm gì phù hợp. Chủ phương tiện dù phải nộp 20 đến 50 triệu đồng nhưng không được hưởng thêm dịch vụ gì.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, quan niệm cứ xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là xe cá nhân là sai. Không thể gọi xe taxi, xe của các doanh nghiệp, của các trường đào tạo lái xe là xe cá nhân. Các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị này đều đã phải đóng phí doanh nghiệp khi hoạt động, nếu đóng thêm 20 – 50 triệu đồng/năm là quá lớn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng nếu phải đóng thêm phí hạn chế xe cá nhân sẽ khiến cho giá cước vận tải, nhất là taxi tăng cao; tác động không tốt tới lạm phát và an sinh xã hội. Ông Thanh đề nghị nếu thu phí bảo trì đường bộ thì không nên thu phí lưu hành phương tiện đối với xe cá nhân vì sẽ quá sức đối với người dân và doanh nghiệp.

Mặc dù dư luận cũng như các tổ chức hiệp hội liên tục lên tiếng về các đề xuất thu phí của Bộ GTVT, song hiện Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm đã đưa ra tại Tờ trình số 1818/BGTVT-TC về việc báo cáo bổ sung đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Trong đó, Bộ GTVT chỉ nhắc đến việc lùi thời hạn thu phí với xe mô tô ít nhất sau 6 tháng, còn việc thu phí ô tô vẫn được bảo lưu như đã đề xuất.

Bích Quyên (SGGP)

Bình luận (0)