Sau khi tham khảo thông tin về số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, nhiều phụ huynh, thí sinh đã đến các trường ĐH, CĐ xin rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Tuy nhiên, không phải phụ huynh, thí sinh nào cũng được rút hồ sơ một cách dễ dàng.
Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Quy định trả hồ sơ sau ba ngày nộp đơn khiến thí sinh gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Minh Giảng
|
Sáng 31-8, hàng chục thí sinh đến Trường ĐH Sài Gòn để rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Theo ghi nhận, nếu giấy tờ đầy đủ thí sinh sẽ được trả lại giấy chứng nhận kết quả thi trong khoảng 30 phút. Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ cho biết lượng thí sinh rút hồ sơ cũng khá nhiều. Một số thí sinh ghi sai ngành, bậc xét tuyển cũng đến rút và nộp trở lại.
Mỗi nơi một kiểu
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền đến rút giùm hồ sơ cho thí sinh Phan Thị Thái Ngân (Phú Yên). Do không nắm thông tin đầy đủ nên chị Hiền không mang theo giấy ủy quyền của thí sinh Ngân. Dù ra sức năn nỉ, viện đủ các lý do nhà xa, không kịp thời gian nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ vẫn không giải quyết.
“Ngân thi ĐH được 15,5 điểm, đủ điều kiện nộp vào nhiều trường ĐH, nhưng do nắm thông tin không đầy đủ nên nộp vào bậc CĐ Trường ĐH Sài Gòn. Do đi lại xa xôi nên Ngân nhờ tôi đến trường rút giùm hồ sơ mà không biết các quy định về giấy ủy quyền. Giờ chắc phải nói Ngân vào rút chứ chờ gửi giấy nữa sợ thất lạc, trễ việc nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường khác” – chị Hiền cho biết.
Không chỉ chị Hiền, trong sáng 31-8 rất nhiều người thân và phụ huynh đến rút hồ sơ thay cũng không mang theo giấy ủy quyền. Chú Lê Ngọc Tuấn (TP.HCM) chỉ mang biên nhận hồ sơ và CMND của mình nên trường không giải quyết.
“Xem thống kê của trường, ngành này có 130 chỉ tiêu nhưng đã gần 300 hồ sơ nộp nên tôi rút ra nộp vào trường khác. Hôm sau để cháu đến rút hồ sơ, hôm nay trường không cho rút vì không có giấy ủy quyền” – chú Tuấn cho hay.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh tuy đã mang giấy ủy quyền đầy đủ nhưng lại thiếu một số giấy tờ theo quy định của trường nên cũng chưa được giải quyết rút hồ sơ.
Một phụ huynh mang đầy đủ giấy ủy quyền, biên nhận hồ sơ, bản photo CMND (công chứng) của thí sinh và bản photo CMND của mình (kèm CMND) nhưng cán bộ tuyển sinh yêu cầu bản photo CMND của người nhận thay cũng phải được công chứng nên không giải quyết rút hồ sơ.
Phụ huynh này phải ra về để công chứng CMND của mình. Nhiều thí sinh ở tỉnh gửi hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện, khi nhờ người thân đến rút hồ sơ, tuy giấy tờ đầy đủ nhưng lại không có biên nhận của bưu điện (chứng minh đã đóng lệ phí) nên trường cũng không giải quyết.
Chỉ rút một lần
Trong khi đó tại Trường ĐH Mở TP.HCM, một thí sinh ở Long An đến xin rút hồ sơ NV2 và được trường thông báo ba ngày sau lên trường nhận kết quả. Thí sinh này phải quay về quê chờ đợi trong ba ngày. Một cán bộ tuyển sinh của trường cho biết: “Trường còn phải chờ hồ sơ bưu điện chuyển đến nên sau ba ngày mới có thể trả hồ sơ cho thí sinh. Trường chỉ giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ một lần trước ngày 8-9”.
Tương tự, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ cũng chỉ cho thí sinh được rút hồ sơ một lần trong thời gian được rút hồ sơ.
Không chỉ rắc rối với các loại giấy tờ, nhiều trường cũng có những quy định khác nhau về việc nộp, rút hồ sơ. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chỉ giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ NV2 trong khoảng thời gian từ 10g-11g30 hằng ngày.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội không cho phép thí sinh nộp lại hồ sơ xét tuyển vào ngành đã rút hồ sơ trước đó. Trong khi đó Trường ĐH Bạc Liêu lại quy định thời hạn cuối cùng để rút hồ sơ là ngày 5-9. Trường này cũng thông báo thời hạn cuối nhận hồ sơ xét tuyển NV2 là ngày 10-9 thay vì 15-9 như quy định.
Cân nhắc rút hồ sơ
Thống kê số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cho thấy đã có hàng ngàn thí sinh “rớt” NV2 ngay từ khi nộp hồ sơ. Chẳng hạn tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bậc CĐ chỉ có 50 chỉ tiêu/ngành nhưng số hồ sơ một số ngành đã gấp 6-10 lần số chỉ tiêu.
Tương tự, nhiều ngành bậc CĐ của Trường ĐH Sài Gòn cũng có số hồ sơ gấp 2-3 chỉ tiêu cần tuyển. Tại Trường ĐH Cần Thơ, một số ngành cũng nhận được số hồ sơ cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu. Một số ngành ở các trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Công nghiệp thực phẩm TP.HCM… cũng có lượng hồ sơ nhiều gấp 2-3 lần chỉ tiêu NV2.
Tuy nhiên, bà Trịnh Minh Huyền – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ điểm số của mình trước khi nộp hồ sơ, tránh nộp vào rút ra nhiều lần gây lãng phí và mất ổn định tâm lý.
Theo bà Huyền, nhiều trường luôn gọi trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển do tỉ lệ thí sinh trúng tuyển NV2 nhập học chỉ khoảng 75%. Những ngày gần cuối hạn rút hồ sơ, thí sinh cần liên hệ trực tiếp với các trường để được tư vấn cụ thể trước khi quyết định rút hồ sơ.
|
Theo MINH GIẢNG
(TTO)
Bình luận (0)