Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

NOSCO trở mặt với người lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Do suy thoái kinh tế tại Cộng hòa Czech, người lao động VN bất đắc dĩ phải về nước song lại bị công ty môi giới vu cho hành vi tự ý bỏ việc

Tròn một năm kể từ khi sang Czech làm việc, anh Đào Thành Linh, ngụ tại Hưng Yên, cùng 8 lao động khác, gồm: Nguyễn Danh Chuẩn, Nguyễn Đức Lịch, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Hà Quyền, Bùi Chiêu Hưng, Phạm Văn Tuân, Trần Đăng Trường, Nguyễn Đức Long, đã phải về VN dù hợp đồng lao động (HĐLĐ) ký với Trung tâm Dịch vụ và XKLĐ – Công ty CP Vận tải Biển Bắc (NOSCO) là 3 năm.
Tháng 4-2008, thông qua công ty môi giới tại Czech là Favi, những người lao động (NLĐ) này được đưa đến làm việc tại nhà máy Kiekert chuyên sản xuất ổ khóa xe hơi. Kiekert đã ký HĐLĐ với họ. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, ngày 31-3, Kiekert đã thanh lý và không tiếp tục ký HĐLĐ với NLĐ do không bố trí được việc làm. Khi nhận được tin này, 9 NLĐ VN đã chủ động liên lạc với NOSCO và Favi tại Czech, song không thấy trả lời.
“Ngày 12-3, ông Nguyễn Viết Huệ, Chủ tịch Công ty Favi, đến nhà máy và bảo rằng công ty không thể nối lại hợp đồng với nhà máy được; không có việc làm thì NLĐ nên về nước” – anh Linh kể lại.
Không còn cách nào khác, ngày 17-4, 8 NLĐ đã phải về nước trước hạn theo chương trình tự nguyện hồi hương của Chính phủ Czech. Riêng anh Nguyễn Đức Long vẫn ở lại thêm một tháng nữa với hy vọng tìm được việc làm mới, song không có tín hiệu khả quan nên cũng xin về VN. Tại bản xác nhận ký ngày 10-4 của Công ty Kiekert cũng ghi rõ: “Do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gây ảnh hưởng tới các hãng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, chúng tôi không thể ký HĐLĐ mới với NLĐ”.
Ngày 22-4, những NLĐ này đã đến NOSCO đề nghị thanh lý HĐLĐ. Song, công ty không trả cho họ bất kỳ khoản tiền nào, ngoại trừ tiền đặt cọc 700 USD. Bất chấp những chứng cứ về việc về nước trước hạn do suy giảm kinh tế, bà Phạm Minh Thái, Phó Giám đốc NOSCO, khẳng định NLĐ tự nguyện hồi hương là phá vỡ HĐLĐ với công ty nên NOSCO chỉ trả lại 700 USD tiền đặt cọc/người. 
Bà Thái đưa ra một danh sách NLĐ (không có chữ ký) đã được Favi tìm việc làm ngày 22-3, trong đó có tên cả 9 người nêu trên. Tuy nhiên, cả 9 NLĐ này đều phủ nhận, cam đoan không hề nhận được thông báo nào của Favi cũng như NOSCO. Trái khoáy hơn, trong thông báo này có tên của 2 NLĐ khác, trong khi một người đã ra ngoài chuyển đổi visa lao động sang visa kinh doanh và một người đã sang Đức làm việc.
Trong khi đó, để được sang Czech làm việc với thời hạn 3 năm, tổng số tiền mỗi NLĐ phải đóng cho NOSCO lên tới 7.200 USD. Các khoản thu này chưa đúng theo quy định: Tiền phí dịch vụ và quản lý lao động thu trước 1.300 USD cho 3 năm (trong khi HĐLĐ là một năm và việc gia hạn phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động); phí môi giới theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH và thị trường Czech thu  tối đa 1.500 USD/HĐLĐ 2 năm/người, song NOSCO đã thu 1.500 USD cho hợp đồng 1 năm/người.

 

Nợ chồng chất

Ngày 12-5, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có công văn yêu cầu NOSCO thanh lý hợp đồng với 9 NLĐ nêu trên theo quy định, đồng thời xem xét hoàn cảnh khó khăn của họ để hỗ trợ thêm. Thế nhưng, tại buổi làm việc ngày 18-5, Phó Giám đốc NOSCO Phạm Minh Thái cho biết công ty vẫn chưa nhận được chỉ đạo này của cục!

Tất cả NLĐ đều mong muốn được trả lại phần phí quản lý và môi giới 2 năm còn lại vì NOSCO thu các khoản phí này cho HĐLĐ 3 năm. “Toàn bộ số tiền nộp cho NOSCO (gần 93 triệu đồng) chúng tôi vay ngân hàng, thế chấp giấy tờ nhà đất và cả sổ hưu của bố mẹ. Giờ đây chúng tôi nợ nần chồng chất không biết khi nào mới trả hết” – anh Đào Thành Linh bức xúc.

Nguyễn Quyết (nld)

 

Bình luận (0)