Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nouriel Roubini: nhà kinh tế đã dự báo khủng khoảng

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Vẻ ngoài khắc khổ của Nouriel Roubini tạo cảm giác ông thường xuyên chịu bất hạnh, cứ như là gánh nặng của những gì ông biết đang đè lên vai ông.Trong thời điểm khởi đầu khủng hoảng tài chính ở Mỹ vừa qua, tờ The New York Times đã nhắc đến một nhân vật từng bị ghét bỏ vì những dự báo đầy bi quan của ông vài năm trước đó. Nay ông trở thành người được săn đón khắp nơi.   

Ngày 7-9-2006, tại cuộc tranh luận tổ chức ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế Đại học New York thông báo một cuộc khủng hoảng đang âm ỉ, với nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản. Các chủ nhà không đủ khả năng trả nợ ngân hàng, hàng tỉ đô la cổ phiếu gắn với tín dụng cầm cố sẽ rớt giá và hệ thống tài chính thế giới sẽ tê liệt.  

Khi nghe điều này, nhiều người cảm thấy nghi ngờ, thậm chí còn mỉa mai Roubini, người nổi tiếng là hay bi quan. Thực tế là vào thời điểm đó, thất nghiệp và lạm phát ở mức chấp nhận được; nền kinh tế vẫn tăng trưởng dù yếu đi, bất chấp giá dầu tăng vọt và thị trường bất động sản giảm sức mua. Khi đáp trả thuyết trình của Roubini, nhà kinh tế Anirvan Banerji lưu ý rằng những dự báo của ông chẳng dựa trên một mô hình toán học nào cả.  

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chẳng bao lâu, thực tế cho thấy Roubini có lý. Ngay từ năm sau đó, các ngân hàng cho vay tín dụng dưới chuẩn (subprimes) bắt đầu phá sản, các quỹ đầu cơ bắt đầu tụt dốc và thị trường cổ phiếu chao đảo. Thất nghiệp gia tăng, đồng đô la mất giá. Những triệu chứng của một cơn khủng hoảng bất động sản được khẳng định. Và khi khủng hoảng tín dụng trở nên trầm trọng hơn, làn gió hoảng loạn thổi quét qua các thị trường tài chính. Vào cuối mùa hè, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra tay cứu giúp các định chế tài chính qua hàng loạt can thiệp không chính thống vào nền kinh tế, bằng cách giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản và mua lại hàng chục tỉ đô la chứng khoán gắn với các khoản nợ bất động sản.  

Trở lại IMF vào tháng 9-2007, Roubini dự báo một cuộc khủng hoảng khả năng thanh khoản đang lây nhiễm tất cả các lĩnh vực của hệ thống tài chính. Lần này, chẳng ai cười cợt ông cả. “Năm 2006, ông bị xem là thằng điên. Năm 2007, ông trở thành nhà tiên tri”, nhà kinh tế Parkash Loungani của IMF từng mời Roubini tham dự hai hội nghị nhớ lại. Tháng 2-2007, vào lúc mọi người cho rằng những công ty đầu tư đáng kính của Wall Street sẽ chống chọi được khủng hoảng, Roubini dự báo rằng một hoặc nhiều công ty trong số đó sẽ bị phá sản. Sáu tuần sau, ngân hàng Bear Stearns sụp đổ.  

Khi nhiều nhà kinh tế hoan hỉ đón chào sự hồi phục kinh tế sau hàng loạt biện pháp quan trọng được Fed đưa ra vào đầu năm, Roubini cho rằng đó là biểu hiện của “thái độ tự mãn điên rồ” được khuyến khích bởi “một nhóm người đưa tin hành động vì lợi ích của riêng mình”. Tất cả những dự đoán của Roubini không xảy ra (và có thể sẽ không bao giờ xảy ra), nhưng vụ phá sản của Ngân hàng AndyMac vào tháng 7-2008 đã khiến dư luận chú ý đến linh cảm của vị giáo sư kinh tế.  

Thế là bỗng chốc, người từng được xem là một giáo sư đáng kính nhưng hơi gàn đã trở thành một diễn giả chủ chốt của các cuộc tranh luận công khai về kinh tế. Ông được mời phát biểu quan điểm trước Quốc hội, trước Hội đồng quan hệ quốc tế và Diễn đàn kinh tế Davos… Dù ông vẫn tiếp tục đưa ra những dự báo thảm họa đầy màu sắc và không xu thời, nhưng dường như giới kinh tế bắt đầu quy về tầm nhìn của ông.    

Năm 1988, Nouriel Roubini lấy bằng tiến sĩ kinh tế quốc tế tại Harvard. Năm 1995, ông là giáo sư kinh tế tại Stern School of Business thuộc Đại học New York. Từ 1998-1999, ông trở thành một trong những cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, thời Tổng thống Bill Clinton. Từ 2000-2001, là cố vấn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Tháng 9-2006, ông thông báo sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ tại cuộc tranh luận do IMF tổ chức (đây cũng là tổ chức mà ông cộng tác đều đặn).

“Tôi không phải là người bi quan theo bản chất. Tôi không phải là người nhìn thấy mọi việc đều đen tối”, Roubini nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhìn vẻ ngoài khắc khổ và sự u sầu toát ra từ ông, người ta khó tin như vậy. Trong suốt cuộc đời của mình, Roubini luôn là người ngoài cuộc. Chào đời tại Istanbul (Thỗ Nhĩ Kỳ) trong một gia đình người Do Thái gốc Iran, ông theo cha mẹ đến Teheran năm 2 tuổi, rồi đến Tel-Aviv và sau cùng sang Ý, nơi ông đã lớn lên và học trung học. Kế đó, ông sang Mỹ để lấy bằng tiến sĩ kinh tế quốc tế tại Harvard. Sau khi lấy bằng tiến sĩ năm 1988, Roubini gia nhập khoa kinh tế đại học Yale và làm quen với Robert Shiller, nhà kinh tế đã nổi tiếng nhờ những cảnh báo về bong bóng công nghệ những năm 1990.  

Đối với một nhà kinh tế quốc tế như Nouriel Roubini, thập niên 1990 đầy những sự kiện. Trong khoảng thời gian này, lần lượt các nền kinh tế mới nổi gặp khủng hoảng, bắt đầu ở Mexico năm 1994. Làn sóng hoảng loạn quét qua châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc năm 1997 và 1998. Năm 1998, kinh tế Nga và Brazil sụp đổ nội tại và đến lượt Argentina năm 2000. Roubini đã nghiên cứu các quốc gia này và nhanh chóng xác định các điểm yếu chung. Trước khi gặp khủng hoảng, hầu hết các quốc gia này bị thâm hụt nặng cán cân thanh toán vãng lai và tài trợ những khoản thâm hụt này bằng cách vay nước ngoài theo các phương thức dẫn đến cơn hoảng loạn ngân hàng. Do có hệ thống ngân hàng không được điều tiết tốt, các nước này bị kẹt vào cái “bãi mìn” của những khoản vay quá mức và chính sách cho vay không kiểm soát.  

Cách làm của Roubini không chỉ khác biệt ở những kết luận, mà còn ở phương pháp. Trong lúc khai thác những so sánh giữa các quốc gia và những loại suy lịch sử, ông sử dụng một bộ khung khách quan chứ không chuyên môn, tương tự những bộ khung mà các nhà kinh tế học nổi tiếng như Paul Krugman và Joseph Stiglitz sử dụng để giúp công chúng hiểu dễ hơn.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Sau khi phân tích các thị trường sụp đổ trong những năm 1990, vị giáo sư Đại học New York tự hỏi đâu sẽ là quốc gia sắp tới mà kinh tế sụp đổ vì những áp lực tương tự. Câu trả lời của Roubini gây sửng sốt: nước Mỹ. “Mỹ giống như một thị trường mới nổi lớn nhất”, ông nhận định. Tất nhiên nước Mỹ không phải là thị trường mới nổi: nó từng là (và vẫn đang là) nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thế nhưng, nhiều đặc điểm của nền kinh tế Mỹ làm Roubini cảm thấy bất ổn, bắt đầu bằng thâm hụt ngân sách lên đến mức 600 tỉ đô la năm 2004. Ông bắt đầu theo dõi sát sao những nguy hiểm của mức thâm hụt này. Kế đó, ông tự hỏi về những hệ quả khác nhau của tình trạng tín dụng gia tăng – chủ yếu là bong bóng bất động sản khổng lồ trong lịch sử nước Mỹ – bắt đầu vào năm 2003, sau khi Fed hạ lãi suất xuống gần 0%. Roubini nhanh chóng kết luận rằng bong bóng này chẳng bao lâu sẽ vỡ.  

Vào cuối năm 2004, ông bắt đầu nói đến một “kịch bản thảm họa của chuyện hạ cánh cho nước Mỹ”. Ông dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngừng tài trợ cho thâm hụt ngân sách Mỹ và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai, sẽ từ bỏ đồng đô la và gây nên làn sóng hoảng loạn trong nền kinh tế. Những vấn đề này, được ông gọi là “xe lửa tài chính trật đường ray đến hai lần”, có nguy cơ xảy ra trong năm 2005 hoặc năm sau đó.  

Thế nhưng, không có chuyện trật đường ray vào cuối năm 2006. Kenneth Rogoff, nhà kinh tế của Harvard biết rõ Roubini từ nhiều thập niên qua cho rằng cảm nhận dự báo của đồng nghiệp mình về những tình huống giả định hoàn toàn lệch với tầm nhìn đồng thuận của hầu hết các nhà kinh tế là rất quý giá. “Nếu bạn hỏi những lãnh đạo của Ngân hàng trung ương châu Âu về nguy cơ có khả năng xảy ra, điều đầu tiên mà người ta sẽ trả lời bạn là: hãy xem những gì Nouriel đã nói”, Rogoff giải thích. Tuy nhiên, nhà kinh tế học này cũng cảnh giác xu hướng gán ghép khả năng này vào việc dự đoán. Nói cách khác, Roubini là nhà kinh tế mà người ta có thể tham vấn về khả năng sụp đổ của thị trường trái phiếu đô thị, nhưng không nhất thiết nhờ đến ông để dự báo, chẳng hạn, nhu cầu thế giới gia tăng về một loại nhạc cụ nào đó.  

Từ nhiều tháng trước, ông thông báo thời kỳ suy thoái kéo dài 18 tháng sẽ là “nặng nhất kể từ khi nước Mỹ từng gặp vào năm 1929”. Ông cũng tin rằng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục từ nay đến cuối năm 2009, nhưng những vụ sa thải nhân viên, phá sản doanh nghiệp và những khó khăn ngăn cản tăng trưởng sẽ tiếp tục hoành hành trong nhiều năm.  

Và cũng từ nhiều tháng trước, ông lặp đi lặp lại rằng chi phí thật sự của khủng hoảng bất động sản không nằm ở con số 300 tỉ đô la mà sẽ vào khoảng 1.000 đến 1.500 tỉ đô la. Nhưng điều quan trọng nhất, theo Roubini, là hiểu được rằng vấn đề vượt xa cơn khủng hoảng bất động sản. “Những kẻ vô trách nhiệm nuôi ảo tưởng khi tự nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này chỉ liên quan đến tín dụng dưới chuẩn. Trong khi đó, chúng ta có vấn đề với thẻ tín dụng, cho vay học đại học, cho vay mua xe, tín dụng thế chấp thương mại và nhà cửa, nợ của doanh nghiệp và những khoản vay để mua lại các công ty. Không chỉ thị trường cho vay thế chấp gặp rủi ro cao, mà cả hệ thống tài chính trong tổng  thể của nó”, ông nhắc lại.  

Nước Mỹ có thể sẽ vượt qua khó khăn, nhưng đó sẽ là một quốc gia khác hẳn lúc thoát khỏi khủng hoảng. Và khi đó, nó sẽ giữ một vị trí khác hẳn trên bản đồ thế giới.    

                                                                                                                   TẤN LỘC (TBKTSG)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)