NSDN Thu Hiền và tác giả |
Mặc dù rất bận nhưng biết tôi là phóng viên của BáoGiáo Dục TP.HCM nên NSND Thu Hiền đang ở Hà Nội vẫn hẹn tôi sau ngày 30 tháng 5 vào Sài Gòn trò chuyện để có bài kịp số báo ngày 21-6. Bất ngờ chị lại có chuyến lưu diễn đột xuất bên Lào nên đành lỡ hẹn. Sau chuyến đi sang nước bạn, chị bị viêm thanh đới, bác sĩ khuyên không được nói nhiều. Vậy mà khi tôi đến nhà chị đã vui vẻ ra đón khách và ráng dành cho tôi nửa tiếng đồng hồ…
Trong thời gian đi vào chiến trường miền Trung phục vụ bộ đội chị đã đi đến những vùng đất nào?
– Những năm bom đạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ tôi đã đi qua nhiều vùng đất tuyến lửa miền Trung để mang lời ca tiếng hát đến với nhân dân và bộ đội ngoài chiến trường. Năm 1967, từ Thanh Hóa tôi theo đoàn vào đất Nghệ An rồi sang đất nước bạn Lào. Về lại Hà Tĩnh, Quảng Bình, theo chân các anh bộ đội tôi vào lũy thép Vĩnh Linh và cuối cùng là đất Quảng Trị.
Một kỷ niệm khó phai của chị trong những lần biểu diễn ở đó?
– Kỷ niệm khó phai thì rất nhiều nhưng nhớ nhất là ngày đầu Đoàn văn công đóng quân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Tối hôm đó chưa kịp nghỉ chân để biểu diễn văn nghệ thì bị giặc Mỹ thả pháo sáng ném bom quanh khu vực phà Bến Thủy. Thế là tôi cùng các anh chị diễn viên lao vào cứu chữa nhà dân bị cháy. Tuy nhiên, khi thấy có vài người lạ từ chỗ khác đến lại nói giọng Bắc nên bà con nghi là gián điệp nên lấy dây trói tay chúng tôi lại. Anh em phải giải thích với mọi người đây là đoàn văn công mới từ bên kia thành phố Vinh vào. Nghe vậy họ ra điều kiện nếu văn công thì phải hát. Thế là chúng tôi đành “trổ tài” ngay tại chỗ để tìm cách giải oan và vừa để phục vụ bà con luôn. Vài ngày sau, khi chia tay bà con mang quà đến cho anh em trong đoàn. Tôi được cho nhiều trứng vịt nhất, sợ bị vỡ tôi phải luộc chín để mang theo ăn dọc đường.
Những bài hát nào mà chiến sĩ yêu thích nhất lúc đó?
– Thời chiến tranh bom đạn ác liệt, cuộc sống tinh thần ở chiến trường rất thiếu thốn nên bài hát nào khán giả cũng thích cả. Nhưng đồng bào và chiến sĩ thích nhất vẫn là những bài hát về Bác Hồ. Do tình cảm giữa đồng bào với Lãnh tụ quá sâu sắc nên ai cũng thích các bài hát về Người như Trông cây lại nhớ đến Người (Đỗ Nhuận), Suối Lê-nin, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Đôi dép Bác Hồ (Văn An)…
Được biết chị đã vinh dự tham gia phục vụ cho cán bộ chiến sĩ được trao trả ở sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị vào năm 1973 sau Hiệp định Paris. Sự kiện đó đã để lại những ấn tượng gì trong cuộc đời của chị?
– Năm 1972, chúng tôi đến Quảng Trị biểu diễn văn nghệ nhân dịp ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tiếng hát của người nghệ sĩ càng làm cho quân và dân thêm phấn khởi với thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược lớn lao của cách mạng miền Nam. Nhưng xúc động nhất là đợt biểu diễn bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) phục vụ cho chiến sĩ, cán bộ được phía địch trao trả sau Hiệp định Genève với tinh thần chào đón “những người chiến thắng trở về”. Không có sân khấu chỉ hát dã chiến giữa bãi đất trống thế mà ai cũng say mê nghe. Có khi hát giữa chừng bị bom Mỹ ném xuống, miệng đầy cát lại lấy tay phủi sạch rồi cầm chiếc loa Trung Quốc hát tiếp.
Thời đi học chị gắn bó với ngôi trường nào nhất? Lúc đó thầy cô và bạn bè đã biết đến tiếng hát của chị hay chưa?
– Năm 1962, lúc mới 10 tuổi tôi đã được tuyển vào Đoàn ca kịch liên khu V tăng cường lực lượng diễn viên cho đoàn từ miền Nam tập kết ra Bắc. Chính đây là ngôi trường gắn bó với những bước đi đầu tiên của tôi khi mới vào nghề. Năm 1964, tôi sang Hưng Yên học qua một lớp về triết học, mỹ thuật, văn hóa… để chuẩn bị vào chiến trường. Cuối năm 1966 học xong, tôi theo đoàn vượt Trường Sơn đi B. Khi vào đoàn nhờ sự giúp đỡ của các cô chú và được đi biểu diễn ở nhiều nơi nên tôi đã trưởng thành, biết hát bài chòi, biết đóng kịch. Chính vì thế đến năm 1970, tại Hội diễn ca kịch toàn quốc tôi đã giành được huy chương vàng với vai em Bảo trong vở kịch Đội kịch chim chèo bẻo. Đến tận hôm nay dù người còn người mất nhưng tôi không thể nào quên được các anh chị em trong đoàn như NS Lệ Thi (trưởng đoàn), Thái Sơn, Nguyễn Kiểm, Lê Chức, Trương Đình Quang, Trần Hồng, Quỳnh Hoa, Hoàng Lê…
Là người con của đất Hà Tĩnh, tôi muốn biết chị có những dấu ấn gì khi hát những bài Giận mà thương, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh mình thương, Trông cây lại nhớ đến Người…
– Tuy không sinh ra trên đất Hà Tĩnh nhưng mảnh đất núi Hồng sông La, tôi lại ở nhiều nhất. Khi vào Nam hay ngược Bắc ai cũng đều ghé lại Hà Tĩnh. Tôi lớn lên còn nhờ khoai sắn của Hà Tĩnh nuôi mình, nhờ tấm lòng của người dân nơi đây che chở giúp mình có thêm tinh thần và lời ca để trở lại phục vụ bà con đúng như lời bài hát: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Hà Tĩnh còn là cái nôi của làn điệu hát dặm, một vốn quý của nền văn học dân gian đã được lưu giữ từ ngàn đời. Giận mà thương, Gửi sông La, Câu đợi câu chờ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh mình thương… là những ca khúc tôi đã hát về Hà Tĩnh mà khán giả trong và ngoài nước đều yêu thích. Tôi tâm niệm làm sao sống cho có ý nghĩa, cống hiến được nhiều hơn cho cuộc đời và những năm tháng ca hát đã qua là sự trả nghĩa của tôi với đồng bào Hà Tĩnh.
Chị có nhắn gửi gì cho khán giả, ca sĩ và nhạc sĩ trẻ về dòng nhạc dân ca mà mình đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp ca hát?
– Xã hội ngày càng phát triển, đất nước mở cửa nên có nhiều dòng nhạc thịnh hành. Mỗi người có quyền lựa chọn thưởng thức âm nhạc theo sở thích của mình. Song tôi chỉ muốn nói một điều, dân ca là tiếng lòng của cha ông, hồn thơ đất nước nên mãi mãi là nguồn cội. Càng nhiều dòng nhạc thì giá trị âm nhạc của dân ca lại càng được tôn vinh. Nhớ lời ru ngọt ngào của mẹ đi suốt cuộc đời mình thì làm sao ta quên được dòng sữa dân ca nuôi chúng ta khôn lớn để bước vào đời.
Hình như chị đang có một dự định cho thời gian sắp tới?
– Mười ngày nữa tôi sẽ ra album mang tên Tình khúc quê hương tập hợp những bài hát của hai nhạc sĩ Phạm Duy và Hoàng Thi Thơ. Đây là những tác giả mà tôi yêu thích vì có nhiều bài hát hay. Riêng về nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mới có 6 bài được phép phổ biến. Hôm nào ra mắt tôi sẽ tặng cho anh một đĩa CD.
Cảm ơn NSND Thu Hiền!
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)