Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

NSƯT Diệu Hiền: “Một đời gạo chợ nước sông”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

NSƯT Diệu Hiền trong vở Nữ tướng cờ đào. Anh: Thanh Hiệp

NSƯT Diệu Hiền đã nổi tiếng trên sân khấu cải lương từ thập niên 60. Giọng ca truyền cảm đặc biệt của chị không hề lẫn lộn với bất kỳ nữ nghệ sĩ nào. Nhất là khi vào những vai tuồng màu sắc hương xa, nữ kiệt hào hùng. Cho đến bây giờ, khán giả vẫn dành trọn cho chị một tình cảm yêu mến như ngày nào đã phong tặng cho chị danh hiệu “Nữ hoàng kiếm hiệp” hay “Đệ nhất đào cuồng”… Vào cuối tháng 2 này, Hãng phim Trẻ sẽ thực hiện phóng sự về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của chị với tên gọi Một đời gạo chợ nước sông.
Tuổi thơ cơ cực trên sông nước
Chọn chủ đề Một đời gạo chợ nước sông, NSƯT Diệu Hiền muốn nhắc lại bước khởi đầu trên con đường đến với nghệ thuật của mình cũng như quãng thời gian trên con đường lưu diễn. Quê hương Bạc Liêu nổi tiếng với những làn điệu vọng cổ cũng là nơi NSƯT Diệu Hiền cất tiếng khóc chào đời. Năm 14 tuổi, ba chị qua đời, má dẫn sáu anh em chị lên Sài Gòn lập nghiệp. Không mảnh đất cắm dùi, cả nhà phải sống 7 năm dài trên một chiếc ghe rách nát đậu ở dưới gầm cầu Rạch Bầu (nay là cầu Kho) – quận 1. Chiếc ghe cũ đến độ không còn chỗ để trét chai. Không đêm nào chị dám ngủ vì phải thức canh tát nước kẻo nước tràn vào chìm ghe, đợi khi nước ròng mới yên tâm chợp mắt. Rồi không biết từ lúc nào, chị đã ấp ủ một khao khát nóng bỏng trong mình – được theo nghề cải lương, nhưng mẹ và anh Hai chị cật lực phản đối. Năm 15 tuổi, chị trốn nhà theo đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu và một số đoàn nghệ thuật khác, vừa diễn vừa tự học. Đoàn hát nào cũng đều di chuyển bằng ghe, thuyền trên sông, nơi nào có chợ là dừng bến dựng rạp, có hát thì mới có tiền mua gạo cho anh em nghệ sĩ và công nhân hậu đài ăn, đêm treo chiếc võng lắc lư dưới rạp ngủ. Và cũng trên những chuyến lưu diễn sông nước này, chị bị một tai nạn “thương đau”: “Năm 1978, tôi cộng tác với đoàn cải lương Hương Tràm lưu diễn ở tỉnh Cà Mau. Một đêm ghe hát đậu ở rừng U Minh, cả đoàn lên bờ dựng lều ngủ. Tôi vốn sợ… ma nên ở lại trên ghe. Không ngờ, vào nửa đêm, một tài công sơ ý làm rơi cây đèn bão treo trên ghe gần thùng chứa xăng dầu nên phựt cháy. Tôi giật mình phóng mình xuống sông, nhờ bơi giỏi nên sống sót nhưng cũng bị phỏng toàn thân phải nằm viện suốt hơn một năm trời mới ngồi dậy được…”. Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh – người học trò cưng của chị đã khóc hết nước mắt khi nghe tin và anh bỏ hát ở Sài Gòn về Cà Mau nuôi chị suốt mấy tháng liền… Những nghệ sĩ nổi danh một thời với chị ai cũng trải qua đoạn đường nghệ thuật đầy gian khổ như thế nhưng mỗi khi nhắc lại, họ đều xúc động và trân trọng những ngày tháng đó.
Ngay cả nghệ danh của chị ngày hôm nay cũng là một kỷ niệm “định mệnh” không bao giờ quên trong cuộc đời. Tên thật của chị là Lâm Thị Hiền, lúc mới đi hát lấy tên Minh Hiền. Năm 1960, đoàn Hoa Sen của ông bầu Cao hát tại Đà Lạt vở Hoa tàn trong âm vắng. Đêm nọ, nghệ sĩ Mộng Vân Khánh bất ngờ bị bệnh nên không có ai thế vai chú tiểu. Tình thế bắt buộc soạn giả Hoàng Khâm phải sửa thành vai ni cô để chị hát thế. Không ngờ, vai ni cô Diệu Hiền của chị được khán giả cổ vũ nồng nhiệt, sau đó khán giả cứ đổ xô mua vé vào xem Diệu Hiền và gọi “chết tên” này luôn. Ông bầu Cao nói với chị: “Đi hát được khán giả đặt tên là điềm lành”, thế là ông treo băng rôn quảng cáo tên chị với nghệ danh Diệu Hiền, và nó gắn với chị cho đến bây giờ.
65 tuổi tuyên bố không hát nhép
Nếu trong sự nghiệp, chị là người may mắn khi thủ diễn toàn những vai nữ lưu anh hùng thì trong đời sống riêng tư, chị lại là một phụ nữ bất hạnh.
Thật vậy, trong cuộc đời của NSƯT Diệu Hiền cho đến giờ phút này, chị không hề có khái niệm hát nhép là gì, lúc nào chị cũng đều phục vụ cho khán giả bằng giọng ca thật của mình: “Mình tuổi đã cao, dĩ nhiên giọng hát và sắc vóc không còn được như xưa. Nhưng khán giả thương sẽ chấp nhận thôi”. Trong Một đời gạo chợ nước sông, chị sẽ tiếp tục uy nghi với hai vai đào võ rất thành công, tạo nên tên tuổi của mình là Triệu Thị Trinh (Nhụy Kiều tướng quân) và Bùi Thị Xuân (Nữ tướng cờ đào). Chị cũng sẽ “ lấy” nhiều nước mắt của khán giả qua trích đoạn Bên cầu dệt lụa (vai mẹ Trần Minh) diễn chung với NSƯT Thanh Sang, Thanh Tú, Mộng Tuyền, Duy Phương, Kiều Mai Lý và vai bà Cẩm Hương trong Ai giết tình em của soạn giả Hoàng Song Việt cùng với NSƯT Phượng Loan và Dương Thanh… Khách mời trong chương trình còn có Bạch Tuyết, Hoài Thanh, Vũ Linh, Thanh Kim Huệ, Thanh Ngân, Hữu Châu, Duy Phương, ca sĩ Phương Thanh, Trang Mỹ Dung, Giang Tử, soạn giả Viễn Châu… Chị cho biết: “Trong số những giọng ca nam, tôi đặc biệt hâm mộ anh Thanh Sang nhưng chưa một lần diễn chung. Lần này, tôi và anh đã có cơ hội diễn lại trích đoạn vang bóng một thời, tôi toại nguyện lắm”.
Hiện nay chị đang vui sống với nghề, với con cái, thường xuyên đi hát từ thiện cho các chùa với pháp danh Diệu Tích Tâm Chơn. Với hơn 40 năm tuổi nghề, chị chưa bao giờ làm phật lòng bất kỳ bạn đồng nghiệp nào. Các diễn viên trẻ cũng xem chị như một thần tượng để học hỏi và noi theo trong nghề.
SONG MINH

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)