NSƯT Diệu Hiền đang biểu diễn |
Tôi có may mắn được nhiều lần trò chuyện với NSƯT Diệu Hiền – cô đào nổi tiếng của sân khấu cải lương qua những vai tuồng màu sắc hương sa, nữ kiệt hào hùng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi được nghe chị bộc bạch về chuyện học hành của mình. Chị bảo: “Cuộc đời tôi có rất nhiều chuyện ly kỳ. Ngay cả chuyện học hành cũng thế. Hồi ấy, nếu không nhờ mê hát, có thể tôi sẽ bị mù chữ và không biết sự nghiệp của mình sẽ về đâu… Vì hoàn cảnh nghèo khó mà tôi không được học hành đến nơi đến chốn nên sau này khi đã nổi danh, tôi vẫn âm thầm tự học để hoàn thiện mình…”.
PV: Thưa NSƯT Diệu Hiền, chị có thể nói rõ hoàn cảnh nghèo khó như thế nào khiến việc học của chị bị dở dang?
Tôi sinh ra ở tỉnh Bạc Liêu trong gia đình 7 anh chị em. Năm tôi lên 4 tuổi thì ba tôi mất. Sau đó nhà lại bị cơn hỏa hoạn thiêu rụi nên má tôi phải dẫn dắt mấy anh em tôi lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai, lúc đó tôi vừa tròn 7 tuổi. Không mảnh đất cắm dùi, cả nhà phải sống 7 năm dài trên một chiếc ghe rách nát đậu ở dưới gầm cầu Rạch Bầu (nay là cầu Kho ) – quận 1. Chiếc ghe cũ đến độ không còn chỗ để trét chai. Không đêm nào tôi dám ngủ vì phải thức canh tát nước kẻo nước tràn vào chìm ghe, đợi khi nước ròng mới yên tâm chợp mắt. Nhà nghèo như thế nên má chỉ đủ tiền nuôi cho một người ăn học, anh tư là con trai nên được chọn, những người còn lại thì ở nhà lo phụ má bán cá ngoài chợ Cầu ông Lãnh. Năm 14 tuổi, một lần, thấy có người rao bán tập bài ca, mê quá tôi mua về học hát. Mà trong đầu không hề biết một chữ bẻ đôi thì làm sao mà học nên tôi tức tối vô cùng. Thấy bạn bè cùng lứa đọc chữ ào ào mà tôi khóc thầm vì tủi phận mình bị dốt…
Và sau đó chị đã quyết tâm “đi tìm cái chữ”?
Để đọc được bài ca, tôi quyết tâm phải học chữ. Tôi lén má đến một trường học gần nhà, cũng không nhớ tên trường là gì, đứng núp ngoài cửa sổ học lén lớp vỡ lòng. Ở trong lớp thầy viết lên bảng, bên ngoài tôi lượm cành cây khô viết lên đất những chữ cái được học. Một tuần sau, thầy phát hiện ra tôi ngồi viết trên đất đến hỏi sao không vào học, tôi nói nhà con nghèo, không có tiền đóng tiền trường. Một ông thầy khác đến nói: “Con bé này có chí, hổm nay tôi thấy nó ngồi học lén ngoài này…”. Vậy là hai thầy đồng ý cho tôi vào học, nhưng phải có khai sinh. Nhưng nhà tôi bị cháy rụi, rồi lưu lạc lên Sài Gòn, còn đâu tấm khai sinh. Không có khai sinh thì không vào trường được nên hai thầy dù rất thương tôi, cũng đành để tôi học lóm bên ngoài cửa sổ. Cách học ấy đã giúp tôi biết viết chữ rồi đọc được bài ca. Tối nào về nhà tôi cũng lấy tập bài ca ra đọc vang. Má tôi bất ngờ lắm nên “điều tra” tôi. Cuối cùng, tôi khai thiệt mình đi học như thế nào, tôi thấy má quay mặt đi mà nước mắt lưng tròng. Tôi biết má cũng muốn cho con cái ai cũng được đi học, nhưng nhà nghèo quá nên lực bất tòng tâm. Tôi hiểu nên cho đến bây giờ, tôi không hề oán trách mà càng thương má nhiều hơn.
Khi biết viết chữ, biết đọc bài ca rồi, chị đã xin má cho đi theo gánh hát?
Đúng vậy. Lúc đầu má cũng phản đối dữ lắm nhưng rồi thấy tôi đam mê quá nên má cũng chiều theo. 15 tuổi, tôi theo Đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu và một số đoàn nghệ thuật khác, vừa diễn vừa tự học. Nghệ sĩ Hoàng Nô nhận tôi làm đệ tử, dạy tôi học các bài bản Phụng Hoàng, một liên hoàn 3 Nam, 6 Bắc… Nếu không có sự nhiệt tình của thầy chắc muôn đời tôi vẫn là con bé ca vọng cổ phải bấm đốt ngón tay để đếm nhịp.
Theo chị, người nghệ sĩ nếu học hành không cao, khi dấn thân vào con đường nghệ thuật, bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn các nghệ sĩ khác?
Tôi cũng đã từng trải qua hoàn cảnh như thế. Nên khi trở thành nghệ sĩ được nhiều người yêu mến, tôi đã tự tìm tòi học hỏi kiến thức văn hóa lẫn kiến thức nghệ thuật từ những người thầy, các bậc đàn anh, đàn chị đi trước để hoàn thiện mình. Là một nghệ sĩ, để giữ vững danh hiệu và tình thương trong lòng khán giả thì phải luôn song hành hai yếu tố tài và đức. Tôi khuyên các nghệ sĩ trẻ nếu có điều kiện thì nên chuyên tâm học hành cho thật tốt. Bởi những nghệ sĩ có tài , có năng khiếu cộng thêm việc học tập bài bản, chính quy thì ngày càng tỏa sáng và tồn tại khẳng định mình lâu dài hơn.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Dù không có trình độ học vấn cao, nhưng trong nghề nghiệp, tôi tự hào là mình đã giúp đỡ được nhiều học trò thành danh, trong đó có NSƯT Vũ Linh. Tôi cảm ơn Tổ nghiệp đã ban cho tôi một đồng nghiệp, một học trò chí tình chí nghĩa như Vũ Linh. Năm 1978, tôi bị tai nạn phỏng toàn thân ở Cà Mau, Vũ Linh đã nghỉ hát đúng một năm, xuống Cà Mau để nuôi tôi. Điều đó không phải người học trò nào cũng có thể làm được. |
SONG MINH
Bình luận (0)