Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

NSƯT Kim Tiến: Đau đáu một chữ nghề

Tạp Chí Giáo Dục

60 phút ngắn ngủi cho một cuộc gặp gỡ, những câu chuyện, những tâm sự của NSƯT Kim Tiến thật sự lôi cuốn, Nnhưng đằng sau đó là nỗi trăn trở, suy tư và đau đáu một chữ “nghề” mà chị muốn chia sẻ. Nếu biết lắng nghe, nếu cầu thị, chắc hẳn các MC trẻ sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình.

Tiếng Việt có một ngữ điệu rất riêng

Ảnh: Như QuỳnhVẫn một chất giọng có lửa, Kim Tiến trở nên sôi nổi khi nói về những người dẫn chương trình thời sự, chính luận hiện nay, ở VTV – công việc mà chị đảm nhận từ khi vào Đài tới lúc nghỉ hưu. Không phải kẻ cả, lên lớp mà là gan ruột, là những đúc kết sau hơn 20 năm theo nghề. Theo chị, dẫn những chương trình chính luận, thời sự, MC phải đáp ứng được những chuẩn mực riêng như có phong cách hết sức chững chạc, chuẩn tiếng Việt, cách thể hiện cũng phải đúng vói phong cách của người Việt. Phải lựa chọn những người dẫn chương trình có phong độ, lịch sự, sang trọng và có độ tin cậy về tuổi tác để làm các phần về thời sự, không nên thể nghiệm bằng cách đưa người dẫn giỏi ở mảng sân chơi để dẫn chính luận bởi mỗi người có một thế mạnh riêng ở mỗi lĩnh vực.

Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của phát âm đối với nghề dẫn chương trình. Bao năm gắn bó với truyền hình, chị được khán giả nhớ tới với một giọng nói chuẩn, rõ ràng, khi đằm thắm, lúc sôi nổi. Có được điều đó là do chị đã tìm thấy những nét rất riêng của tiếng Việt. Chị rất băn khoăn khi thấy trên sóng Đài THVN còn nhiều sai sót về phát âm tiếng Việt như dấu sắc chuyển thành dấu hỏi nhưng không ai để ý: “Có thể ngay lập tức người ta chưa hiểu hết tác hại của nó, vậy nhưng con cháu của chúng ta lớn lên cứ nghe mãi một thứ tiếng Việt sai dấu như thế thì liệu tiếng Việt có còn trong sáng, chuẩn xác?”

Thêm vào đó, phần lớn MC của chúng ta đều tự tạo ra ngữ điệu, lên cao, xuống thấp một cách rất vô cớ, trong khi ngôn ngữ tiếng Việt quy định chỉ khi nào muốn nhấn mạnh một cái gì đó người ta mới cao giọng. Đó là chưa nói đến tốc độ và cách ngắt nghỉ của người dẫn chương trình, điều khiến không phải chỉ riêng chị mà những ai trong nghề, thậm chí khán giả cũng thấy băn khoăn. Ngắt nghỉ đúng sẽ tạo nên sự rõ ràng, dứt khoát, tăng thêm tính hiệu quả của việc truyền tin, nhưng dường như các MC trẻ đã bỏ qua những kỹ thuật cần thiết của việc phát âm, không có đủ hơi để đọc một câu hoàn chỉnh chứ chưa nói đến việc đôi lúc cần phải nhấn nhá đưa đẩy, nhấn vào ý.

Học cách xuất hiện

Tham gia giảng dạy cho các bạn trẻ mới vào nghề, Kim Tiến ngạc nhiên khi thấy các bạn trả lời rất chắc chắn rằng mình phải tự viết ra mới có thể thể hiện tốt. Chị đã trao đổi rất rõ rằng chỉ có nghiệp dư mới thế, còn những người làm nghề dẫn chuyên nghiệp là người có thể biến rất cả bài viết của người khác thành bài viết của mình một cách hết sức xúc động, máu thịt. Chinh phục người xem phải là phong cách và trí tuệ của mình, phải tỏ ra hiểu biết điều mình nói chứ không phải nói lại văn bản của người khác. Cái đó mới là nhà nghề và chất nhà nghề đó hiện nay đang thiếu trong làn sóng chính thống của đài truyền hình quốc gia.

Cách giảng dạy của chị không phải là cầm tay chỉ việc mà mang tính chất truyền nghề, trao đổi bởi các bạn trẻ rất thông minh, có nhiều kiến thức nên họ vỡ ra rất nhanh. Biểu hiện rõ nhất của việc không được đào tạo đó là bàn tay nhiều khi bị thừa, nhiều khi tay nói hộ miệng. Kim Tiến bảo rằng cái gì cũng có nghề của nó, đang từ phóng viên, biên tập viên muốn lên hình cũng phải học cách xuất hiện, từng cái chỉ tay, từng động tác hình thể cũng phải chuyển tải một thông tin nào đó.

Chị luôn nhấn mạnh và kích thích cho các bạn trẻ chú ý phải xuất hiện với một phong cách riêng, như thế mới tạo nên nhiều màu sắc. Một đội ngũ 10 người có 10 màu sắc khác nhau thì có 10 người giỏi, còn nếu có 10 người dẫn và nói đúng 1 phong cách thì chỉ có 1 người giỏi.

Học không bao giờ thừa

Hiếm có ai gắn bó với nghề dẫn chương trình tới tận lúc nghỉ hưu như Kim Tiến. Chị cười và cho rằng chị có nhiều “thuận lợi” trên guơng mặt nên chị cố gắng để làm sao không thay đổi nhiều. Bên cạnh đó chị luôn cố gắng học hỏi. Ngày VTV phát sóng chương trình VKT do Trần Bình Minh dẫn, Kim Tiến nhận thấy ngay xu hướng sẽ là các biên tập viên lên hình nên chị học cái tươi trẻ của phóng viên, biên tập viên và kết hợp những gì cơ bản mình có để thay dổi.

Để giữ giọng đọc chuẩn xác, cách ngắt nghỉ đúng nhịp, nhấn nhả đúng trọng tâm, ngày hè cũng như ngày đông, chị vẫn đi bơi bởi bộ môn này rất tốt cho sức khoẻ cũng như phổi của mình.

Kim Tiến tiếc rằng mình ít được tham gia đào tạo cho các biên tập viên ở nơi mình đã từng gắn bó. Khi theo dõi qua tivi, thấy điều gì còn lấn cấn trong lòng là chị lại gọi điện góp ý. Có thể khán giả thấy tiếng nói của Kim Tiến ngày càng ít xuất hiện trên sóng Đài THVN nhưng chẳng thể quên giọng đọc mang bề dày cảm xúc, da diết, sôi nổi nhưng trầm lắng, chất dã sử, hùng ca khi thuyết minh về các triều đại vua trong phim Trung Quốc. Sở dĩ lưu được dấu ấn lâu như vậy trong lòng khán giả bởi chị luôn học hỏi để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nghề dẫn.

Mới đây, khán giả gặp lại giọng đọc của kim Tiến qua bộ phim tài liệu Linh hồn Việt cộng. Nhiều người cho rằng, bộ phim gây được tiếng vang lớn trong dư luận một phần nhờ sự da diết, khắc khoải, ăn năn, hối cải và cả sự tha thứ thể hiện qua giọng đọc của chị. Trả lời bằng ánh cười lấp lánh sau cặp kính không giấu vẻ hạnh phúc chị kể tội: “Vậy mà ông xã mình vẫn nói xấu vợ, thắc mắc sao trên truyền hình chị dịu dàng thế mà ở ngoài thì khác hẳn”. Ai cũng biết đó là cách họ đùa vui chứ Kim Tiến chẳng thể lẫn vào đâu với gọng nói dịu dàng, ấm áp của mình.

Thuỳ Vân (Theo VTV)

Bình luận (0)