Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Ngô Thị Huệ vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh tư liệu)

Nhiều người cảm phục gọi bà là “bông Huệ thép” giữa lòng địch. Còn với bà, việc vào sinh ra tử vì quê hương chỉ đơn giản như là trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc. Bước qua lằn ranh sống – chết trước làn tên mũi đạn, bà chỉ khiêm tốn bảo mình đã hoàn thành nhiệm vụ! Bà là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Huệ, ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Bà Huệ không nói nhiều về mình. Những việc bà từng tham gia trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, với bà chỉ là… làm tròn nhiệm vụ với quê hương!

“Bông Huệ thép” giữa lòng địch

Nhắc về những năm tháng đạn bom giày xéo làng mạc, kí ức người con gái sinh ra và lớn lên ở miền quê Hòa Liên (huyện Hòa Vang) như cuốn phim quay chậm, thời gian như dừng lại mới ngày hôm qua…

Là con gái út trong gia đình có 8 anh chị em. Mẹ mất sớm nên từ nhỏ cô bé Huệ đã chịu nhiều thiệt thòi. 11 tuổi, Huệ gia nhập Đội Thiếu nhi làm nhiệm vụ cảnh giới, liên lạc cho cán bộ hoạt động cách mạng mà cha mình là một mắt xích. “Thời gian đó địch quần nát vùng đất này, ác liệt lắm. Ba tui trong một lần hoạt động cũng bị chúng bắt đánh cho bị thương nặng ở mắt. Nhiều anh em bị bắt tra tấn dã man lắm”, bà Huệ rùng mình nhớ lại.

Bà Huệ kể tiếp, năm 1954, gia đình bà có 5 anh em thoát ly ra Bắc. Số còn lại, trong đó có bà đã bị địch bắt ra trụ sở ủy ban xã đánh đập, tra tấn bắt khai. Rồi năm 1959, Mỹ – ngụy thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ bề quản lý, đồng thời lê máy chém đi khắp miền Nam thực hiện Luật 10-59, gia đình bà cũng bị đưa vào khu dồn dân lập ấp. Bà Huệ âm thầm nhận nhiệm vụ vào ấp chiến lược cùng bà con để theo dõi, nắm tình hình địch, đồng thời tìm cách liên lạc với những cơ sở mới. Cũng trong thời gian này, được chỉ thị của cấp trên, bà nắm tình hình, bố trí để những trinh sát của ta tiêu diệt các đối tượng ác ôn gây hại cho dân, cho nước. Với thân hình nhỏ bé, gương mặt “búng ra sữa”, địch không thể ngờ rằng, chính người con gái ấy đã khiến hàng ngũ địch và bọn ác ôn tiếp tay cho giặc ăn không ngon, ngủ không yên. Bà còn tìm cách móc nối với những người yêu nước trong hàng ngũ địch, chỉ cho họ thấy chân lý lẽ phải để họ giúp đỡ cách mạng. Trong lần lên kế hoạch giết một tên ác ôn, bà bị địch bắt giam, tra tấn với đủ hình thức từ chích điện, tạt nước vôi, nước ớt… nhưng bà không chùng lòng trước đòn roi. Năm 1963, ngay khi vừa ra tù, vết thương vừa khép miệng, bà Huệ lại gia nhập Tổ điệp báo (Ban An ninh Quảng Đà) tiếp tục hoạt động. “Lúc đó tui nhận nhiệm vụ làm tình báo. Mỗi ngày đều bám sát, thu thập thông tin, nắm tình hình địch, chuyển tài liệu quan trọng ra bên ngoài cho đồng đội. Để làm được việc đó, tui phải vào rất nhiều vai, khi thì trong trang phục cô gái quê hiền lành, khi lại làm cô thôn nữ áo dài lẳng lơ quyến rũ quân địch, lúc khác thì trong vai con buôn với điếu thuốc phì phèo trên tay”, bà Huệ kể.

 Vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Huệ hạnh phúc tuổi già. Ảnh: V.Yên

Năm 1969, trong một lần làm nhiệm vụ, bị máy bay địch phục kích, bà Huệ bị thương nặng ở đầu. Bà được đưa ra Hà Nội điều trị. Năm 1971, khi vết thương tạm lành, bà được điều về Bộ Công an công tác, sau chuyển về Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu.

Chuyện tình cảm động

Chuỗi ngày hoạt động trong lòng địch, bà Ngô Thị Huệ đã tiêu diệt 8 tên ác ôn khét tiếng, trực tiếp gầy dựng được 27 cơ sở cách mạng. Bà được tặng thưởng nhiều huân – huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 1985, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau lần trúng mảnh đạn găm vào đầu gây vết thương quá nặng năm 1969, bà Huệ luôn trong tình trạng động kinh, lúc tỉnh lúc mơ. Bà được an dưỡng và điều trị dài ngày ở Bệnh viện E Hà Nội. Chính trong những ngày này, bà gặp lại người đồng đội từng nhiều lần gặp ở chiến trường và trong lao tù của địch trước đó. Ông tên Trần Viết Trí. Từ sự cảm thông, ông đã đem lòng yêu thương, mong muốn làm điểm tựa cuộc đời cho bà. Lúc này ông cũng đã có hai con, người vợ đã qua đời vì bệnh tật. Từ sự cảm thông, họ đã đến với nhau chân thành, vượt qua mọi rào cản định kiến. Thế nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Không lâu sau ngày gắn bó với ông Trí, bà Huệ nhận ra, chính những trận đòn roi của kẻ thù đã vĩnh viễn cướp mất đi của bà quyền làm mẹ. “Lúc ấy tui đau lòng lắm. Ai không khát khao được làm tròn thiên chức của mình, nhưng…”, giọng bà Huệ nghèn nghẹn. Ngừng giây lát, bà nói tiếp: “Ngày ấy trong những cơn đau gần như tuyệt vọng, tui được gặp bác Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an lúc bấy giờ – PV), rồi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã động viên, tiếp thêm sức mạnh cho tui sống tiếp. Phần khác, là sự động viên của anh Trí, chồng tui”. Ngồi cạnh vợ, ông Trí trải lòng: “Ngày ấy, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn – người thương bà ấy như cha ruột – cũng nói với tôi về nỗi đau của bà ấy nhưng vì thương bà ấy nên tôi quyết định gắn bó”. Vượt qua nỗi đau, bà dồn hết tình yêu cho hai đứa con của chồng. Sau chiến tranh, hai ông bà quay về Đà Nẵng. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ có chung niềm tin và ý chí. Hai người chung chiến hào một thuở đạn bom, giữa thời bình lại chung tay xây dựng cuộc sống.

Ở vào tuổi gần 80, hai ông bà sống đầm ấm trong căn nhà hướng mặt về phía biển. Mỗi sáng, mỗi chiều, họ tay trong tay đi dạo. “Cuộc sống của chúng tui đi qua bao gian khó, hoàn thành nghĩa vụ với quê hương, giờ tuổi già được sống giữa thời bình trong tình yêu thương của cháu con, của đồng đội như thế này là mãn nguyện rồi”, bà Huệ nhìn chồng, nở nụ cười nói.

Phan Vĩnh Yên

Cô gái thông minh, gan dạ

Năm 1953, khi cán bộ của ta đang họp ngay trong nhà của bà Huệ thì bất ngờ địch ập đến bao vây. “Lúc đó tui nghĩ ra cách chạy thẳng ra chuồng trâu, mở trâu lùa chúng chạy ra đồng rồi la lớn “bà con ơi trâu xổng chuồng ăn lúa” để báo hiệu. Nhân lúc bà con chạy ra đồng lùa trâu thì cán bộ của ta theo đó thoát ra ngoài, một số trốn vào hầm bí mật”, bà Huệ kể. Sau lần đó, cán bộ của ta đã thoát vòng vây nhưng Huệ và cha bị địch bắt tra khảo. Bà Huệ cho biết: “Cha tui bị chúng tra khảo dã man lắm. Chúng đánh đập mãi nhưng ông không khai, chúng đâm lòi mắt đến khi ông bị mù mới chịu thả về nhà. Còn tui bị chúng giam cầm, đánh đập suốt 6 tháng, không moi được thông tin gì mới chịu thả ra”.

 

Bình luận (0)