Nung nấu nhiều quyết tâm, nữ bác sĩ (BS) Hồ Phạm Thục Lan đã đến với ngành y. Thế nhưng không dừng lại ở lĩnh vực điều trị, BS Lan còn là nữ BS say mê nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng là giảng viên truyền cảm hứng cho hàng chục lớp sinh viên. Dù là ở vai trò nào, BS Lan đều hết lòng, hết dạ. Gieo cây ngọt thì gặt trái ngọt quả không sai, bởi ở trên cả 3 vai trò ấy, BS Lan đều ghi lại những dấu ấn đẹp, những công trình nghiên cứu để đời…
BS Thục Lan đang giảng dạy cho sinh viên. Ảnh: NVCC
Với những cống hiến không ngừng nghỉ cho sự phát triển của nền y học và sức khỏe của người dân, đặc biệt là nữ giới, nữ BS Hồ Phạm Thục Lan (SN 1962) – Trưởng Đơn vị Chuyển hóa Cơ xương, Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM là một trong 10 cá nhân vinh dự được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.
Quyết tâm học y để hết lòng vì người bệnh
Ngày 15-10, buổi lễ trao giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2019 đã diễn ra long trọng tại Hà Nội, BS Hồ Phạm Thục Lan là một trong 10 phụ nữ được vinh danh. Vừa trở lại TP.HCM, bà lại khoác lên người chiếc áo blouse trắng quen thuộc, tất bật đến với giảng đường, phòng nghiên cứu. Ít ai ngờ, người phụ nữ có dáng vẻ mảnh mai, nhỏ nhắn ấy lại luôn tràn đầy sự lạc quan và năng lượng đối với cuộc sống. Đặc biệt bà hết tâm, hết lòng cống hiến cho ngành y, dù đây là ngành nghề được coi là khá khắc nghiệt đối với nữ giới.
BS Lan kể, cơ duyên đến với nghề y là từ rất nhiều năm về trước, khi bà còn là nữ sinh đang học cấp 2. “Lúc đó em gái của tôi bị bệnh nặng phải nằm viện. BS điều trị đã khuyên nếu không có tiền mua thuốc thì gia đình nên đưa em về. Gia đình tôi rất tuyệt vọng. Cũng tại thời điểm đó tôi đã quyết tâm phải trở thành BS, và nguyện lòng sẽ không bao giờ nói với bệnh nhân câu nói như trên” – BS Lan hồi ức. Quyết tâm thực hiện, bà thi đỗ vào ngành y, trở thành giảng viên Bộ môn nội tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, rồi giáo vụ Bộ môn nội tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP. Sau đó, bà được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Bộ môn nội tổng quát Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Cho đến nay, bà là Trưởng Đơn vị Cơ xương và Chuyển hóa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Không chỉ là giảng viên, BS Lan còn được biết đến là BS điều trị tận tụy với người bệnh.
Trong hàng chục năm liền, ngày nối ngày, khi vừa rời giảng đường người ta đã thấy cánh áo blouse trắng của bà đứng bên cạnh người bệnh ôn tồn hỏi han bệnh sử, triệu chứng, khám, kê đơn thuốc và hướng dẫn y lệnh tận tình, sự chia sẻ và nụ cười luôn lan tỏa trên môi. Chia sẻ về những năm “trường kỳ” cùng người bệnh, BS Lan mỉm cười “Vai trò BS điều trị lâm sàng có ý nghĩa đặc biệt vì nó mang tính cá nhân và liên hệ thấu cảm. Người BS giúp cho bệnh nhân lành bệnh, hoặc nếu không chữa hết bệnh thì mình cũng có thể giúp giảm nỗi đau cho họ. Tôi xem vai trò của người BS như là người “diệt khổ”. Diệt khổ không chỉ qua điều trị, mà còn qua cách mình nghe câu chuyện của bệnh nhân, nói chuyện với họ, thậm chí qua ánh mắt. Tất cả đều là một đặc quyền đối với tôi…”. Với chuyên môn giỏi và hết lòng vì người bệnh, BS Lan từng được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Nội Nhiễm và Trưởng khoa Nội Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115.
“Gieo” cây ngọt – “gặt” quả ngọt
Không chỉ là BS giỏi ở bệnh viện, BS Lan được biết đến là nữ giảng viên, nữ BS say mê nghiên cứu khoa học. Dù bất cứ vai trò nào, bà cũng hết lòng hết dạ. Ở lĩnh vực giảng dạy, BS Lan luôn chăm chút từng bài giảng một cách súc tích nhưng trọn vẹn và dễ hiểu.
Đặc biệt hơn, trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa với những công trình khoa học đã được ghi dấu BS Lan chưa từng nhận là “say mê”. Bà khiêm tốn nhìn nhận rằng những nghiên cứu đã thực hiện và công bố chỉ để trả lời những câu hỏi trong thực tế lâm sàng hay những câu hỏi trong chuyên ngành. BS Lan chia sẻ: “Ý tưởng nghiên cứu bắt đầu từ thực tế quan sát. Ở công trình đầu tiên, tôi tự hỏi người ăn chay có bị loãng xương cao hơn người ăn mặn? Và, thế là tôi tìm đến thầy để học cách trả lời câu hỏi đó. May mắn được gặp GS. Nguyễn Văn Tuấn, thầy là người đã truyền động lực và giúp tôi thực sự nắm được phương pháp nghiên cứu và làm khoa học đúng chuẩn quốc tế. Công trình đầu tiên có kết quả rất tốt: người ăn chay không có nguy cơ loãng xương cao hơn người ăn mặn. Từ đó, tôi lại tự hỏi thêm rằng người ăn chay có thành phần cơ thể (lượng mỡ và lượng cơ) có khác người ăn mặn, và dùng dữ liệu nghiên cứu đầu tay, tôi lại có thêm một hai bài báo khác. Những bài này đã được trích dẫn hơn 100 lần”.
BS Thục Lan đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC BS Hồ Phạm Thục Lan luôn tâm niệm rằng “giảng dạy là truyền đạt kiến thức và kỹ năng lâm sàng cho thế hệ sau. Giảng viên giống như người đưa đò, mình đưa các em từ bến bờ này sang bến bờ kia”. Sự tận tụy, hết lòng ấy khiến bao thế hệ sinh viên dù ra trường vẫn không quên những cảm hứng mà bà đã lan tỏa. |
BS Lan kể thêm: “Tôi vừa là giảng viên vừa là BS lâm sàng trực tiếp khám bệnh nhân. Ở cương vị này tôi thường xuyên tiếp xúc với những trường hợp bệnh nhân chịu đựng những hệ quả nghiêm trọng của các bệnh mãn tính thường gặp trong cộng đồng như loãng xương, thoái hóa khớp. Thế là tôi tập trung thời gian vào thực hiện các công trình nghiên cứu quy mô (trên 1.000 người) về hai bệnh này. Tôi bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản như có bao nhiêu người mắc bệnh loãng xương trong cộng đồng, yếu tố nào có liên quan đến loãng xương, chúng ta chẩn đoán loãng xương có chính xác chưa, mối liên quan giữa loãng xương và thoái hóa khớp ra sao, tiểu đường có tác động đến loãng xương hay không… Từ những câu hỏi như thế, tôi có hàng loạt bài báo công bố quốc tế”.
Không chỉ để trả lời những câu hỏi trong thực tế lâm sàng, BS Lan nhìn nhận rằng sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn rất khiêm tốn, thua xa các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Chính mong mỏi, lý tưởng có thể góp phần nhỏ vào sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên các diễn đàn khoa học quốc tế khiến nữ BS nỗ lực quyết tâm thực hiện được những nghiên cứu chuyên sâu và có quy mô lớn.
Mỗi bài báo khoa học là một “đứa con tinh thần”, trong đó BS Lan đã dồn nhiều tâm sức, dày công thực hiện. Bà đã ghi dấu ấn với nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo khoa học, nhiều công trình được bạn bè quốc tế biết đến, điển hình như: Công trình nghiên cứu về ăn chay và loãng xương, được công bố trên tạp chí số 1 trong chuyên ngành dinh dưỡng học American Journal of Clinical Nutrition đã được trích dẫn trên 160 lần. Cho đến nay, công trình này vẫn được nhiều đồng nghiệp trên thế giới nhắc đến mỗi năm; Công trình về thành phần cơ thể nhằm trả lời câu hỏi lượng cơ hay lượng mỡ trong người chúng ta có ảnh hưởng đến xương. Đây là nghiên cứu đã giải quyết câu hỏi mà giới chuyên ngành đã tốn hơn 20 năm để theo đuổi. Bài viết được công bố vào năm 2014 trên tạp chí số 1 trong chuyên ngành nội tiết là Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, và đến nay đã được trích dẫn hơn 110 lần. Công trình nghiên cứu về gen có liên quan đến loãng xương ở người Việt, công trình về thiếu vitamin D ở người Việt cũng được nhiều đồng nghiệp quan tâm. Công trình Vietnam Osteoporosis Study (gọi tắt là VOS) có quy mô nhất nhì tại Á châu, với hơn 4.000 tình nguyện viên tham gia…
Hoài Thương
Bình luận (0)